Điểm nhấn đầu tiên phải kể đến là cảnh quan môi trường ở Vị Thủy có sự thay đổi rõ nét. Đi quanh hầu hết các ấp trong huyện, mọi người sẽ cảm nhận được sự thay đổi này khi ngày càng có nhiều tuyến đường đẹp, hộ gia đình có cảnh quan đẹp. Ông Lê Hoàng Tiến, Văn phòng Ban Chỉ đạo Phong trào TDĐKXDĐSVH huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Cuộc thi Mô hình có cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp thực sự đã làm thay đổi diện mạo của địa phương. Người dân đã ý thức rất nhiều từ những đợt phát động xây dựng gia đình văn hóa, con đường đẹp, đến cảnh quan đẹp một cách toàn diện, nên công tác tuyên truyền, vận động cũng nhẹ nhàng hơn, mà hiệu quả lại rất cao. Ở mỗi một giai đoạn của phong trào, luôn có những đột phá tạo sự thay đổi bằng những mô hình mới, cuộc thi mang nhiều ý nghĩa là cách hay nhất để tạo lòng tin trong nhân dân. Từ đó, những người làm phong trào như chúng tôi luôn tìm được tiếng nói chung với người dân…”. Bên cạnh việc phát động rộng khắp từ cấp tổ nhân dân tự quản đến ấp, xã rồi đến huyện để chọn những mô hình nổi bật nhất dự thi cấp tỉnh, địa phương đã quan tâm đến việc kiểm tra, giám sát và khen thưởng kịp thời những mô hình hay, cá nhân xuất sắc. Từ đó, tạo sự phấn khởi, giúp mọi người cùng hăng hái tham gia, tạo nên sự phát triển sâu rộng của phong trào này.
Nông thôn ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp nhờ ý thức của người dân. |
Sự thay đổi cảnh quan môi trường, ngoài việc thể hiện ý thức của người dân, còn cho thấy được mức sống của họ cũng thay đổi. Bởi lẽ, khi kinh tế thoải mái, không vướng bận cơm, áo, gạo, tiền, họ sẽ tự nâng chất đời sống tinh thần của mình lên. Điều đó dẫn đến suy nghĩ rất tiến bộ là họ làm đẹp cho gia đình mình không phải để được khen, mà thấy mình cần phải làm như vậy để từng thành viên trong gia đình đều cảm thấy thoải mái, dễ chịu và muốn tìm về gia đình sau một ngày lao động vất vả. Bà Trần Thị Hồng Nga, ở ấp 7B1, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, chia sẻ: Không chỉ gia đình bà, mà những người dân trong ấp luôn quan tâm nâng chất cuộc sống của mình, bằng cách giữ gìn nếp sống hòa thuận, con cháu chăm ngoan, hiếu thảo; chăm lo cho con cái học hành để có việc làm ổn định; chăm chỉ làm ăn để cuộc sống ngày một nâng lên. Riêng với cảnh quan môi trường, những người dân ở đây luôn dành một ít thời gian hàng ngày hoặc cuối tuần để dọn dẹp, sửa sang, làm cho cảnh quan, trồng cây xanh làm hàng rào… Đường sá, nhà cửa sạch sẽ, xanh mát sẽ khiến cho tâm hồn con người cũng nhẹ nhàng, thư thái hơn sau những giờ làm việc vất vả… Để tạo được nếp suy nghĩ hiện đại này, là cả một quá trình và địa phương cũng đã nỗ lực rất nhiều trong việc giảm nghèo, phát huy và nhân rộng những mô hình làm ăn kinh tế hiệu quả. Hiện, hộ nghèo của huyện còn 7,9%, giảm gần 4% so với năm 2013, thu nhập bình quân đầu người trên 28 triệu đồng/người/năm…
Để nâng chất phong trào, địa phương còn quan tâm nâng cấp, sửa chữa nhà văn hóa, nhà thông tin, các di tích lịch sử trên địa bàn nhằm góp phần nâng dần đời sống tinh thần của người dân. Hiện, toàn huyện có 10 nhà văn hóa xã, thị trấn (trong đó có 1 nhà văn hóa ở ấp 8, xã Vị Thủy), 64 nhà thông tin ấp (trong đó có 10 nhà thông tin đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới), 1 thư viện huyện, 10 thư viện cấp xã và 1 thư viện cấp ấp, 2 tủ sách chùa Khmer và 148 CLB lồng ghép các loại hình hoạt động khá tốt cùng hàng chục sân bãi tập luyện thể dục thể thao. Tất cả đã trở thành những nơi tập hợp các hoạt động chăm lo đời sống văn hóa tinh thần, sức khỏe của người dân, tác động tốt đến việc xây dựng xã hội lành mạnh, tích cực…
Dù có nhiều cố gắng, nhưng bên cạnh những mặt mạnh mà địa phương đã làm được để góp phần đưa phong trào TDĐKXDĐSVH đi vào chiều sâu, chất lượng, từng lúc, từng nơi phong trào vẫn chưa thật sự đồng đều. Ông Nguyễn Thanh Điền, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Vị Thủy, cho biết: Đây là kết quả của công tác vận động của từng địa phương chưa thật sự được quan tâm đúng mức, việc bình xét và công nhận các danh hiệu vẫn còn một ít nơi mang tính hình thức, dễ dãi và vị nể. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều nhà văn hóa, nhà thông tin đã xuống cấp chưa được đầu tư, một số nơi được đầu tư nhưng hoạt động còn yếu, bảo quản chưa tốt, chưa phát huy hết hiệu quả… Những hạn chế này địa phương sẽ nghiên cứu để từng bước khắc phục, tiếp tục đưa phong trào TDĐKXDĐSVH của huyện phát triển đồng đều về chiều rộng lẫn chiều sâu. Địa phương cũng sẽ tiếp tục xây dựng và nhân rộng những mô hình từ văn hóa, mô hình làm ăn hiệu quả, để nâng chất cuộc sống người dân một cách toàn diện.
Theo: baohaugiang.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;