Trong điều kiện xuất khẩu gạo gặp khó khăn, giá lúa trong nước dao động ở mức thấp và khó tiêu thụ khiến lợi nhuận của người trồng lúa giảm mạnh.
Chính sách hỗ trợ chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng màu thật sự là động lực mạnh mẽ và kịp thời để giúp nhiều hộ nông dân ở ĐBSCL cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp phù hợp với tình hình mới. Thực tế thời gian qua cho thấy, việc trồng màu ở các tỉnh ĐBSCL mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Các huyện như Lai Vung, Lấp Vò (Đồng Tháp); Chợ Mới, Phú Tân, An Phú (An Giang); Bình Tân, thị xã Bình Minh (Vĩnh Long)… ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương đã quy hoạch vùng trồng rau màu tập trung quy mô lớn, sản xuất quanh năm.
Từ lợi thế rõ rệt của cây màu nên Bộ NN-PTNT và các địa phương vùng ĐBSCL đề ra kế hoạch chuyển khoảng 112.000ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây màu hoặc kết hợp nuôi trồng thủy sản trong 2 năm 2014 - 2015. Đây là nhu cầu tất yếu và được nhiều nông dân đồng tình, bởi chúng ta không thể bám mãi vào cây lúa, khi mà hiệu quả và lợi thế cạnh tranh của cây lúa ngày càng kém.
Định hướng là vậy, song đi vào triển khai thực hiện mới thấy nhiều băn khoăn. Về kỹ thuật canh tác, cây giống… không khó, nhưng vấn đề nan giải là đầu ra, thị trường tiêu thụ của các loại rau màu thường bấp bênh không ổn định. Bài học “xương máu” cho thấy khi nông dân làm với diện tích nhỏ, sản lượng ít thì bán được giá cao. Đến lúc nhân rộng, sản lượng tăng nhiều lên thì lập tức giá rớt, dẫn tới thua lỗ; điển hình như nông dân vừa đổ bắp cải xuống sông vì giá quá thấp là một minh chứng đau lòng.
Chính vì thế mà Thủ tướng Chính phủ giao cho UBND các tỉnh thành ĐBSCL phải tìm hiểu thị trường, khả năng tiêu thụ sản phẩm để xác định chủng loại cây trồng, diện tích chuyển đổi từ cây lúa sang cây màu một cách phù hợp… Các địa phương cho rằng, với hệ thống đê bao hoàn chỉnh, thủy lợi đảm bảo nên việc trồng cây màu có thể áp dụng sản xuất quanh năm. Song, cái khó hiện nay vẫn là giá cả và thị trường tiêu thụ. Hiện tại nếu so với các loại nông thủy sản khác thì rau màu có rất ít nhà máy chế biến và doanh nghiệp bao tiêu.
Trong khi việc tồn trữ của rau màu rất khó, do đó khi gặp cảnh “được mùa, dội chợ, rớt giá” thì nông dân trồng rau màu buộc phải bán đổ bán tháo chấp nhập thua lỗ, bởi không thể bảo quản lâu được. Các sản phẩm thủy sản như tôm, cá tra… được xuất khẩu sang hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Rau màu thì ngược lại, chủ yếu tiêu thụ nội địa và chỉ xuất sang một vài nước như Trung Quốc, Campuchia… vì thế đầu ra luôn bị đọng. Đối với lúa gạo, thủy sản… đều có hàng loạt doanh nghiệp lớn tham gia; trong khi rau màu chưa có doanh nghiệp nào tầm cỡ, chủ yếu là thương lái gắn với nông dân theo kiểu “mua đứt bán đoạn” qua từng vụ.
Để phát triển cây màu ổn định, ngoài chính sách hỗ trợ giống như lần này thì cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào lĩnh vực rau màu như: xây dựng vùng nguyên liệu quy mô lớn gắn với nông dân, xây nhà máy chế biến, kho tồn trữ bảo quản… Ngoài tiêu thụ nội địa thì cần tính đến việc đẩy mạnh sản xuất rau màu cao cấp, chất lượng cao để tăng cường chế biến xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Vấn đề hiện nay là “chờ đợi” doanh nghiệp có thực lực đến đầu tư, bao tiêu sản phẩm, từ đó mở rộng thị trường xuất khẩu nhằm phát triển bền vững vùng màu.
Các nhà chuyên môn cho rằng, để chuyển đổi 112.000ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây màu hoặc kết hợp nuôi trồng thủy sản được thành công, cần giải quyết tốt bài toán thị trường. Mà vấn đề cốt lõi là phải nhanh chóng thay đổi cách làm từ nhỏ lẻ giữa nông dân với thương lái qua từng vụ, sang sản xuất quy mô lớn gắn nông dân với doanh nghiệp mạnh, có tâm, có tầm, áp dụng đầu tư dài hạn, nhằm ổn định vùng nguyên liệu để chủ động trong tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Cần mạnh dạn đột phá trong cách nghĩ, cách làm để phát triển bền vững nghề trồng rau màu đầy tiềm năng ở ĐBSCL.
HUỲNH LỢI
theo sggp
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;