Học tập đạo đức HCM

Cánh quân chủ lực xây dựng nông thôn mới

Thứ sáu - 05/04/2013 10:56
Được Bộ Quốc phòng chọn là đơn vị đầu tiên phát động phong trào thi đua "Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới" trong toàn quân, Binh đoàn 15 đã nhanh chóng khẳng định được vai trò là "cánh quân chủ lực" trong xây dựng nông thôn mới nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số biên giới. Kết quả này đã được tiên liệu từ trước nhờ tính bền vững của mô hình "phát triển kinh tế kết hợp quốc phòng - an ninh" và những kinh nghiệm thực tiễn trong công tác dân vận, xóa đói giảm nghèo. Bởi, suốt chặng đường gần 30 năm xây dựng và trưởng thành trên mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ, những người lính Binh đoàn 15 luôn đặc biệt chú trọng đến vấn đề "tam nông".

 

Lãnh đạo Công ty 75 gặp gỡ bà con nhân dân trên địa bàn. Ảnh: Thái Kim Nga

 

Nói một cách khác, vấn đề xây dựng nông thôn đối với người lính Binh đoàn 15 không chỉ là phong trào, mà đó là quan điểm, là phương châm hành động xuyên suốt gần 3 thập kỷ qua. Ngay từ những ngày đầu đi mở đất, trong tay dù chỉ có cây cuốc, cây cày, cùng nghị lực vượt khó, các trung đoàn, nông trường, xí nghiệp, tiền thân của các công ty trực thuộc Binh đoàn hôm nay đã xác định mảnh đất dọc tuyến biên giới đầy rẫy vết tích chiến tranh chính là quê hương thứ 2 của mình và những buôn làng Jrai, Rơ Mâm, Dẻ Triêng nằm cheo leo bên sườn núi sẽ là chủ nhân đích thực trong tương lai. Tuy nhiên, mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ, công tác dân vận được người lính triển khai thực hiện theo một cách khác nhau.

Thời kỳ đầu kiến thiết cơ bản, chưa có điều kiện để xây dựng nhiều công trình hạ tầng nông thôn thì người lính có tấm lòng và niềm tin để hướng về buôn làng. Không giáo khoa máy móc, công tác dân vận được triển khai một cách đa dạng, phong phú, ăn chung củ mì, trái ngô, uống chung bầu nước, ghè rượu cũng là hình thức công tác để "sợi dây tình cảm" quân dân ngày càng cuộn chặt hơn. Và khi tiềm lực kinh tế phát triển vững mạnh, cây cao su, cà phê, lúa nước đến kỳ "khai hoa nở nhụy" cũng với tấm lòng và niềm tin đó, người lính Binh đoàn đẩy mạnh đầu tư, làm cho dân như làm cho chính bản thân mình. "Mạng lưới" giao thông trên tất cả các thôn làng nằm trong vùng dự án được triển khai xây dựng và không ngừng được nâng cấp.

Hệ thống trường trạm, lưới điện quốc gia phát triển cả về chất và lượng, đáp ứng cùng lúc 2 mục tiêu: Phát triển kinh tế và phục vụ nhu cầu dân sinh, nhằm thực hiện tốt phương châm đã đề ra "phát triển và mở rộng sản xuất đến đâu, thu hút lao động và xây dựng khu dân cư đến đó". Trong cái bao hàm rộng lớn của công tác dân vận vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số biên giới là vô vàn chương trình hành động, phong trào, chiến dịch, mô hình như: Tham gia xây dựng đời sống văn hóa; đào tạo tay nghề; chuyển giao kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phụ nữ giúp nhau làm kinh tế, thanh niên tình nguyện hè; cải tạo vườn tạp phát triển kinh tế hộ gia đình, gắn kết hộ... giúp cho bộ mặt nông thôn mới ngày càng khởi sắc hơn.

Tính đến nay, các đơn vị trực thuộc Binh đoàn 15 đã xây dựng hàng trăm công trình hồ đập chứa nước, nhà máy thủy điện, nhà rông văn hóa, trường học, nhà trẻ, trạm y tế phục vụ nhân dân trong vùng dự án, đầu tư làm mới, sửa chữa hơn 1.000km đường giao thông liên thôn liên xã, tham gia xây dựng hệ thống điện lưới cao thế, trạm biến áp đến các thôn làng, làm nhà đại đoàn kết, tình thương, tình nghĩa tặng bà con nhân dân...

Cùng với đó, Binh đoàn 15 đã sắp xếp bố trí hàng trăm điểm dân cư dọc tuyến biên giới 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum, thu hút gần 5 ngàn hộ gia đình, khoảng 7 ngàn lao động là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ vào làm công nhân và nhận khoán vườn cây với mức thu nhập đạt 6 triệu đồng/ người/tháng. Những buôn làng công nhân, những cụm tuyến dân cư kết hợp kinh tế quốc phòng chính là những nhân tố mới trong xây dựng bản làng văn hóa, đẩy lùi nghèo nàn lạc hậu, đồng thời là trung tâm đoàn kết, tham gia tuyên truyền, vận động bà con trong cộng đồng giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Đầu tư tập trung để tạo những "điểm nhấn" trong xây dựng nông thôn mới, các công ty, đơn vị trực thuộc Binh đoàn 15 còn đặc biệt chú trọng xây dựng những mô hình phát triển kinh tế, sắp xếp dân cư, tăng cường bám nắm nhân dân để có phương án giúp dân hiệu quả hơn. Xuất phát điểm đều là khu dân cư nghèo nàn lạc hậu, cuộc sống mang nặng tính thời vụ chắp vá, làng Hrang của xã Ia Kiêng, làng Boong (Ia Dớt), làng Phang (Ia Lang) thuộc huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai hôm nay đã trở thành những làng triệu phú. Đây là những làng công nhân điển hình, được Công ty 75 tập trung đầu tư trợ giúp cả về vốn xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ dân sinh lẫn kỹ năng trong thời kỳ đầu "kiến thiết con người".

Làng nào giờ đây cũng có những công nhân làm chủ vườn cao su, cà phê xanh tươi ngút ngàn, những tỷ phú nông dân với mức thu nhập từ 300 triệu - 1 tỷ đồng/năm. Đồng hành với buôn làng, với nhân dân từ những ngày khó khăn gian khổ nhất cho đến khi "đất đã nở hoa", vai trò Công ty 75 thêm một lần nữa được khẳng định qua phong trào "Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới".

Năm 2012, Công ty đã trích một khoản kinh phí hơn 20,5 tỷ đồng đầu tư xây dựng các tuyến giao thông nội vùng, liên thôn liên xã, hỗ trợ mua sắm trang thiết bị làm việc tại trụ sở UBND xã, tặng sách vở, đồ dùng học tập cho học sinh các trường phổ thông trên địa bàn... Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương mở rộng diện tích cây cao su trong nước và nước ngoài, Công ty đã đầu tư gần 5 tỷ đồng làm 9,2km đường giao thông và triển khai xây dựng các cụm điểm dân cư Nam Mo Ray thuộc huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum.

Phát huy vai trò "cánh quân chủ lực" trong xây dựng nông thôn mới, những năm qua, bên cạnh sự đầu tư xây dựng các công trình điện, đường, trường, trạm tại địa phương, ươm mầm cao su, cà phê bén rễ nơi đất làng, Công ty 72 còn đặc biệt chú trọng xây dựng những mô hình giúp dân xóa đói giảm nghèo tại cộng đồng đạt hiệu quả cao.

Một trong những điểm sáng trong công tác dân vận của Công ty là phát triển cánh đồng cánh tác lúa nước tại làng Tung, làng Sơn, làng Đo Đeng (huyện Đức Cơ) với tổng diện tích hơn 12ha. Đây là mô hình không chỉ mang ý nghĩa về mặt kinh tế, mà còn có những tác động về mặt xã hội rất lớn. Từ chỗ chỉ biết sản xuất lúa nương một vụ, phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn "nước trời", được Công ty 72 trợ giúp cả nguồn vốn lẫn kỹ thuật, người Jrai ở làng Tung, làng Sơn, làng Đo Đeng đã biết "xắn quần lội ruộng" đưa thủy lợi vào cánh đồng để không ngừng nâng cao năng suất cây lúa.

Việc hỗ trợ giúp đỡ các chủ nhân của đất làng "bén duyên" với cây lúa nước vừa bảo đảm được nguồn lương thực tại chỗ, vừa góp phần hạn chế nạn phá rừng làm nương rẫy hàng năm. Bởi, theo tính toán của bà con, canh tác lúa nước hiệu quả gấp hàng chục lần so với cách làm truyền thống. Nếu không có những cánh đồng lúa nước mang "thương hiệu bộ đội" này, hàng năm sẽ có hàng trăm héc-ta rừng "bốc hơi" cùng cây lúa rẫy. Cũng liên quan đến vấn đề lương thực tại chỗ, từ năm 2012 đến nay, Công ty 72 duy trì thường xuyên phong trào "hũ gạo gắn kết" nhằm giúp các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Với cách làm "gom ít thành nhiều" sâu nặng nghĩa tình này, bình quân mỗi năm có hơn 20 tấn gạo được người lính chuyển đến nồi cơm của các hộ gia đình nghèo.

Dấu ấn của người lính lan tỏa trên vùng nông thôn mới, mang đến niềm vui cho mọi nhà và tạo nên niềm tự hào cho cả một cộng đồng. Câu chuyện xây dựng làng Mới và người Anh hùng lao động Rơ Mah Klum ở Công ty 74 là câu chuyện dài xuyên suốt hàng thập kỷ chỉ với một tâm nguyện làm thế nào để giúp nhân dân hết nghèo. Được Công ty 74 hỗ trợ cả về kiến thức, nhân lực và nguồn vốn, bác nông dân Rơ Mah Klum tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân dời làng, định canh định cư, kết hợp phát triển mô hình cao su tiểu điền đẩy lùi nghèo nàn lạc hậu.

Sau hơn 10 năm cùng bộ đội đi tìm "con đường hạnh phúc" hình thành nên những lô, những vườn cao su ngút ngàn màu xanh và ngôi làng Mới định canh, định cư ngập tràn tiếng cười đùa con trẻ. Năm 2003, bác Rơ Mah Klum vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Đây là người Anh hùng Lao động đầu tiên của bà con dân tộc thiểu số Jrai nơi biên giới Đức Cơ đầy nắng gió và là niềm tự hào chung của cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên trên con đường dựng xây cuộc sống mới. Niềm vui, niềm tự hào này chính là món quà, là động lực giúp cho người lính Binh đoàn tiếp tục cống hiến, góp phần xây dựng những vùng nông thôn mới phát triển bền vững.

 

Thái Kim Nga
Theo bienphong.com.vn

 Tags: xây dựng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập292
  • Hôm nay42,347
  • Tháng hiện tại91,233
  • Tổng lượt truy cập88,769,567
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây