Ka Đô khoác áo nông thôn mới
Về với xã Ka Đô – huyện Đơn Dương – Lâm Đồng trong những ngày tháng 4 lịch sử này, chúng tôi cảm nhận rất rõ sự đổi khác của vùng quê nghèo trước đây, qua những vườn cà phê, trang trại bò sữa, hoa, rau xanh mướt, những con đường bê tông phẳng phiu… Các công trình phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân ngày càng khang trang, sạch đẹp. Ka Đô thuộc huyện Đơn Dương có tổng diện tích tự nhiên hơn 8.800 ha, toàn xã có hơn 11.700 nhân khẩu và có tới 7 dân tộc cùng sinh sống.
Những trang trại rau sạch đang giúp bà con nông dân xã Ka Đô thoát nghèo |
Mặc dù xuất phát điểm thấp, là một trong những xã nghèo nhất của huyện, nhưng đến nay, theo Bí thư Đảng ủy xã Ka Đô Huỳnh Văn Trung thì với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm của tỉnh, trong đó có hỗ trợ tích cực của Agribank Lâm Đồng, đã giúp Ka Đô trở thành xã đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp ở Đơn Dương.
Sau hơn 3 năm xây dựng NTM, đến ngày 12/1/2015 xã đã được công nhận xã NTM và đạt đủ 19/19 tiêu chí, mà nổi bật là tiêu chí về kinh tế. Việc xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất rau, hoa thương phẩm cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Ka Đô đã giúp đồng bào tiếp cận, làm quen với phương thức sản xuất mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao. “Có thể nói, diện mạo NTM Ka Đô có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao rõ rệt”, ông Trung phấn khởi nói.
Để đạt được tất cả các tiêu chí trong thời gian hơn 3 năm, ngoài sự nỗ lực của Đảng bộ cùng nhân dân trong xã, thì theo ông Trung, Ka Đô còn nhận được sự hỗ trợ tích cực cả về cơ sở vật chất lẫn tinh thần từ Agribank Lâm Đồng nói chung và Agribank chi nhánh Đơn Dương nói riêng. Trong giai đoạn 2012 – 2014, Agribank Lâm Đồng đã hỗ trợ cho xã Ka Đô gần 1,2 tỷ đồng xây dựng nhà văn hóa cộng đồng thôn; đầu tư hệ thống nội thất hệ thống âm thanh nhà văn hoá xã; xây dựng nhà tình nghĩa, 3 nhà tình thương.
Đoàn Thanh niên Agribank Lâm Đồng, Agribank huyện Đơn Dương cũng kết nghĩa với Đoàn Thanh niên xã Ka Đô. Theo đó, đoàn viên thanh niên của Agribank Lâm Đồng đã tận tình hướng dẫn cách sử dụng máy vi tính cho thanh niên dân tộc thiểu số trong xã; tổ chức các buổi tọa đàm, hướng dẫn cho đoàn viên thanh niên Ka Đô xây dựng phương án, dự án vay vốn để phát triển sản xuất cũng như sử dụng các sản phẩm, dịch vụ mới của Agribank; tổ chức hoạt động khám bệnh, cấp thuốc cho bà con dân tộc nghèo…
Đâu khó, có… ngân hàng
Nếu như chỉ đầu tư nâng cao đời sống tinh thần cho bà con nông dân thì sẽ là chưa đủ để bà con vươn lên thoát nghèo. Cũng bởi vậy nên thời gian qua, Agribank chi nhánh Đơn Dương áp dụng nhiều chính sách tín dụng ưu đãi để phát triển kinh tế cho bà con nông dân xã Ka Đô. Ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay 0,5%/năm so với các địa bàn khác, không hạn chế mức vay… tạo điều kiện bà con nông dân mở rộng sản xuất, thương mại, dịch vụ. Những vướng mắc trong tiếp cận tín dụng cũng được NH khẩn trương vào cuộc cùng chính quyền địa phương đảm bảo dòng vốn được thông suốt.
Đơn cử, thời gian qua không ít bà con nông dân mạnh dạn ứng dụng mô hình công nghệ cao vào sản xuất rau, hoa... nhưng theo quy định thì nhà lưới, nhà kính của bà con nông dân không được nhận làm tài sản thế chấp. Điều này đã gây khó khăn cho không ít người nông dân muốn đổi đời nhờ đầu tư công nghệ cao trong nông nghiệp. Trước khó khăn trên, ban lãnh đạo NH đã chủ động cùng với chính quyền bàn bạc giải pháp tháo gỡ khó khăn. Với sự vào cuộc của chính quyền địa phương, Agribank Đơn Dương đã mạnh dạn cho phép bà con được thế chấp nhà kính để vay vốn NH. Nhờ vậy, những đồng vốn đã đến kịp thời với bà con xã Ka Đô, góp phần nâng cao đời sống.
Giám đốc Agribank Lâm Đồng Nguyễn Văn Chiểu cho biết, xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ lớn của Đảng, Nhà nước, cùng các cấp, ngành, thì sau khi có chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự chỉ đạo của NH cấp trên, Agribank Lâm Đồng đã chủ động phối hợp với Đảng ủy, chính quyền xã Ka Đô đưa ra nhiều giải pháp để triển khai chương trình chung tay xây dựng NTM một cách hiệu quả. Đến cuối tháng 3/2015, dư nợ cho vay chương trình xây dựng NTM của Agribank Lâm Đồng đạt 3.262 tỷ đồng…
Giữ vững nông thôn mới
Đạt được đã khó, giữ vững được các tiêu chí NTM còn khó hơn. Đó là điều mà lãnh đạo xã Ka Đô đặc biệt quan tâm. Nhất là trong số các tiêu chí đã đạt được, có những tiêu chí chưa thực sự bền vững, cần phải tiếp tục quan tâm đầu tư để nâng cao chất lượng như môi trường, y tế, mô hình sản xuất… Cụ thể, trên địa bàn có cụm khu công nghiệp với 3 nhà máy, nhưng việc xử lý nước thải chưa được đầu tư đúng mức đã ảnh hưởng cuộc sống người dân. Để giải quyết vấn đề, theo đánh giá của ông Trung, nếu chỉ bằng nỗ lực của địa phương là chưa đủ, mà cần phải có sự quan tâm của Nhà nước để xây cụm công nghệ hạ tầng tốt hơn không tác động đến môi trường.
Một vấn đề khác đang gặp nhiều khó khăn đối với bà con nông dân xã Ka Đô, cần có sự vào cuộc quyết liệt của Nhà nước, DN được Bí thư xã chia sẻ: trong những năm qua chuyển đổi cơ cấu cây trồng là địa bàn năng động mạnh dạn đầu tư chuyển đổi, nhưng việc tổ chức liên kết các nhà gồm nhà nông, nhà nước, nhà DN chưa tốt nên đầu ra sản phẩm cũng như giá cả rất bấp bênh. Cụ thể, có năm cà chua bán 9.000/kg nhưng có thời điểm chỉ được vỏn vẹn 2.000/kg nên yếu tố bền vững kinh tế chưa cao. Do vậy, theo lãnh đạo xã Ka Đô cần tăng cường liên kết giữa các nhà vừa đảm bảo bình ổn giá, thu nhập cho người nông dân vừa góp phần phát triển kinh tế địa phương ổn định, bền vững.
Năm 2015 cũng như nhiều năm tới, xã Ka Đô rất cần thêm nữa nguồn vốn vay NH, trong đó có vai trò rất lớn của Agribank. “Thời gian tới rất mong Agribank tiếp tục có chính sách tín dụng thông thoáng, ưu đãi hơn, mở rộng hình thức cho vay tín chấp… Thực tế, người sử dụng vốn vay ở Ka Đô rất có trách nhiệm trả nợ nên tỷ lệ nợ xấu rất thấp”, ông Trung bày tỏ.
Về vấn đề này, Giám đốc Agribank Đơn Dương Chu Anh Tuấn cho biết, Agribank đã xác định tập trung tăng trưởng tín dụng ở mức 150% trong năm nay cho địa bàn NTM. Trong năm 2014 tăng trưởng tín dụng tại xã Ka Đô đạt 27%, dư nợ đạt gần 500 tỷ đồng. Với một địa bàn xã thì tỷ lệ dư nợ trên là khá cao. Để đảm bảo đầu tư đúng và đủ cho xã, hàng năm Agribank Đơn Dương đều thực hiện đánh giá lại tình hình thực tế, định mức dư nợ… Tính tổng 5 năm trở lại đây dư nợ tại Ka Đô đạt hơn 1.300 tỷ đồng.
Thời gian tới, theo ông Tuấn, NH tiếp tục duy trì chính sách tín dụng như trước đây đối với xã, đồng thời tích cực phối hợp với chính quyền địa phương tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quan hệ tín dụng, đặc biệt là liên quan đến tài sản thế chấp. Đối với đề xuất mở rộng cho vay tín chấp, quan điểm của NH là tiếp tục cho vay tín chấp một phần, còn lại vẫn cần phải có tài sản thế chấp. “Do thị trường tiêu thụ còn bấp bênh nên rủi ro trong sản xuất tương đối nhiều, NH vẫn phải thận trọng đảm bảo hạn chế rủi ro tín dụng”, ông Tuấn lý giải thêm.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên cho biết, ngay khi có chủ trương làm thí điểm một xã NTM do Trung ương đầu tư, tỉnh Lâm Đồng cũng mạnh dạn chọn thêm 11 xã của 11 huyện, thành phố nữa triển khai chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình triển khai vừa qua tiến triển xây dựng NTM rất tốt. Đến thời điểm này, đã có 22 xã đạt đủ các tiêu chí về xây dựng NTM. Và hết năm 2015 thì Lâm Đồng có ít nhất 43 xã đạt tiêu chí NTM. Dự kiến, cuối năm 2015, huyện Đơn Dương được công nhận là huyện NTM. Quan điểm của tỉnh đối với chương trình xây dựng NTM, các xã được công nhận không chỉ cố gắng giữ được chuẩn mà phải tiếp tục phát triển lên tầm cao hơn. Dự kiến, hàng năm tất cả các xã xây dựng NTM đã được công nhận tiếp tục rà soát các tiêu chí, đồng thời phải đưa ra những chỉ tiêu cao hơn. Ví như, tiêu chí phát triển tỷ lệ đường nhựa hóa và cứng hóa, nếu như năm nay đã đạt 50% thì sang năm phải tăng lên nữa chứ không phải đã đạt tiêu chí này rồi dừng lại ở đó. |
Theo: thoibaonganhang.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã