Số lượng có tăng, khó khăn vẫn còn
Theo thống kê từ Liên minh HTX Việt Nam từ khi có Luật HTX, đến nay cả nước có gần 19,9 nghìn HTX. Trong đó có 11,5 nghìn HTX nông nghiệp. Doanh thu bình quân mỗi HTX ước khoảng 4,3 tỷ đồng/năm.Bình quân một HTX có lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng/năm. Số lượng các HTX ở nhiều địa phương tăng rất nhanh trong mấy năm gần đây, điển hình như Long An-nơi tiếp giáp với đầu tàu kinh tế cả nước là TPHCM.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các bộ, ngành tại Hội thảo Phát triển hợp tác xã nông nghiệp-Kinh nghiệm và triển vọng hợp tác phát triển diễn ra ngày 6/11 tại TPHCM, những con số này vẫn chưa tương xứng với kỳ vọng của xã hội khi chỉ mới 35% số HTX nói trên kinh doanh có hiệu quả, gần một nửa số HTX vẫn đang trong trạng thái “làng nhàng”. Và số HTX yếu kém, chực chờ giải thể lên tới 20%.
Thậm chí có đến 13% số HTX còn chưa chuyển đổi theo Luật HTX dù hành lang pháp lý này đã có hiệu lực từ hơn 4 năm về trước. Đa số các HTX nông nghiệp chỉ mới cung ứng dịch vụ đầu vào cho các nông hộ. Chỉ 12% số HTX thực sự tham gia được vào hoạt động tiêu thụ, chế biến nông sản.
Theo ông Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác & Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), quy mô kinh doanh của các HTX như thống kê trên đây hãy còn quá nhỏ nên khó có thể cạnh tranh vững mạnh. Ngoài ra, rất nhiều HTX ra đời một cách hình thức để địa phương có thể thêm “điểm cộng” cho chuẩn “nông thôn mới” chứ không có hoạt động thực chất vì không xuất phát từ nhu cầu của các hộ nông dân.
Đó là chưa kể không ít HTX dù làm tốt, sản xuất được sản phẩm an toàn, sản phẩm hữu cơ nhưng vẫn bị thị trường quay lưng. Bởi chưa có chính sách khuyến khích, hỗ trợ hay phân biệt rõ rệt dành cho các HTX này giữa “một rừng” các nhà sản xuất “hàng chợ”.
Thiếu hụt nghiêm trọng nguồn lực
Bên cạnh khó khăn về đất đai do chính sách hạn điền, hay các hướng dẫn thi hành Luật HTX còn nặng tính hành chính, thiếu tính khả thi, hai khoản thiếu hụt lớn gây ra sự "bấp bênh" cho HTX theo các bộ, ngành và giới chuyên gia lại là nguồn vốn đầu tư và lực lượng nhân sự quản trị có chất lượng.
Theo TS. Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, tổng số vốn đầu tư đang rót vào các HTX ước khoảng 34,8 nghìn tỷ đồng, là con số quá nhỏ bé nếu so với tổng lượng tín dụng khoảng 6 triệu tỷ đồng mà hệ thống ngân hàng đang cung cấp cho toàn bộ nền kinh tế (năm 2016).
Dữ liệu từ Cục Kinh tế Hợp tác & Phát triển nông thôn năm 2016 cũng cho thấy tỷ lệ các HTX tiếp cận được vốn vay theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn (hiệu lực từ 25/7/2015) mới chỉ... 0,67%.
Chính vì vậy, Cục Kinh tế Hợp tác & Phát triển nông thôn cho rằng đã đến lúc phải có chính sách để khuyến khích phát triển chương trình tín dụng theo chuỗi giá trị ở hệ thống ngân hàng. Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho hay “sắp trình Chính phủ đề án huy động nguồn lực từ thị trường cho HTX-khu vực mà các ngân hàng thương mại không muốn tham gia”.
Không chỉ thiếu hụt nguồn đầu tư tài chính, nguồn nhân lực quản trị HTX cũng là điều đáng bàn khi số đã qua đào tạo không nhiều và hầu hết cũng đã cao tuổi.
Ông Hoàng Vũ Quang, Phó Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược Phát triển Nông nghiệp và Nông thôn cho hay đến 86% người quản lý HTX tại khu vực ĐBSSCL chỉ mới có trình độ từ cấp 3 trở xuống. Kết quả khảo sát của Trường Cán bộ Quản lý nông nghiệp 2 cũng cho thấy trên 65% cán bộ quản lý HTX đã qua tuổi 50.
Do đó, theo nhiều quan điểm tại Hội thảo, ngoài chủ trương đào tạo quản trị viên và Chủ nhiệm HTX, cũng rất cần tăng cường đào tạo kiến thức làm ăn bài bản cho các nông hộ, nhất là cho lớp nông dân trẻ, những người còn đủ sức khỏe và nhận thức nhạy bén để tiếp nhận cái mới. “Đây là đối tượng rất cần được quan tâm chứ không chỉ có cán bộ quản lý HTX”, bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm khuyến nông quốc gia khẳng định thêm.
Ra đời mô hình hợp tác công-tư NETCOOP
Biến đổi khí hậu khiến nông dân phải chuyển đổi cây trồng vật nuôi. Toàn cầu hóa cũng khiến nông dân phải chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Cả 2 thay đổi lớn này khiến nhiều thách thức phát sinh, tác động sâu sắc đến khu vực nông nghiệp-nông thôn, trong đó có mô hình kinh tế HTX.
Đó cũng chính là lý do mà tất cả những đề xuất và kiến nghị xây dựng chính sách hỗ trợ HTX đã được chốt lại bằng sự hình thành một mô hình tổ chức đối tác công-tư với tên gọi là Mạng lưới các đối tác phát triển HTX nông nghiệp (NETCOOP).
Cùng tham gia với các bộ, ngành, viện, trường, Liên minh HTX Việt Nam, NETCOOP còn ghi nhận sự góp mặt của Tổ chức lương thực và nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), Tổ chức hợp tác và Phát triển Đức (GIZ), Tổ chức phát triển HTX quốc tế Canada (SOCODEVI), Liên đoàn HTX Raifeisen Đức (DGRV) và Tổ chức Hỗ trợ Phát triển Hà Lan (Agriterra).
Ở cấp độ vĩ mô, NETCOOP sẽ tham vấn và hỗ trợ xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi, hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu quốc gia về HTX. NETCOOP cũng sẽ tổ chức những hoạt động để xây dựng các mô hình HTX hiệu quả, thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu và toàn cầu hóa.
Riêng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay đang nghiên cứu để đề xuất chính sách ưu đãi và chính sách thuế riêng cho HTX; chính sách khuyến khích khoanh nợ, giãn nợ, xóa nợ cho các HTX; xây dựng mô hình thống nhất cho Quỹ hỗ trợ phát triển HTX ở các địa phương; lập cơ chế khuyến khích ngân hàng thương mại cho HTX vay vốn; nghiên cứu chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động trong HTX; phát triển các HTX trong những lĩnh vực ngành nghề mà xã hội đang có nhu cầu như vệ sinh môi trường, quản lý kinh doanh chợ, bảo hiểm, y dược, nhà ở...
Phương Hiền/baochinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã