Trong năm qua, điều UBND huyện Đan Phượng tâm đắc nhất là đã nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM, cải cách toàn diện công tác kinh tế - xã hội, xây dựng quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm, giai đoạn 2016-2020, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, UBNDTP, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đan Phượng đã đoàn kết một lòng trong xây dựng quê hương.
Cơ cấu kinh tế của huyện đã chuyển dịch theo hướng tích cực. Trong đó, công nghiệp - xây dựng chiếm 47,24%; thương mại - dịch vụ chiếm 43,42%, nông nghiệp - thuỷ sản chiếm 9,34%.
Cơ cấu cây trồng, vật nuôi cũng được chuyển đổi tích cực, nghề trồng hoa được chú trọng. Diện tích trồng hoa trên toàn huyện là 399,4 ha, trong đó hoa ly chiếm 60%, đạt giá trị 1 tỉ đồng/ha/vụ. Một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã đầu tư hơn 200 tỉ đồng vào lĩnh vực sản xuất giống, hoa lan Hồ Điệp.
Trong năm qua, huyện cũng hoàn thành thủ tục xây dựng và mở rộng 3 cụm công nghiệp, làng nghề xã Liên Hà, Liên Trung, Đan Phượng; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, thành lập thêm 2 HTX chuyên canh: 1 HTX chuyên chăn nuôi, 1 HTX vừa chăn nuôi, vừa trồng trọt, thu hút gần 100 lao động vào sản xuất, nâng tổng số HTX trên toàn huyện lên con số 28. Hoạt động của các HTX được chiếu theo Luật HTX năm 2012.
Để giải quyết việc làm, nâng cao tay nghề cho người lao động, huyện đã tổ chức 15 lớp đào tạo nghề cho 519 lao động, giải quyết việc làm thêm, làm mới cho 2.200 lao động. Hiện, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 35 triệu đồng/ người/ năm.
Huyện cũng đã chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng, từng bước hiện đại hóa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội. Theo đó, có 4,5 km trục thôn và 20,5 km đường giao thông nội đồng được xây mới; tu sửa hoàn chỉnh 15 nhà văn hoá thôn; nâng cấp 4 đài truyền thanh các xã. Về giáo dục, năm qua, có thêm 2 trường học trên địa bàn huyện được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường đạt chuẩn trên toàn huyện lên 40/52 trường.
Đặc biệt, trong năm qua, huyện chú trọng đẩy mạnh công tác trợ giúp hộ nghèo. Kết quả đến hết tháng 12/2016, huyện đã giảm được 333 hộ nghèo, tỉ lệ bao phủ BHYT đạt 80%. Hệ thống chính trị toàn huyện trong sạch, vững mạnh hơn; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân huyện Đan Phượng đã được nâng cao.
Là địa phương đầu tiên được công nhận huyện hoàn thành các chỉ tiêu NTM của TP, đây vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đan Phượng.
Song, như chúng ta đã biết, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM đã khó, duy trì, phát huy sức mạnh của huyện NTM còn khó hơn nhiều. Vì vậy, hướng đi của huyện thời gian tới là phải phát triển kinh tế- xã hội theo hướng bền vững, đời sống của người dân ngày một khấm khá, thu nhập năm sau cao hơn năm trước…
Theo Nguyễn Thạc Hùng
Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng/laodongthudo.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;