Nếu ví mỗi doanh nghiệp như một cơ thể sống, trong các yếu tố cấu thành "sức khỏe" của doanh nghiệp, nguồn lực tài chính mà doanh nghiệp có được quan trọng như máu của doanh nghiệp vậy.
Nhưng tại nước ta, tới khoảng 70% doanh nghiệp tư nhân không tiếp cận được vốn ngân hàng mặc dù đã có nhiều chính sách tăng trưởng tín dụng cho khu vực này. Đây là thông tin rất đáng lo lắng về năng lực cạnh tranh của lực lượng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.
Tình trạng đói vốn của khối doanh nghiệp này chẳng khác gì cơ thể "thiếu máu". Nó thực sự là một trở ngại lớn đối với sự phát triển đất nước. Bởi đối với nền kinh tế Việt Nam, mức độ đóng góp của doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa đặc biệt quan trọng.
Theo số liệu của ngành Thống kê, vào thời điểm 31/12/2016 trên phạm vi cả nước có 477.808 doanh nghiệp, tăng 8% so với năm 2015. Số doanh nghiệp thành lập mới cả nước năm 2016 đạt kỷ lục với 110.100 doanh nghiệp, tăng 16.2% so với năm 2015. Trong 7 tháng đầu năm 2017, cả nước có thêm 72.953 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 13,8% về số doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2016.
Hiện lực lượng doanh nghiệp tư nhân đang giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển sức sản xuất, phát huy nội lực trong phát triển kinh tế - xã hội; tham gia giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội như tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo.... Doanh nghiệp tư nhân đang thu hút khoảng 51% lực lượng lao động cả nước và tạo khoảng 1,2 triệu việc làm mỗi năm....
Lực lượng doanh nghiệp tư nhân (trong đó khoảng 97% là doanh nghiệp nhỏ và vừa) là trụ cột của kinh tế tư nhân, trong khi đó kinh tế tư nhân chiếm tỉ trọng 39-40%GDP quốc gia, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế.
Nghị quyết 35 của Chính phủ đặt mục tiêu tới 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó có các doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Khu vực tư nhân đóng góp khoảng 48-49% GDP, khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Năng suất lao động xã hội tăng khoảng 5%/năm….
Điều này càng khẳng định rằng, doanh nghiệp tư nhân chính là động lực của nền kinh tế.
Một trong những rào cản phát triển của đội ngũ doanh nghiệp này là thiếu vốn đầu tư mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, vốn của doanh nghiệp Việt chủ yếu dựa vào tín dụng ngân hàng, và doanh nghiệp càng lớn thì vay càng nhiều.
Như vậy, với khoảng 70% doanh nghiệp tư nhân đói vốn, chứng tỏ họ sẽ "lực bất tòng tâm" khi muốn vươn lên trên thị trường. Thực tế cho thấy, có nhiều nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp tư nhân khó tiếp cận vốn vay ngân hàng. Trong đó, phải kể đến mấu chốt là do doanh nghiệp chưa thuyết phục được ngân hàng cho vay; do lãi suất vay vốn cao, lợi nhuận của doanh nghiệp không kham nổi.
Tất nhiên, không phải mọi doanh nghiệp không tiếp cận được vốn ngân hàng thì đều "bó gối" hoặc từ bỏ thị trường. Để tồn tại, ắt doanh nghiệp phải tìm đến các nguồn vốn khác (vay người thân, tín dụng đen...), nhưng dòng vốn này cũng không bền vững, đối mặt nhiều rủi ro cả về tài chính và xã hội.
Nửa đầu năm 2017, giới chuyên gia kinh tế và cả Chính phủ cũng sốt ruột vì mức độ doanh nghiệp thành lập mới ra đời nhiều nhưng "chết" cũng lắm. Chứng tỏ lượng doanh nghiệp ra đời chưa tương xứng với chất. Trong số nhiều nguyên nhân được chỉ ra, có nguyên nhân môi trường kinh doanh còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận tín dụng, lãi suất cao; áp lực cạnh tranh lớn....
Cho nên, để tới năm 2020 nước ta có tối thiểu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, kênh vốn từ ngân hàng chắc chắn cần được khơi thông để giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong đầu tư phát triển.
Muốn để doanh nghiệp tư nhân và ngân hàng gần nhau hơn, thực sự dựa vào nhau, hỗ trợ nhau để cùng phát triển thì cả 2 phía cùng cần nỗ lực loại bỏ rào cản. Tất nhiên, để làm được điều đó, không thể thiếu vai trò điều hành của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan. Vì suy cho cùng, chăm lo phát triển lực lượng doanh nghiệp tư nhân chính là chăm lo cho trụ cột quan trọng của phát triển bền vững đất nước để mọi thành phần đều hưởng lợi./.
theo http://vov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã