Ngày 18/5, ngành NN&PTNT Quảng Trị tổ chức hội nghị sơ kết sản xuất vụ Đông Xuân 2017 - 2018 và triển khai kế hoạch vụ Hè Thu 2018, đánh giá một số mô hình nông nghiệp tiêu biểu. Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, ngành NN&PTNT tỉnh Quảng Trị đã tập trung chỉ đạo xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả theo hướng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, an toàn và bền vững.
Cụ thể, nhờ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, cung ứng giống đảm bảo chất lượng và làm tốt công tác phòng trừ sâu bệnh, sản lượng và chất lượng nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao tăng hơn cùng kỳ năm trước. Vụ Đông Xuân 2017 - 2018, toàn tỉnh Quảng Trị gieo trồng hơn 29.000 ha cây lương thực có hạt, ước sản lượng đạt hơn 161.000 tấn (đạt 62% chỉ tiêu sản lượng năm 2018). Trong đó, cây lúa gieo trồng gần 26.000 ha, vụ Đông Xuân 2016 - 2017 tiếp tục được mùa với năng suất ước đạt 57,8 tạ/ha, cao nhất từ trước đến nay, sản lượng đạt hơn 150.000 tấn, tăng 4.000 tấn so với vụ Đông Xuân 2016 - 2017.
Diện tích lúa chất lượng cao đạt hơn 18.000 ha, chiếm 70,4%. Diện tích tổ chức sản xuất lúa theo cánh đồng lớn hơn 3.000 ha, tăng 1.200 ha so với năm 2017, quy mô mỗi cánh đồng từ 20 - 50 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện trọng điểm của tỉnh: Gio Linh, Vĩnh Linh, Triệu Phong, Hải Lăng...
Đặc biệt, nhiều mô hình nông nghiệp chất lượng cao lần đầu tiên được áp dụng tại Quảng Trị đã đem lại nhiều tín hiệu tích cực, bội thu cho bà con nông dân “Mô hình liên kết giữa: Sở NN&PTNT, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Đại Nam - Nhà máy sản xuất phân bón ong biển, Tổ hợp tác/Hợp tác xã” để xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, an toàn bền vững; Mô hình liên kết 4 nhà “UBND tỉnh Quảng Trị, Công ty Cổ phần Xuất khẩu Đồng Giao, Học viện Nông nghiệp Việt Nam - HTX/THT trồng dứa” phát triển vùng nguyên liệu dứa phục vụ xuất khẩu; Mô hình liên kết trồng gắn với chế biến cây dược liệu; Mô hình sản xuất lúa trên cánh đồng lớn thích ứng với biến đổi khí hậu...
Trong lĩnh vực chăn nuôi đã có sự chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chăn nuôi trang trại, tập trung theo chuỗi gép kín, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao được mở rộng, nhiều mô hình chăn nuôi an toàn sinh học đang được phổ biến nhân rộng. Toàn tỉnh hiện có 40 trang trại chăn nuôi lợn, bò và gia cầm, trong đó có 28 mô hình liên kết chăn nuôi theo chuỗi. Các liên kết trong sản xuất chăn nuôi đã góp phần đảm bảo bao tiêu đầu ra cho sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh cho các thành viên tham gia liên kết, đáp ứng được số lượng sản phẩm lớn và chất lượng cho thị trường. Chất lượng đàn bò ngày càng gia tăng, đàn bò lai Zebu chiếm hơn 38% tổng đàn bò của tỉnh, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt trên 22.100 tấn...
Trên lĩnh vực thủy sản, từ đầu năm đến nay đã có hơn 162 chuyến tàu biển tham gia khai thác vùng biển xa bờ, dự ước sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 13.540 tấn. Ngoài ra, Quảng Trị hiện đang tập trung các biện pháp bảo vệ toàn bộ diện tích 143.317 ha rừng tự nhiên và 110.539ha rừng trồng hiện có, bảo tồn hệ sinh thái rừng đặc dụng thông qua tuyên truyền, khoán bảo vệ rừng, tuần tra bảo vệ rừng, quyết liệt đấu tranh ngăn chặn xâm hại rừng, qua đó nhiều vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng bị ngăn chặn, so với cùng kỳ năm 2017, số vụ vi phạm giảm 4 vụ, lâm sản tịch thu giam 12,823 m3 gỗ các loại...
Để góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, trong thời gian còn lại của các tháng năm 2018, ngành NN&PTNT Quảng Trị đề ra một số chỉ tiêu cơ bản cần phấn đấu đạt được: Tốc độ tăng trưởng nông lâm ngư nghiệp đạt 3,5%, sản lượng lương thực 26 vạn tấn, trồng rừng tập trung 5.500 - 6.000 ha, tủ lệ độ che phủ rừng ổn định 50%, có thêm 8 - 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới...
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị bày tỏ phấn khởi trước vụ mùa “được mùa, được giá” thành công nhất từ trước đến nay, đem lại niềm tin cho người dân trong hướng đi về sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, gắn với liên kết đầu ra bền vững. Đây là tín hiệu tích cực trong quá trình thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới mà Quảng Trị đã và đang thực hiện trong thời gian qua.
“Sản phẩm nông nghiệp tốt là sản phẩm không những đạt chuẩn về chất lượng mà còn thân thiện với môi trường, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Đó là mục tiêu lớn nhất mà ngành Nông nghiệp Quảng Trị cần cố gắng đạt được để xây dựng nên các thương hiệu sản phẩm của địa phương đến với mọi người, mọi nhà...” - Ông Hà Sỹ Đồng nói.
Về nhiệm vụ của các tháng còn lại trong năm 2018, ông Hà Sỹ Đồng yêu cầu các ngành chức năng triển khai nhanh chóng, kịp thời sản xuất cho vụ Hè Thu 2018, thu hoạch nhanh, gọn các diện tích còn lại lúa vụ Đông Xuân khi vừa chín tới, gặt trước cày sau, phấn đấu thu hoạch kết thúc trước 20/5/2018. Tiếp tục đẩy mạnh kế hoạch chuyển đổi các diện tích trồng lúa nguy cơ thiếu nước sang các loại cây trồng phù hợp với vụ mùa và đặc thù của từng địa phương. Chủ động liên kết, kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi cho các Tập đoàn, Doanh nghiệp lớn đến đầu tư sản xuất, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tiến tới quy hoạch các khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao...
Đôi với các lĩnh vực liên quan khác, ông Hà Sỹ Đồng cũng yêu cầu các ngành chức năng, địa phương cần căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình cố gắng đạt và vượt các chỉ tiêu đã đề ra, phấn đấu kết thúc vụ mùa năm 2018 thắng lợi một cách toàn diện.