Học tập đạo đức HCM

Hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, bền vững: Nâng cao vị thế hạt gạo Việt Nam

Thứ ba - 20/03/2012 00:14
Việt Nam, hơn 22 năm trước, vẫn còn là một quốc gia thiếu đói. Bằng chính sức mình và chủ trương đổi mới nông nghiệp sáng suốt của Đảng, chỉ một năm sau đó nước ta bắt đầu xuất khẩu gạo, và hiện giờ đã trở thành nước xuất khẩu gạo quan trọng trên thế giới.
Nếu tính mốc lịch sử từ khi Nguyễn Hữu Cảnh vào khai khẩn phương Nam, đến năm 1999 (đứng thứ nhì thế giới sau 10 năm xuất khẩu gạo), quãng thời gian ấy ngót ngét 300 năm. Hạt lúa đã trải qua một quá trình dài, cay đắng và máu lửa để hiên ngang như dòng chảy của lịch sử dân tộc. Khi dân số thế giới chạm mốc 7 tỷ người, lương thực trở thành vấn đề quan trọng toàn cầu, vị thế của cây lúa hạt gạo Việt Nam càng được khẳng định, đòi hỏi sự nâng chất cần thiết để giữ vững “ngôi vị” trong quá trình cạnh tranh quyết liệt.
Bước chuyển mình ngoạn mục
Nếu có dịp ngược xuôi qua Đồng Tháp Mười bây giờ, chắc hẳn rằng ai cũng sẽ ngạc nhiên trước màu vàng xanh ngút ngàn của đồng lúa. Đồng Tháp Mười là vùng đất ngập nước, diện tích gần 700.000ha, trải rộng trên 3 tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp. Trong đó, tỉnh Long An chiếm non nửa. Suốt hàng ngàn năm, vùng đất này chịu cảnh hoang hóa, đất đai ngập nước mỗi năm 3 – 4 tháng.
Thời Pháp, rồi Mỹ, đã có nhiều nỗ lực khai phá Đồng Tháp Mười nhưng đều thất bại. Các nhà khoa học trên thế giới từng tính rằng, phải đầu tư vào mỗi hecta ruộng ở Đồng Tháp Mười 1 triệu USD mới có thể trồng lúa được. Thế nhưng, bắt đầu từ thập niên 1980, chỉ với lao động thủ công cùng kinh nghiệm thực tiễn, hàng triệu người dân đã đẩy mạnh khai hoang Đồng Tháp Mười. Hàng trăm ngàn cây số kênh mương đã được đào để thoát nước, xả phèn. Vất vả, kể cả thất bại, người dân nơi đây đã biến Đồng Tháp Mười thành vựa lúa cả nước, góp phần quan trọng đưa Việt Nam từ một nước thiếu lương thực thành cường quốc xuất khẩu.
Hàng năm, lượng phù sa sông Tiền từ Tân Châu, Hồng Ngự theo các kênh về phủ lên đồng ruộng một lớp mỡ màng. Vậy là sạ, bón phân, xử lý nước phèn mặt, nhưng cấm động đến ổ phèn sâu dưới lớp phù sa. Có cày ải cũng phải cắt mao mạch, đốt đồng, càng ém ổ phèn xuống sâu càng tốt. Bằng cách né phèn này, nông dân Đồng Tháp Mười sử dụng ngay đất phèn làm hai vụ lúa, chuyên gia kỹ sư nông nghiệp nào cũng “lác mắt” khâm phục.
Sau nhiều năm vất vả khai phá, Đồng Tháp Mười giờ đây đã trở thành vựa lúa quan trọng của cả nước. Trong ảnh: Thu hoạch lúa ở Đồng Tháp Mười.
 
Hồi sinh những vùng đất chết
Sau những thành công ngoài mong đợi ở Đồng Tháp Mười, An Giang quyết tâm tiến công vào Tứ giác Long Xuyên.
Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, người từng chỉ huy chương trình Tứ giác Long Xuyên, kể: “Ở vùng khai hoang thời ấy tập trung đủ mọi cái nhất: nghèo nhất, khổ nhất, thiếu vốn nhất, thiếu kinh nghiệm nhất... Việc cải tạo và cấp đất, khử phèn cơ bản hoàn thành, nhưng ba năm đầu mùa màng thất bát dữ lắm do phèn vẫn còn cao. Dân nghèo thì không có vốn, người khá hơn sau mấy năm liên tục lỗ cũng đâm ra chán nản. Tại Tri Tôn, có lần tôi vào đứng giữa ruộng của bà con mà không cầm được nước mắt. Những cánh đồng lúa quéo rễ khô cháy do phèn còn cao, công sức bỏ ra chẳng thu về được gì”. 
Vậy mà sau ba năm thất bát, những công trình thủy lợi, những giải pháp kỹ thuật trị phèn đã phát huy tối đa tác dụng, đẩy những con nước đỏ ngầu lùi xa những cánh đồng. Sản lượng lúa liên tục tăng lên. Đất từ chỗ cho không ai lấy đã lên cả chục triệu đồng mỗi công. Mỗi năm hai vụ lúa mùa, vùng Tứ giác Long Xuyên đã đóng góp hàng triệu tấn lúa góp phần đảm bảo an ninh lương thực và phục vụ xuất khẩu.
ĐBSCL giờ đây đã trở thành bát cơm châu Á - vựa lúa quan trọng của cả nước và thế giới.
 
Từ một vùng đất phèn khỉ ho cò gáy, Tứ giác Long Xuyên giờ là vùng trọng điểm sản xuất lúa của ĐBSCL (sau Đồng Tháp Mười). Hiện mỗi năm trong tổng sản lượng hơn 3,5 triệu tấn lúa của An Giang, vùng Tứ giác Long Xuyên đóng góp gần 2 triệu tấn (sản lượng lúa của hai tỉnh Kiên Giang, An Giang gần 7 triệu tấn/năm).
ĐBSCL đâu chỉ có Đồng Tháp Mười hay Tứ giác Long Xuyên, vùng đồng ruộng Cà Mau - Bạc Liêu cũng đầy phèn, hoang hóa. Một trong những địa danh còn nổi tiếng đến giờ là “Đồng chó ngáp”.
Những người đến khai hoang “Đồng chó ngáp” từ hơn 30 năm trước, kể rằng hồi đó do đất bị nhiễm phèn, mặn nặng nên làm lúa trầy trật lắm, cho đến khi họ có được giống lúa “Một bụi bờ đìa”.
Đó là một giống lúa mùa, năng suất thấp nhưng hạt gạo thơm, ngon. Khi phong trào nuôi tôm ở Bạc Liêu phát triển mạnh, người dân thi nhau lấy nước mặn vào “Đồng chó ngáp” nuôi tôm nhưng đến cây khóm cũng không sống nổi. Vậy mà lúa “Một bụi bờ đìa” vẫn cho năng suất cao; đồng thời nuôi tôm dưới chân lúa lại rất hiệu quả. Năm 2003, tỉnh Bạc Liêu đã xúc tiến xây dựng thương hiệu gạo “Một bụi đỏ Hồng Dân” từ giống lúa “Một bụi bờ đìa”.
Khi đó, lãnh đạo địa phương phải “khăn gói” đến Đại học Cần Thơ và Viện Lúa ĐBSCL để nhờ các nhà khoa học giúp đưa giống lúa Một bụi đỏ trở về thuần chủng ngày xưa, sinh trưởng ổn định và cho năng suất cao trong điều kiện đất đai phèn mặn cao của Hồng Dân. UBND huyện cũng đã phối hợp với Viện Lúa ĐBSCL tổ chức nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác, nâng cao nhận thức cho nông dân trong việc sản xuất nông sản sạch, an toàn. Nhờ đó, diện tích lúa “Một bụi đỏ” không ngừng được nhân rộng, đến nay đã tăng lên hơn 21.000ha.
Ngày 25-6-2008, gạo Một bụi đỏ Hồng Dân đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn thương hiệu độc quyền. Rồi từ giống lúa này, các nhà khoa học của ĐH Cần Thơ tiếp tục lai tạo thành công lúa “Một bụi đỏ” có màu hồng, vượt trội về chất lượng và giá trị, lại hấp dẫn về màu sắc.
Bí thư Huyện ủy Hồng Dân Võ Văn Út cho biết, ngoài giống lúa này, huyện cũng đã thử nghiệm thành công giống lúa chịu mặn, có khả năng chịu được độ mặn 10‰, với tên gọi “lúa Sỏi”. Hiện diện tích lúa gieo cấy phát triển khá tốt, hứa hẹn thành công, tạo bước đột phá về sản xuất lúa gạo trong điều kiện biến đổi khí hậu sắp tới.
Điểm sáng bức tranh nông nghiệp
Hiện trạng sản xuất lúa gạo của nước ta đã đổi thay rất nhiều. Mặc dù lúa vẫn là cây trồng chủ yếu của nông nghiệp Việt Nam, có vị trí hết sức quan trọng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đóng góp khá lớn vào kim ngạch xuất khẩu nông sản (chiếm khoảng 25%) nhưng diện tích trồng lúa lại đang thu hẹp dần. Tính riêng về diện tích trồng lúa so với tổng diện tích gieo trồng chung cả nước năm 1991 chiếm tới 70%, đến năm 2001 còn 60% và càng ngày càng thấp dần. Tuy nhiên, nhờ các tiến bộ khoa học được áp dụng, khả năng thâm canh của nông dân được nâng cao, cho nên năng suất, sản lượng lúa vẫn tăng.
Theo đó, năm 2011, Việt Nam đã xuất khẩu 7,1 triệu tấn gạo, thu về 3,6 tỷ USD. Hiện sản phẩm gạo Việt Nam đã có mặt và tạo uy tín tại các thị trường lớn trên thế giới. Tuy nhiên, gạo xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là gạo tẻ thường, trong một vài năm gần đây đã bắt đầu chú ý sản xuất và xuất khẩu gạo phẩm cấp cao và gạo đặc sản nhưng số lượng chưa nhiều.
Về giá cả, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam thường thấp hơn giá gạo cùng loại của Thái Lan từ 10-20 USD/tấn. Những lợi thế về chi phí lao động thấp đang dần mất đi trong quá trình tăng trưởng kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế.
Một vấn đề nữa, mặc dù Việt Nam nước xuất khẩu gạo lớn nhưng chưa có thương hiệu, nhãn hiệu gạo nổi tiếng. Do vậy, để nâng cao khả năng cạnh tranh và khả năng phát triển thị trường, rất cần thiết phải xây dựng thương hiệu cho gạo Việt Nam song hành với bài toán chất lượng để giữ vững vị thế hạt gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.
“Tất nhiên chúng ta rất phấn khởi trước sự tiến bộ của nền nông nghiệp nước nhà. Song gạo Việt Nam chỉ mới thắng bước đầu về số lượng. Cái ta cần phấn đấu phải thắng bước hai về giá trị, chất lượng” - GS-TS Nguyễn Văn Luật, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, nói.
Mỹ Phú - Hạt giống và anh hùng
Với thế hệ khai hoang Đồng Tháp Mười, xã Mỹ Phú (huyện Thủ Thừa, Long an) là địa danh không hề xa lạ. Dù cách TP Tân An chỉ khoảng 10 cây số, nhưng vào đến Mỹ Phú tức là đã đến Đồng Tháp Mười. Cánh đồng xã Mỹ Phú từ lâu đã trở nên thân quen với ngành nông nghiệp. Mỗi khi cần thử nghiệm một giống lúa mới, các nhà khoa học thường tìm về cánh đồng xã Mỹ Phú. Cần nhân giống đại trà một giống lúa vừa lai tạo thành công, những kỹ sư nông nghiệp cũng khăn gói về ăn ngủ, cấy lúa trên mảnh đất màu mỡ này.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Long An, đã có khoảng 500 giống lúa mới được nhân giống thành công ở cánh đồng Mỹ Phú, cho ra hàng chục ngàn tấn lúa giống chất lượng cao cung cấp cho cả Đồng Tháp Mười và các tỉnh ĐBSCL.
Cánh đồng này gắn liền với một Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Vụ đông - xuân 2000 - 2001, nông dân Dương Văn Hữu (Hai Hữu) ở xã Mỹ Phú đã khiến mọi người kinh ngạc khi thu hoạch lúa đạt năng suất hơn 10 tấn/ha. Thời ấy, các kiện tướng trồng lúa ở Đồng Tháp Mười thi nhau nâng dần năng suất lúa, từ 5 - 6 tấn/ha/vụ lên 7, rồi 8 tấn/ha. Vì vậy, khi anh hùng Dương Văn Hữu thu hoạch đúng 10 tấn lúa trên thửa ruộng chưa tới 1ha của mình, các “kiện tướng trồng lúa” ở miền Tây Nam bộ phải chào thua.
Theo ipsard.gov.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập832
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại759,048
  • Tổng lượt truy cập93,136,712
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây