Là xã vùng cao biên giới, Hải Sơn nằm ở phía Đông Bắc TP Móng Cái, cách trung tâm Móng Cái 37km, diện tích tự nhiên trên 8.300 ha, trong đó, diện tích đất rừng sản xuất và phòng hộ gần 87%, đất nông nghiệp chỉ có gần 3%. Địa hình ở đây chủ yếu là đồi núi, có độ dốc cao, cơ sở hạ tầng giao thông đi lại khó khăn. Toàn xã có 329 hộ với 1.567 nhân khẩu, chủ yếu là dân di cư và xây dựng kinh tế mới thuộc dân tộc Kinh, Dao, Sán Chỉ cư trú rải rác tại 3 thôn (Thán Phún, Lục Chắn và Pò Hèn). Người dân Hải Sơn chủ yếu canh tác, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp.
Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Hải Sơn chia sẻ: “Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đối với xã nông nghiệp khu vực đồng bằng nỗ lực vượt khó một phần, thì ở miền núi, nỗ lực này bội phần gian nan. Tuy nhiên, những năm qua, Hải Sơn đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Trung ương, của tỉnh Quảng Ninh trên nhiều lĩnh vực, vì vậy đã tạo cho vùng cao biên giới một diện mạo mới, nhất là kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội như hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế, các thiết chế văn hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, phát triển sản xuất, tạo việc làm và xóa đói, giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống người dân”.
Cùng với đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hải Sơn đã phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng thực hiện đồng bộ các tiêu chí nông thôn mới. Đến nay, xã Hải Sơn đã hoàn thành 15/20 tiêu chí; 45/53 chỉ tiêu theo quy định. Còn lại những tiêu chí khó, xã đang nỗ lực thực hiện. Theo ông Sơn, cái khó nhất là phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Và đây là tiêu chí chủ đạo chi phối việc hoàn thiện các tiêu chí khác. Để từng bước “gỡ khó”, theo ông Sơn, Hải Sơn đang thực hiện “cầm tay chỉ việc”, “cán bộ làm trước, nhân dân thấy thành công sẽ làm theo”, bởi với người dân tộc thiểu số, phải “thấy kết quả mới tin”.
Minh chứng cho việc làm này, ở xã Hải Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách nông thôn mới Nguyễn Thanh Phong đã mạnh dạn tiên phong đầu tư trồng 3 héc-ta cây dược liệu từ sự hỗ trợ một phần ba giống, vốn của Công ty cổ phần quốc tế Ngọc Hà. Đến nay, sau vài tháng, cây sinh trưởng phát triển tốt, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng vùng cao, hứa hẹn sau hơn hai năm nữa, đây sẽ trở thành một vùng cung cấp dược liệu cho công ty. Ông Nguyễn Thanh Phong cũng cho biết, xã Hải Sơn cũng đăng ký với TP Móng Cái mở rộng vùng dược liệu lên tới 50 ha, cùng với 50 ha của Bắc Sơn nữa sẽ hình thành 100 ha vùng dược liệu vùng cao, cung cấp nguyên liệu cho các công ty.
Ngoài ra, học tập xã vùng cao cận kề là Bắc Sơn (Móng Cái) và một số xã vùng cao của huyện Hải Hà, người dân Hải Sơn cũng đang tích cực trồng mía thương phẩm. Anh Lỷ Văn Thắng, nhà ở thôn Lục Chắn cho biết, năm ngoái, gia đình anh bắt đầu đầu tư trồng mía thương phẩm, không mất công chăm sóc nhiều, giá lại ổn định, cứ “đếm cây lấy tiền”, khoảng 5 nghìn đồng/cây, 1 sào mía, trừ chi phí, anh Thắng còn lãi hơn chục triệu đồng. Thời gian nông nhàn, anh làm thêm nghề bốc vác hàng hóa, cũng cho thu nhập ổn định. Như vậy, với mức thu nhập này đã giúp người dân thoát nghèo, đây thực sự là tấm gương để bà con xung quanh nhìn và học, làm theo, đưa cả thôn Lục Chắn dần dần phát triển mạnh.
Ông Vũ Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã cho biết thêm, phát huy tiềm năng đất đai và khả năng lao động của người dân, Hải Sơn cũng đang xây dựng các mô hình trồng lạc, mía, thanh long... Nếu sớm triển khai và có sự hỗ trợ thiết thực, đồng lòng của “ Nhà nước - nhà nông - doanh nghiệp” , đây sẽ là hướng đi bền vững để Hải Sơn gỡ “cái khó nhất”.
Đến Hải Sơn hôm nay so với 6 năm về trước có thể dễ dàng cảm nhận sự đổi thay rõ rệt, trong cả diện mạo, đời sống kinh tế - xã hội và chất lượng sống của người dân cũng được nâng cao. Có thể khẳng định, chương trình nông thôn mới đã thổi một luồng gió mới vào vùng cao Hải Sơn, để nơi này được tiếp thêm động lực đổi thay và tiến dần xóa mờ khoảng cách giữa miền ngược với miền xuôi.
Và Hải Sơn hôm nay, với một tâm thế chủ động, biết nhìn thẳng vào cái khó và gỡ nút thắt từ cái khó nhất, tin tưởng rằng, bức tranh nông thôn mới nơi quê hương Pò Hèn anh hùng sẽ tiếp tục khắc sâu những gam màu tươi sáng.
Thu Hằng/bienphong.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã