|
Vùng chuyên canh rau màu Bình Tân |
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, ngoài sự khắc nghiệt của thời tiết, giá cả nông sản bấp bênh, bà con nông dân Bình Tân còn đứng trước nhiều “bài toán khó.”
Mấy năm qua, hộ gia đình ông Lê Văn Ẩn ở ấp Tân Quy, xã Tân Bình vẫn trăn trở với việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Gia đình ông chủ yếu trồng các loại đậu bắp, hành lá. Tuy nhiên, trong quá trình canh tác, sâu bệnh luôn là nỗi lo khiến ông mất ăn mất ngủ. Dù ông đã dùng thuốc bảo vệ thực vật nhưng nhiều loại sâu bệnh vẫn tiếp tục sinh sôi.
Khi được hỏi về thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, ông Ẩn cho biết, mặc dù các nhà sản xuất có khuyến cáo về liều lượng và thời gian sử dụng, tuy nhiên, với tâm lý hay sốt ruột, đôi khi ông đã tự ý tăng liều lượng và tăng số lần sử dụng thuốc với ý nghĩ làm vậy sẽ giúp diệt sạch sâu bệnh. Nhưng thực tế, thói quen này của ông Ẩn cũng như một số bà con nông dân đã vô tình dẫn đến hiện tượng kháng thuốc của sâu bệnh, từ đó, việc diệt trừ sâu bệnh càng gặp nhiều khó khăn.
Hộ gia đình ông Phan Văn Mến ở cùng ấp lại gặp phải tình huống khác. Là nông hộ nhỏ, chỉ sản xuất khoảng 2.000m2 đậu bắp và hành lá, nhưng ông Mến lại mất rất nhiều chi phí để mua phân bón. Tính trung bình một năm, ông Mến phải bỏ ra gần 5 triệu đồng cho 1 tấn phân bón dành cho diện tích 1.000m2. Với chi phí này, việc canh tác của ông gần như không mang lại lợi nhuận. Chưa kể, diện tích đất trồng trọt của gia đình ông Mến vẫn thiếu chất dinh dưỡng, năng suất rau màu chưa được như ý muốn.
Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Vĩnh Long cho biết, để xây dựng và phát triển mô hình sản xuất ở huyện Bình Tân nói riêng và tỉnh Vĩnh Long nói chung, rất cần tìm ra những “lời giải” vừa có tính thực tiễn vừa có tính chất lý luận khoa học. Mỗi hộ nông dân gặp phải một tình huống khác nhau, do đó, bà con rất cần các chuyên gia nông nghiệp có những chuyến khảo sát thực địa để đưa ra những khuyến cáo hợp lý. Đây sẽ là kinh nghiệm quý báu để vận dụng trong chỉ đạo sản xuất tại địa phương nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Những bài toán đặt ra với người nông dân Bình Tân cũng đồng thời là “đề bài” cho 30 sinh viên của 8 quốc gia tham gia chương trình Kết nối Sinh viên Nông nghiệp do Tập đoàn Syngenta và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp tổ chức.
Đây là chương trình diễn ra luân phiên tại các nước châu Á - Thái Bình Dương từ năm 2010 đến nay, tạo ra sân chơi bổ ích dành cho các kỹ sư nông nghiệp tương lai. Năm 2017 là năm thứ 2 liên tiếp chương trình được tổ chức tại Việt Nam.
Sau chuyến thực tế kéo dài 2 tuần, nhóm sinh viên, được chia thành 5 đội, sẽ phải đưa ra các giải pháp cụ thể cho từng vấn đề mà bà con nông dân gặp phải trong quá trình canh tác.
Sinh viên trao đổi với nông dân về quá trình canh tác |
Để cùng giúp các sinh viên quốc tế tháo gỡ những vướng mắc trong “bài toán” sâu bệnh và những trăn trở về việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của những hộ nông dân như gia đình ông Ẩn. Tại mảnh đất Bình Tân, Cty Syngenta Việt Nam đã tổ chức lớp tập huấn giúp bà con nông dân nhận biết các loại bệnh chủ yếu trên cây hành, đậu bắp, đồng thời hướng dẫn bà con cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả, an toàn. Thông qua lớp tập huấn này, các nhà nông nghiệp tương lai đã thu nhận thêm được nhiều kiến thức từ thực tế canh tác của bà con nông dân.
Việc cử cán bộ xuống tận nơi hướng dẫn bà con nông dân kỹ thuật canh tác, nhận biết sâu bệnh và cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng liều lượng, đúng thời điểm… luôn được Tập đoàn Syngenta thực hiện thường xuyên, ở nhiều địa phương.
Ông Nguyễn Văn Liêm cho biết, bà con Bình Tân rất phấn khởi vì nhận được sự trợ giúp đắc lực từ các chuyên gia.
Với “bài toán” sử dụng phân bón mà hộ nông dân như ông Mến gặp phải, các sinh viên quốc tế đã mang máy đo chất lượng đất, xác định hàm lượng đạm, lân, kali, đo độ pH... để giúp bà con xác định tình trạng "sức khỏe" trên diện tích đất của mình, từ đó có biện pháp bón phân hợp lý, giảm chi phí đồng thời tăng hiệu quả sản xuất.
Ngoài ra, các giải pháp sử dụng các nguyên liệu sẵn có, rẻ tiền như vỏ chai, đường, nước, pheromone... để làm bẫy dẫn dụ côn trùng, đặt bẫy dính quản lý ruồi trắng (ăn lá, virus trung gian gây bệnh cho cây) với chi phí thấp… mà các chuyên gia nông nghiệp tương lai đưa ra hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả đáng kể, nhất là đối với vùng chuyên canh rau màu.
Nhóm sinh viên cũng dự định đưa ra khuyến cáo về mức độ nước tưới cần thiết dựa trên việc đo độ ẩm trong đất, tìm ra các giải pháp giúp bà con thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng để tránh gây ô nhiễm môi trường...
Trong số 30 sinh viên tham gia chương trình năm nay, có 6 sinh viên của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Hiệu quả từ các giải pháp mà các sinh viên Việt Nam đề xuất trong chương trình sẽ góp phần củng cố niềm tin họ chính là những người đi tiên phong trong quá trình hiện đại hóa nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Ông Wearaphon C-haroenpanit, Giám đốc Cty Syngenta Việt Nam khẳng định, là một tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới về nông dược, việc hỗ trợ và tiếp sức cho sinh viên nông nghiệp chỉ là một trong những sứ mệnh mà Syngenta thực hiện, bên cạnh việc tập trung nghiên cứu phát triển những sản phẩm chất lượng cao giúp bà con nông dân nâng cao năng suất, thu nhập, cải thiện đời sống. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã