Toàn dân đồng sức, đồng lòng
Là huyện đồng bằng của tỉnh Nghệ An, được Trung ương lựa chọn là 1 trong 5 địa phương làm điểm, nhưng quá trình xây dựng nông thôn mới ở Nam Đàn gặp không ít khó khăn trở ngại. Năm 2011 (trước thời điểm tiến hành xây dựng nông thôn mới), tỷ lệ hộ nghèo của địa phương còn tới 14,77%. Một số công trình hạ tầng về văn hóa, giao thông, trường học, thủy lợi... được triển khai từ những năm 1990 đã hư hỏng, xuống cấp, cần nguồn lực lớn để nâng cấp, xây dựng... Với thực tại đó, để đưa huyện Nam Đàn về đích nông thôn mới, cần thực hiện một khối lượng lớn công việc với kinh phí đầu tư lớn, trong lúc ngân sách Nhà nước cho chương trình còn hạn chế.
Với truyền thống cách mạng của quê hương Bác Hồ, huyện Nam Đàn đã nêu cao quyết tâm hoàn thành tốt mục tiêu. Để thực hiện chương trình, Nam Đàn đã xây dựng kế hoạch cho từng giai đoạn, thành lập bộ máy thực hiện từ huyện đến xã, xóm, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên phụ trách. Mặt trận Tổ quốc huyện và các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng chương trình hành động, kế hoạch để tuyên truyền, vận động các đoàn viên, hội viên tham gia xây dựng nông thôn mới. Cán bộ phụ trách ở các địa phương được tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ, các đoàn tham quan, học tập kinh nghiệm về xây dựng nông thôn mới do tỉnh tổ chức. Đồng thời, huyện đặc biệt quan tâm tổ chức tập huấn nghiệp vụ xây dựng nông thôn mới cho cán bộ cấp xã, xóm một cách nghiêm túc, chất lượng.
Mặt khác, huyện đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu được mục đích của chương trình, kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới. Tính từ năm 2011 đến nay, nhân dân trên toàn huyện Nam Đàn đã đóng góp được 346,7 tỷ đồng, chiếm 22,65% tổng kinh phí triển khai xây dựng nông thôn mới tại địa phương (trong đó, đóng góp tiền mặt là 319,8 tỷ đồng; hiến trên 212 nghìn mét vuông đất, phá dỡ trên 28 nghìn mét vuông tường rào và 121 ngày công, tương ứng 26,9 tỷ đồng). Ông Trần Quang Hóa, xã Nam Nghĩa cho biết: “Xây dựng nông thôn mới là để phục vụ chính nhân dân, nên gia đình tôi đã bàn bạc, thống nhất quyết định hiến 285 mét vuông đất vườn và toàn bộ bờ rào để mở rộng đường trong xã. Chúng tôi xác định đó cũng là trách nhiệm của công dân đối với đất nước”.
Những dấu ấn quan trọng
Sau hơn 6 năm với sự nỗ lực của chính quyền, nhân dân địa phương, huyện Nam Đàn đã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới với nhiều dấu ấn quan trọng. Nổi bật nhất là cơ sở hạ tầng ở nông thôn phát triển mạnh, đồng bộ, bộ mặt nông thôn khởi sắc, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội. Các tuyến đường giao thông nông thôn cơ bản được bê tông hóa, hệ thống chợ được đầu tư xây mới, nâng cấp phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và mức độ hưởng thụ của người dân. Hệ thống lưới điện được chỉnh trang, nâng cấp đảm bảo cung ứng điện thường xuyên và an toàn, phục vụ tốt nhu cầu về sản xuất và dân sinh.
Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định. Nông dân từng bước tiếp cận với tư duy sản xuất hàng hóa; các chỉ tiêu về năng suất, sản lượng các loại cây trồng đều đạt và vượt kế hoạch. Kinh tế khu vực nông thôn đã có bước chuyển dịch tích cực; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và dịch vụ phát triển. Ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất có nhiều tiến bộ. Năng suất, chất lượng cây trồng tăng đáng kể; cơ cấu cây trồng được chuyển đổi phù hợp với quy hoạch, nâng cao giá trị thu nhập trên 1 đơn vị diện tích. Cụ thể như mô hình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGap tại các xã Nam Thanh, Vân Diên, Xuân Hòa; mô hình trồng rau trong nhà lưới tại các xã Nam Anh, Nam Phúc...
Một trong những dấu ấn quan trọng của quá trình xây dựng nông thôn mới ở Nam Đàn đó là thu nhập bình quân trên đầu người tăng lên đáng kể, năm 2017 đã đạt 36 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh (năm 2016 là 4,25%, năm 2017 là 3,5%). Hệ thống chính trị được củng cố vững mạnh, cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn và lý luận chính trị, đáp ứng tốt yêu cầu công việc.
Nói về những thay đổi trên quê hương mình, ông Nguyễn Văn Hóa, xã Nam Hưng, huyện Nam Đàn cho biết: “Vốn là một xã miền núi, trước đây, đường sá đi lại rất khó khăn, các công trình văn hóa cộng đồng còn nhiều thiếu thốn. Thế nhưng, sau mấy năm xây dựng nông thôn mới, làng quê chúng tôi đã thay đổi hoàn toàn. Những con đường bê tông sạch sẽ, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa khang trang phục vụ bà con”.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn cho biết: “Phát triển nông thôn mới, ở địa phương chúng tôi luôn lấy nâng cao cuộc sống của người dân làm trung tâm. Xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất hàng hóa lớn; gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch; gắn phát triển nông thôn với phát triển đô thị theo quy hoạch, xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa quê hương; môi trường nông thôn được bảo vệ, an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;