TRAO QUYỀN TỰ QUYẾT CHO DÂN
“Sao lại đứng hút thuốc ở đây rồi xả rác nữa thế?”. Đang đứng chăm chú nhìn các cháu nhỏ tung tăng trong sân trường mầm non Xuân Định, câu nói làm tôi giật mình quay lại, người đàn ông đứng sát bên nhìn tôi bằng ánh mắt trách móc. Tôi bối rối rồi xin lỗi và nhặt chiếc vỏ bao thuốc lá nhét vội vào túi.
Dạo một vòng quanh xã Xuân Định, tôi có ngay câu trả lời là tại sao xã này đã sớm “về đích” trong Chương trình xây dựng NTM. Từ những con đường liên xã, liên thôn đến những ngõ hẻm đều đã được trải nhựa hoặc bê tông phẳng lỳ, sạch bong dẫn đến những ngôi nhà khang trang. Cả xã có hơn 1.700 hộ với ngót 10 ngàn nhân khẩu. Năm 2008, có 31 hộ nghèo, đến năm 2011 giảm còn 18 hộ. Và đến nay, không còn hộ nghèo.
Ghé vào UBND xã, Chủ tịch Nguyễn Thanh Hương, một phụ nữ còn rất trẻ, đón tôi bằng nụ cười tươi. Chị kể: “Ngay từ những năm 2000, lãnh đạo xã đã trăn trở là làm sao để đời sống bà con đi lên. Và, chúng tôi xác định muốn phát triển sản xuất thì nhất thiết phải có cơ sở hạ tầng vững chắc. Bên cạnh đó, chúng tôi làm công tác tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu là họ đóng góp công, của để xây dựng địa phương chính là làm cho họ hưởng. Cuối cùng, yếu tố rất quan trọng là sự đoàn kết một lòng từ trên xuống dưới của người dân. Lãnh đạo xã đã biết tận dụng sức mạnh tập thể này".
Chị Hương nhớ lại: "Hồi đó chưa có Chương trình NTM nên tất cả những con đường ngõ xóm được trải bê tông như anh thấy đều là do dân đóng góp, từ kinh phí đến công lao động. Có những con đường chúng tôi thuê thiết kế, thi công, nhưng cũng có những con đường do chính những người dân sống trong đó tự họp lại, bàn tính và sau đó họ làm theo ý họ. Xã chỉ làm “trọng tài” và khi cần thì tư vấn. Ban đầu chỉ có vài chỗ làm, sau đó các khu vực khác thấy vậy cũng làm theo, dần dần trở thành một phong trào. Và đến nay thì 100% đường giao thông trong xã đã đạt chuẩn NTM. Chúng tôi được như hôm nay, phần lớn là do dân”.
PHẤN ĐẤU 60 TRIỆU ĐỒNG/NGƯỜI
Song song với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, chính quyền khuyến khích bà con trồng các loại cây có năng suất cao như sầu riêng, chôm chôm, bắp lai… thay thế những cây trồng truyền thống năng suất thấp, áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất.
Hiện nay cây sầu riêng, chôm chôm cho thu nhập trung bình 200 triệu/hécta, mít Thái cho thu nhập bình quân từ 100 triệu đồng/hécta. Xã còn phát triển khá mạnh nghề nuôi trồng nấm mèo theo phương pháp bán công nghiệp. Nếu như trước đây, để làm ra được 10 ngàn bịch nấm phải mất 6 công lao động, nay với phương pháp đóng bịch bằng máy chỉ tốn khoảng 2 công lao động và đạt độ đồng đều nên năng suất nấm tăng cao hơn. Hiện Xuân Định có 49 hộ nuôi trồng nấm mèo, hàng năm cung cấp ra thị trường 380 tấn nấm.
Điểm đổi thay dễ nhận thấy nhất ở Xuân Định hôm nay chính là đời sống của người dân ngày một nâng cao. Trong 7 năm, người dân đã chuyển đổi được 420 hécta cà phê năng suất thấp sang trồng cây ăn trái có giá trị cao gấp 5 lần. Nếu như năm 2008, Xuân Định chỉ có 8 trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ thì đến nay đã có tới 56 trang trại sản xuất heo giống, heo thịt quy mô. Hiện xã đã có 9 câu lạc bộ năng suất cao hoạt động rất hiệu quả. Các thành viên trong CLB không chỉ hỗ trợ nhau về kỹ thuật, vốn sản xuất mà còn giúp tìm đầu ra cho nông sản.
Hiện nay Xuân Định đang khởi công xây dựng khu chợ đầu mối tại ấp Bảo Định (ngay mặt tiền QL1A), diện tích 30.000m2, tổng kinh phí hơn 38 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, khu chợ này sẽ là nơi trung chuyển nông sản, thực phẩm lớn nhất nhì khu vực cửa ngõ miền Đông đến TPHCM và các tỉnh miền Tây, tạo điều kiện cho nông sản có đầu ra thuận lợi. Bên cạnh đó, xã đã quy hoạch xong khu chăn nuôi gia súc tập trung theo công nghệ cao tại ấp Bảo Định và tiếp tục mở rộng thêm các vùng chăn nuôi heo theo hướng trang trại. |
"Năm 2008, thu nhập bình quân đầu người của xã là 15 triệu đồng/người, đến năm 2011 đã tăng 30,4 triệu đồng/người. Mục tiêu của chúng tôi là phải phấn tăng thu nhập bình quân đầu người/năm lên 60 triệu đồng. Chúng tôi xác định, việc xây dựng NTM là một quá trình lâu dài. Quan trọng hơn là làm sao để giữ vững các thành quả đã đạt được và ngày một phát triển hơn. Chính vì thế, chúng tôi không chỉ là đầu tư về cơ sở hạ tầng mà điều quan trọng là làm thay đổi nhận thức của nhân dân về phát triển NTM. Hiện chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân, đồng thời nhân rộng các mô hình làm ăn hiệu quả”, ông Bùi Trọng Vinh, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Định nói.
Nhờ phát triển kinh tế vững chắc nên hiện nay Xuân Định đã xóa sổ nhà tranh, 100% số hộ có điện sinh hoạt, nước sạch, nhà vệ sinh đạt chuẩn, phương tiện nghe nhìn. Năm 2008, xã đã hoàn thành phổ cập giáo dục THPT. Hiện 4/4 trường học trong xã đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Trạm y tế xã có 6 cán bộ y tế, trong đó có 1 bác sĩ. Hơn một nửa số dân tham gia bảo hiểm y tế.
“Chúng tôi đã xây dựng NTM từ lâu lắm rồi. Làm cho mình, con cháu mình hưởng mà, sao lại không ủng hộ chứ. Xã này nhà nào cũng đóng góp, mà còn đóng góp nhiều nữa. Không ít nhà sẵn sàng hiến đất có cây ăn trái như chôm chôm, mít năng suất vài chục triệu/năm để làm đường. Ủng hộ đến thế mới được như vậy đấy”, ông Phạm Việt Hồng, một người dân ở ấp Bảo Thị nói./.Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã