Khi bắt đầu bước vào giai đoạn chuyển đổi cơ chế kinh tế từ bao cấp sang thị trường, địa phương cấp tỉnh có khó khăn lại chạy ra Trung ương. Tôi đã hỏi nhiều người trong số này rằng thường các anh chạy ra Trung ương thì có xin được nhiều tiền không? Họ đều nói rằng "chúng tôi không đi xin tiền mà chỉ xin cơ chế, có cơ chế tốt là có tiền". Đây là những tư duy rất thực tế, đổi mới phải đặt vào chính sách và thể chế để tạo động lực mới, từ đó sẽ mang lại ngay hiệu quả kinh tế. Cần phải đặt con người làm trung tâm, kinh phí cần tới đâu hay tới đó, không phải là trung tâm của giải pháp.

Trong ngữ cảnh nông nghiệp hiện nay, cần tới xem xét trước hết là đổi mới nhóm chính sách đất đai cho sản xuất nông nghiệp, sau đó là những chính sách khác để trợ giúp cho mối quan hệ sản xuất là phù hợp và thực sự hiệu quả. Như vậy, có thể thấy động lực sẽ được chính sách đất đai nông nghiệp tạo ra vì đó là chính sách quyết định tới tư liệu sản xuất chính của nông nghiệp.

Động lực từ chính sách giao đất nông nghiệp của hợp tác xã cho hộ gia đình đã góp phần tạo nên thành công của ĐỔI MỚI. Nhưng có thể nói, chính sách này cũng được bổ sung, "làm mới" cho phù hợp với tình hình mới. Bởi vì, hiện nay, người nông dân không thể tự mình làm tăng chất lượng nông sản, làm tăng năng suất và sản lượng trên những thửa đất manh mún của mình. Tiếp cận vốn đầu tư lớn là khó. Hơn nữa, đất sản xuất vẫn còn đang bị giới hạn về thời hạn sử dụng (50 năm) và diện tích sử dụng (hạn điền không quá 10 lần hạn mức giao đất), nên người nông dân vẫn chưa hình thành được tư duy của một nông dân chuyên nghiệp.

Nhiều người suy nghĩ và tính kế làm ăn chỉ mang tính thời vụ trước mắt. Họ cho rằng, dù có tích tụ đất đai nhiều hơn, đầu tư hạ tầng nhiều hơn, áp dụng công nghệ nhiều hơn cũng không chắc chắn được rằng có bị Nhà nước thu mất đất trong tương lai khi hết thời hạn sử dụng. Hoàn cảnh kinh tế nông nghiệp ở ta hiện nay cũng giống như một đất nước có thu nhập trung bình, để trở thành đất nước có thu nhập cao là không dễ dàng.

Để trở thành một nền nông nghiệp sản xuất lớn, cần tạo ra động lực mới cho phát triển. Động lực mới này tiếp tục nằm tại chính sách đất đai nông nghiệp sao cho tập trung, tích tụ được đất đai lâu dài thành những cánh đồng quy mô lớn. Từ đó, chính sách tiếp cận vốn đầu tư để phát triển hạ tầng hiện đại, áp dụng được các thiết bị hiện đại và áp dụng công nghệ cao sẽ từng bước giúp người nông dân xây dựng được nền kinh tế nông nghiệp hiện đại, sản xuất lớn.

Đối với chính sách đất đai nông nghiệp, hiện còn 2 rào cản lớn cần xem xét để vượt qua, đó là thời hạn sử dụng đất nông nghiệp 50 năm và hạn điền không quá 10 lần hạn mức giao đất của Nhà nước. Xóa bỏ được 2 rào cản này sẽ làm cho giá đất nông nghiệp cao hơn so với khi bị những giới hạn đó. Giá đất nông nghiệp cao hơn có nghĩa là tài sản của nông dân có giá trị cao hơn và tài sản đất đai quốc gia cũng lớn hơn, khả năng vốn hóa đất nông nghiệp sẽ hiệu quả hơn cho đầu tư phát triển.

Bên cạnh đó, người nông dân muốn làm nông nghiệp cũng không e ngại bị Nhà nước thu lại đất khi hết thời hạn, tập trung đất đai cũng dễ dàng hơn, yên tâm đầu tư lớn cho dài hạn. Chắc chắn chính sách này sẽ tạo được động lực lớn cho phát triển nông nghiệp quy mô lớn.

Trên thực tế, hiện nay ta cũng không quản lý được mức hạn điền khi một người có thể có đất ở nhiều tỉnh khác nhau, không có thể cộng được diện tích sử dụng đất của một người trên phạm vi cả nước (do quản lý đất đai đã phân cấp hoàn toàn cho chính quyền cấp tỉnh). Đặt ra chính sách hạn điền để quản lý nhưng không quản lý được thì chính sách này cũng không có ý nghĩa thực tế gì. Điều quan trọng hơn là hạn điền đang kìm hãm quá trình tích tụ đất đai quy mô lớn. Chính sách hạn điền bắt nguồn từ nguyên do không muốn "tầng lớp địa chủ mới" xuất hiện, chỉ có đất để phát canh thu tô. Để không hình thành "địa chủ mới", chúng ta có nhiều chính sách khác như đánh thuế chẳng hạn, hay giám sát sử dụng, không nhất thiết phải sử dụng tới chính sách hạn điền. Chính sách hạn điền kìm hãm được việc hình thành "địa chủ mới", nhưng cũng kìm hãm sự phát triển của nông nghiệp.

Trên thực tế, hạn mức giao đất sản xuất nông nghiệp đối với Đồng bằng sông Cửu Long là 3 ha, hạn mức nhận chuyển nhượng không quá 10 lần, tức là không quá 30 ha. Như vậy tổng hạn điền ở mức lớn nhất là 33 ha. Trong khi đó, hiện đang có khá nhiều nông dân đang canh tác trực tiếp tại An Giang, Long An, v.v. với mức diện tích hàng trăm ha, riêng trường hợp ông Huy (vẫn gọi là Huy chuối) tại Long An đang sử dụng tới 1000 ha ở nhiều tỉnh khác nhau. Nhu cầu sản xuất của người nông dân đã vượt quá nhiều lần giới hạn mà pháp luật đặt ra.

Để có đủ đất sản xuất thì người nông dân phải “lách luật” bằng cách nhờ người khác đứng tên thay trong Giấy chứng nhận về đất đai. Đây là ngữ cảnh mà tính thiếu phù hợp của pháp luật đang gây rủi ro pháp lý cho người nông dân, có thể phát sinh từ quan hệ cộng đồng, cũng như quan hệ với các cơ quan quản lý của Nhà nước.

Về chính sách xác lập thời hạn sử dụng đất nông nghiệp 50 năm, điều quan trọng là phải trả lời được câu hỏi khi hết thời hạn thì Nhà nước làm gì? Tất nhiên, câu trả lời đã có trong Luật Đất đai là Nhà nước sẽ kéo dài thời hạn khi nông dân có nguyện vọng, đã sử dụng đất có hiệu quả và không vi phạm pháp luật đất đai. Trên thực tế, năm 2013 khi hết thời hạn 20 năm sử dụng đất sản xuất nông nghiệp, Nhà nước vẫn đương nhiên cho tất cả chuyển sang thời hạn 50 năm tiếp theo mà không có xử lý trường hợp nào, kể cả các trường hợp để đất hoang hóa.

Như vậy, đặt ra thời hạn cũng không để quản lý điều gì cả. Nên chăng, có thể nghiên cứu chính sách cần cho phép đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng sản xuất, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối được sử dụng thời hạn lâu hơn hoặc vô thời hạn như đất ở. Bên cạnh đó, cần đánh thuế cao đối với đất nông nghiệp không đưa vào sử dụng, để hoang hóa. Có thể số thu được không nhiều, nhưng chính sách thuế luôn có mục đích khuyến khích đầu tư phát triển.

Bên cạnh 2 chính sách nói trên, cần tiếp tục thực hiện thật tốt việc rà soát đất đai đang do các doanh nghiệp nông, lâm nghiệp của Nhà nước đang sử dụng không hiệu quả, trái pháp luật như Nghị quyết số 30-NQ/TƯ của Bộ Chính trị đã ban hành. Các doanh nghiệp này đang nắm giữ một diện tích đất nông nghiệp tới mức 2,6 triệu ha trên cả nước mà nhiều nơi sử dụng không hiệu quả, nhiều trường hợp sử dụng trái pháp luật, giao khoán đất có biểu hiện phát canh thu tô, trong khi đó nông dân địa phương đang thiếu đất sản xuất, tranh chấp đất đai xảy ra ở không ít nơi.

Chính sách đất đai nông nghiệp “giao đất của các hợp tác xã cho hộ gia đình sử dụng ổn định lâu dài” trong giai đoạn bắt đầu ĐỔI MỚI đã tạo động lực phát triển từ giải phóng sức sản xuất của người nông dân. Khi động lực này đã cạn kiệt, động lực tiếp theo cần xem xét là giải phóng tư liệu sản xuất (đất đai) cho người nông dân để từ đó người nông dân tìm ra những quan hệ sản xuất phù hợp nhằm phát huy động lực mới. Vấn đề tiếp theo cần bàn tới là quan hệ sản xuất nào là phù hợp với hoàn cảnh "Tam Nông" hiện nay.

GS. TSKH. Đặng Hùng Võ
http://dangcongsan.vn