Trong 6 tháng đầu năm 2017, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện dân chủ gắn với các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Chỉ thị của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Dân chủ trong Đảng được mở rộng, phương thức lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng có nhiều đổi mới.
Công tác quản lý, điều hành của các cấp chính quyền chuyển mạnh theo hướng cụ thể, gần dân, sát dân, vì nhân dân phục vụ. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thủ tục hành chính, chế độ công vụ, công chức; đổi mới công tác tiếp dân, đối thoại, giải quyết đơn, thư khiếu nại tố cáo của công dân.
Việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở xã, phường, thị trấn trong cả nước tiếp tục được quan tâm triển khai và thực hiện nền nếp, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Những nội dung nổi bật nhất là tập trung công khai những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các dự án phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội; quy hoạch sử dụng đất; phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư; việc quản lý, sử dụng các loại quỹ; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, khu dân cư, làng văn hoá…
Trong khu vực DN đã có hơn 18.500 cuộc đối thoại định kỳ, gần 1.500 cuộc đối thoại đột xuất giữa người lao động và người sử dụng lao động được tổ chức; có 22.656 thoả ước lao động tập thể được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới theo hướng bảo đảm ngày càng đầy đủ lợi ích của người lao động, củng cố quan hệ lao động ổn định, hài hoà và tiến bộ trong DN.
Đã có sự thay đổi nhận thức về ý nghĩa, tác dụng của việc tổ chức hội nghị người lao động, góp phần phát huy dân chủ, giúp người lao động biết được tình hình sản xuất, kinh doanh của DN, tìm được tiếng nói chung, cùng DN vượt qua khó khăn, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh…
Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đánh giá, một trong những đổi mới mạnh mẽ của Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện quy chế dân chủ cơ sở là thay đổi cách thức kiểm tra việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở các địa phương.
Đồng chí Trương Thị Mai đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo tập trung thảo luận các giải pháp, cách làm nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở thông qua hệ thống các cấp uỷ đảng, chính quyền Trung ương, địa phương; tăng cường đối thoại và giải quyết kịp thời những bức xúc trong nhân dân; đẩy mạnh hoạt động giám sát, phản biện xã hội, nhất là những vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của nhân dân…
“Từng đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo phải dành thời gian cùng các đoàn công tác xuống kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại các địa phương với các nội dung rất cụ thể như đánh giá hiệu quả của ban thanh tra nhân dân; ban giám sát đầu tư của cộng đồng; đối thoại giữa người lao động với người sử dụng lao động trong DN… “, đồng chí Trương Thị Mai yêu cầu.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết nhiều cơ quan hành chính còn "ngại" công khai quy trình, thủ tục, hoạt động của đơn vị mình. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Các thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất phải nâng chất lượng thanh tra, kiểm tra hoạt động thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở địa phương. Đây là việc cần làm liên tục trong năm, tập trung sâu một số chuyên đề.
Trước diễn biến phức tạp của tình trạng khiếu nại, tố cáo, nhiều ý kiến đề nghị tập trung kiểm tra, giám sát ở những nơi, những ngành, lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến người dân, DN; tăng cường trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong xây dựng, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở.
Các cơ quan nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, công khai, minh bạch các quy định, quy trình, cơ chế chính sách; chấn chỉnh phong cách, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường đối thoại, giải quyết kịp thời những bức xúc của người dân…
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng về thực hiện quy chế dân chủ cơ sở đã được Chính phủ cụ thể hoá trong các kế hoạch, chương trình làm việc, xây dựng thể chế. Gần đây nhất, Chính phủ đang lấy ý kiến cuối cùng đối với dự thảo hai nghị định về tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp, công lập là các cơ sở y tế, cơ sở giáo dục đại học.
Mục tiêu của hai nghị định này là nhằm thực hiện tốt hơn quy chế dân chủ cơ sở tại các bệnh viện, trường đại học thông qua cơ chế hội đồng trường, hội đồng bệnh viện, phân định rõ trách nhiệm của người đứng đầu. Từ đó đưa ra phương thức quản lý mới để khắc phục tình trạng mất dân chủ ở cơ sở, quyền lực tập trung vào giám đốc bệnh viện, hiệu trưởng.
Đối với việc thực hiện quy chế dân chủ ở làng, xã, Phó Thủ tướng đánh giá ngay từ việc bình bầu gia đình văn hoá, khu dân cư, làng văn hoá hiện nay rất hình thức. Có nơi 80-90% gia đình được công nhận là gia đình văn hoá nhưng vẫn có tệ nạn, vẫn mất an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường ô nhiễm. Vì vậy, Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng lại tiêu chí công nhận gia đình văn hoá, khu dân cư, làng văn hoá nhằm khắc phục bệnh hình thức và siết lại dân chủ cơ sở.
Từ kinh nghiệm ở những những nơi xảy ra tiêu cực, tham nhũng, mất dân chủ cơ sở đều có nguyên nhân từ việc thiếu công khai, minh bạch, Phó Thủ tướng nêu thực tế còn nhiều cơ quan hành chính sự nghiệp “ngại” công khai từ quy trình đến thủ tục, hoạt động của đơn vị mình. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tăng cường công khai, minh bạch. “Chìa khoá” của dân chủ là công khai, minh bạch”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và đề nghị cần siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, đưa thành tiêu chí rõ ràng về thi đua, xếp hạng.
Ảnh: VGP/Đình Nam |
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Trương Thị Mai đề nghị bộ phận thường trực Ban Chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của thành viên, đặc biệt là những điểm mới, cách làm mới trong chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thực hiện quy chế dân chủ cơ sở.
“Các bộ, ngành, địa phương phải tăng cường công khai, minh bạch để tạo đồng thuận trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Có công khai, trao đổi thì tôi tin rằng nhân dân sẽ ủng hộ. Tại nhiều nơi, khi được vận động rõ ràng thì người dân sẵn sàng hiến đất, góp công, góp của để xây dựng nông thôn mới, nhưng cũng có nơi người dân một tấc đất cũng không rời nếu không có sự đồng thuận. Điều đó cho thấy vai trò rất quan trọng của phát huy dân chủ cơ sở phải bảo đảm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, đồng chí Trương Thị Mai nhận xét.
Cho ý kiến về một số việc cụ thể, Trưởng Ban chỉ đạo yêu cầu cần tăng cường sự tham gia của các phương tiện thông tin đại chúng vào hoạt động thanh tra, kiểm tra thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; tổng kết 10 năm thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; khẩn trương triển khai các bước nhằm thể chế hoá thành luật đối với việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, thanh tra nhân dân; xây dựng các kế hoạch kiểm tra việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở 6 khu vực, trong đó tập trung ở vùng sâu, vùng xa; kiểm tra một số chuyên đề; đẩy mạnh công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội…
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã