Ngay trong ngày đầu Cách mạng tháng Tám thành công, trong thư gửi điền chủ nông gia Việt Nam, Hồ Chí Minh viết: Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp. Nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc. Trong công cuộc xây dựng nước nhà, Chính phủ trông mong vào nông dân, trông cậy vào nông nghiệp một phần lớn. Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh…
Quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới, Đại hội Đảng lần thứ IX đã chỉ rõ: “Đối với giai cấp nông dân… tập trung sự chỉ đạo và các nguồn lực cần thiết cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, phát triển nông thôn; thực hiện tốt các chính sách về ruộng đất, phát triển nông nghiệp toàn diện, tiêu thụ nông sản hàng hóa, bảo hiểm sản xuất và bảo hiểm xã hội; phát huy lợi thế từng vùng, giúp đỡ vùng khó khăn; phân bố dân cư theo quy hoạch, phát triển ngành nghề, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống, nâng cao dân trí, xây dựng nông thôn mới”.
Nối tiếp đường lối trên, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X, Đảng ta tiếp tục khẳng định, cần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, giải quyết đồng bộ các vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Hiện thực hóa tư tưởng chỉ đạo của Đại hội Đảng lần thứ X, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó khẳng định: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Nhằm tạo ra sự chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn và nâng cao đời sống nông dân, Đại hội XI của Đảng cũng đã chỉ rõ: “Phát triển nông nghiệp toàn diện, hiệu quả, bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát huy ưu thế của nền nông nghiệp nhiệt đới gắn với giải quyết tốt các vấn đề nông dân, nông thôn.
Khuyến khích tập trung ruộng đất, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao. Gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, mở rộng xuất khẩu. Xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, giàu đẹp”.
Xác định vấn đề phát triển nông nghiệp, nông thôn có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng, ngày 04/6/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020. Đây là sự cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tiễn đời sống, khẳng định quyết tâm chính trị của Đảng ta.
Thực hiện tư tưởng cũng như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với nông dân gắn liền với phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, tại Đại hội lần thứ XII Đảng ta khẳng định: Xây dựng nông thôn mới mặc dù đã có nhiều tiến bộ, song công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới còn chậm; các ngành dịch vụ chất lượng cao chậm phát triển; sự phát triển giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng còn thiếu liên kết và phối hợp; chất lượng nguồn nhân lực thấp, chuyển dịch cơ cấu lao động chưa tương ứng với chuyển dịch cơ cấu sản xuất.
Từ thực trạng đó, Đại hội lần thứ XII của Đảng đề ra yêu cầu, trong thời gian tới cần phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; Xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu; Đẩy nhanh cơ cấu lại ngành Nông nghiệp; Chú trọng đầu tư vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới và quá trình đô thị hóa một cách hợp lý…
Nhìn chung, tư tưởng, chủ trương, đường lối, chính sách của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nông dân, gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới đã được Đảng và Nhà nước ta quán triệt, vận dụng phù hợp với từng thời kỳ lịch sử. Đặc biệt, trong thời kỳ đổi mới, tư tưởng, chủ trương, đường lối, chính sách này đã trở thành “kim chỉ nam” để Đảng ta xây dựng đường lối chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nói chung, trong đó có vấn đề nông dân, nông nghiệp và nông thôn.
Điều này đã được khẳng định, nhất quán và cụ thể hơn từ Đại hội lần thứ IX của Đảng cho đến nay. Sự quán triệt, vận dụng tư tưởng của Người lại càng chứng tỏ tầm nhìn vĩ đại, sự quan tâm và tình yêu thương sâu sắc của Người đối với nhân dân lao động, trong đó có nông dân.
Tuy nhiên, để vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh và thống nhất nhận thức đối với chủ trương của Đảng ta về vai trò của nông nghiệp, nông thôn trong chiến lược công nghiệp hoá, hiện đại hoá, thời gian tới cần lưu ý những vấn đề sau:
Một là, xác định đúng vai trò của nông nghiệp trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tạo căn cứ để đề ra chính sách và giải pháp phù hợp. Phát triển nông nghiệp, nông thôn không thể tách rời việc giải quyết vấn đề nông dân và xây dựng nông thôn mới. Thống kê cho thấy, nông nghiệp nước ta hiện nay tạo ra khoảng 22% GDP, 30% tổng kim ngạch xuất khẩu và gắn liền với việc làm, thu nhập và đời sống của khoảng 55% lao động và khoảng 65% dân số cả nước.
Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập, nông sản nước ta đang phải cạnh tranh gay gắt; Chủ thể sản xuất chính, chiếm tỷ lệ tuyệt đối trong kinh tế nông nghiệp là hộ nông dân. Do đó, nếu thiếu sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua luật pháp, chính sách và của khu vực kinh tế nhà nước thì tự thân nông dân rất khó trụ vững trước sự cạnh tranh gay gắt của tự do giao lưu hàng hoá, mở cửa và hội nhập.
Hai là, tiếp tục thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Muốn thực hiện được yêu cầu này, vừa phải điều tra nắm bắt nhu cầu thị trường, vừa phải tiết kiệm chi phí sản xuất, chế biến, tiêu thụ hàng hoá.
Ba là, tiếp tục tăng cường thực hiện quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Bốn là, cùng với việc tiếp tục hoàn thiện về cơ chế, chính sách, đẩy nhanh tiến bộ khoa học, công nghệ vào ứng dụng sản xuất nông nghiệp.
Năm là, nâng cao khả năng cạnh tranh, mở rộng tiêu thụ hàng nông sản và các hàng hoá từ nông thôn. Trong những năm gần đây, tiêu thụ nông sản là vấn đề khó khăn, thách thức lớn đối với nông nghiệp nước ta. Thực tế này đòi hỏi phải được nghiên cứu, phân tích lợi thế của từng vùng để quy hoạch các vùng nông sản phù hợp; giảm thiểu chênh lệch giữa giá nông trại và giá thị trường, cũng như giảm thiểu hao hụt sau thu hoạch; kết hợp giữa sản xuất nguyên liệu nông sản với công nghiệp chế biến, tổ chức tiêu thụ sản phẩm khoa học chủ động, hiệu quả... Nguồn: http://tapchitaichinh.vn/
Tác giả: PHẠM BÍCH HẰNG - ĐẠI HỌC CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI THÁI NGUYÊN
Nguồn: tapchitaichinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;