100% thủ tục được thực hiện trên Internet
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), thay vì phải đến các cơ quan chức năng để xin cấp C/O như những năm trước đây, hiện nay, 100% TTHC xin cấp C/O của Bộ Công Thương được thương nhân sử dụng chữ ký số và khai báo trực tuyến trên hệ thống xuất xứ điện tử (eCoSys). Hệ thống eCoSys của Bộ Công Thương cho phép triển khai 2 hình thức, bao gồm khai báo nội dung C/O và lưu trữ dữ liệu trên hệ thống eCoSys; cấp C/O qua internet. Trong đó, việc cấp C/O qua internet giúp thương nhân có thể khai báo nội dung C/O và gửi đính kèm các chứng từ cần thiết qua internet thay vì nộp chứng từ giấy. Công chức tại các đơn vị được ủy quyền cũng có thể xem xét, kiểm tra hồ sơ đề nghị cấp C/O và thông báo kết quả xử lý cho thương nhân qua mạng.
Hoạt động này được đánh giá rất cao vì giúp giảm thời gian, chi phí đi lại cho DN. Cụ thể, nếu xin cấp C/O qua internet, thời gian trả hồ sơ là 2 giờ làm việc tính từ thời điểm nhận hồ sơ đã duyệt trên mạng, ngắn hơn trường hợp thương nhân nộp hồ sơ trực tiếp là 8 giờ làm việc và gửi qua bưu điện là 1 ngày làm việc.
Đối với các tổ chức cấp C/O, việc cấp C/O qua internet giúp giảm không gian lưu trữ hồ sơ do các chứng từ đã được lưu trữ dưới dạng điện tử trên hệ thống eCoSys. Việc truy xuất báo cáo, thống kê, tra cứu, xác minh tính xác thực của C/O đã cấp cũng dễ dàng, thuận tiện hơn. Ngoài ra, khi Cổng thông tin một cửa quốc gia của Việt Nam được kết nối với Cơ chế một cửa ASEAN và cơ quan hải quan của các nước đối tác, C/O điện tử sẽ được gửi tới cơ quan hải quan của các nước đối tác, sẽ giúp giảm chi phí gửi chứng từ, rút ngắn thời gian xác minh tính xác thực của C/O.
Hiệu quả bước đầu từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa
Song song với việc cấp C/O qua internet, thời gian qua, Bộ Công Thương đã tiến một bước dài trong việc giảm thiểu tối đa thủ tục đối với cấp phép C/O bằng cách triển khai cơ chế tự chứng nhận xuất xứ (TCNXX) hàng hóa cho DN. Theo cơ chế này, thương nhân được tự khai báo và cam kết về xuất xứ hàng hóa thay cho việc đề nghị cấp C/O tại các tổ chức cấp C/O. Cơ chế TCNXX giúp thương nhân xuất khẩu tiết kiệm chi phí, thời gian, chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất khẩu.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - cho biết, thời điểm hiện tại, số DN được TCNXX hàng hóa chưa nhiều, một phần nguyên nhân do DN chưa nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động này để chủ động tham gia vào chương trình thí điểm triển khai của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, từ năm 2019, DN XK hàng hóa sang EU sẽ bắt buộc phải TCNXX hàng hóa mới được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Yêu cầu này sẽ giúp số lượng DN TCNXX hàng hóa tăng lên. Hiện tại, Bộ Công Thương đang khẩn trương xây dựng thông tư hướng dẫn để hỗ trợ cho DN XK hàng hóa sang EU chuẩn bị sẵn sàng cho thời điểm năm 2019 đang đến rất gần.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, hệ thống TCNXX hàng hóa đã được sử dụng ở EU hơn 40 năm nay cho thấy nhữ ng ưu điểm như: Đơn giản hóa quy trình thủ tục, cắt giảm thời gian và chi phí cho DN; giảm rủi ro cho các cơ quan cấp phép và bớt gánh nặng cho hải quan. |
Phương Lan/http://baocongthuong.com.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;