Nhiều vùng quê nghèo đã đổi thay từ chương trình xây dựng nông thôn mới Ảnh: Hoàng Long Xuất hiện tư tưởng nóng vội, ỷ lại Theo Phó trưởng ban Dân vận Trung ương Nguyễn Duy Việt, chủ trương xây dựng NTM thể hiện quyết tâm chính trị và được nhân dân đồng tình ủng hộ. Qua thực hiện nhận thức của người dân đang từng bước chuyển biến, đã có nhiều phương thức và cách làm mới, xuất hiện những điển hình. Đặc biệt là sự vào cuộc mạnh mẽ của MTTQ và các đoàn thể trong việc tham gia xây dựng NTM. Từ thực tiễn ông Việt cũng chỉ ra những hạn chế của việc triển khai chương trình xây dựng NTM, đó là nhận thức của một bộ phận lãnh đạo, nhân dân coi đây là dự án phát triển kinh tế, xã hội và nhà nước đầu tư. "Việc chưa hiểu rõ nội hàm của NTM và chưa hiểu rõ việc cần làm dẫn đến lúng túng chưa biết việc gì làm trước, việc gì làm sau lại càng dẫn đến tâm lý trông chờ ỷ lại. Hạn chế này là khá phổ biến ở nhiều nơi”, ông Việt thẳng thắn nói. Ở một góc nhìn khác, ông Hồ Xuân Hùng – Cố vấn Ban chỉ đạo, Thường trực Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM nhận định, đang có những khuynh hướng không lành mạnh xuất hiện và cần điều chỉnh. Khuynh hướng lớn nhất bao trùm là tư tưởng nóng vội, do áp lực của dân và nhận thức chưa đầy đủ hết khó khăn của quá trình xây dựng NTM. Cùng với đó là tư tưởng chần chừ, chờ đợi, không tin tưởng. Vẫn còn sự trông chờ ỷ lại vào nguồn lực từ trên xuống, nhất là các địa phương thu ngân sách chưa đủ chi. Coi xây dựng NTM là một dự án, tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng là chính. "Thậm chí không ít cán bộ địa phương còn tư duy theo hướng có "A” có " B” mà chưa nhận thức được đầy đủ đây là cuộc vận động của cả nước chung sức xây dựng NTM. Bên cạnh đó, tỉnh, huyện chỉ lo ra Nghị quyết, chính sách còn tổ chức thực hiện thì "khoán” cho ngành nông nghiệp, đoàn thể khác thì "khoát nước theo mưa”. Có không ít đoàn thể quần chúng yêu cầu phải có kinh phí mới tổ chức triển khai”, ông Hùng thẳng thắn nói. Khẳng định vai trò của Mặt trận Theo ông Nguyễn Duy Việt để xây dựng thành công NTM, vấn đề mấu chốt là con người phải mới. "Đổi mới về tư duy trong đội ngũ cán bộ để tránh sự tùy tiện nghĩ gì làm nấy. Cùng với đó, người dân phải đổi mới tư duy và đổi mới phương thức sản xuất để có trình độ cạnh tranh với quốc tế, xóa bỏ những tập quán lạc hậu, tiếp thu đời sống văn hóa mới phù hợp với một nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa, phù hợp với thời kỳ hội nhập. Để làm được điều này thì vai trò của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể là rất lớn”, ông Việt nhấn mạnh. Phong trào chung sức xây dựng NTM tại xã Việt Tiến - Bảo Yên (tỉnh Lào Cai) đã huy động được cả hệ thống chính trị và người dân vào cuộc Theo ông Việt để có thành công trong xây dựng NTM phải có phong trào rộng lớn, sử dụng đồng vốn có hiệu quả. Đặc biệt, Mặt trận và các đoàn thể vào cuộc phải rõ về mục tiêu, khi kết thúc phong trào phải có sản phẩm mang tính thiết thực góp phần xoay chuyển trong xây dựng NTM chứ không chung chung, tránh "vận động suông”. "Mặt trận có phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư là rất toàn diện nhưng cần tập hợp các đoàn thể, phối hợp cho đồng bộ”, ông Việt kiến nghị. Nói về những hiệu quả của phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đem lại cho nông thôn mới, ông Hoàng Chương - Phó Trưởng ban Phong trào UBTƯMTTQ Việt Nam cho biết, nội dung của CVĐ "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã trực tiếp thực hiện 16/19 tiêu chí của cuộc xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên đây vẫn là công việc vừa mới, vừa khó, vừa đòi hỏi nguồn lực sức người, sức của rất lớn. MTTQ các cấp cần tập trung trong công tác tuyên truyền sao cho từng người dân, từng hộ dân hiểu được để đồng lòng và cùng nhau thực hiện, ông Chương khẳng định. Chọn việc để làm Theo Chủ tịch MTTQ tỉnh Hưng Yên Phạm Ngọc Huy, trong xây dựng NTM, Mặt trận Hưng Yên đã xác định việc làm cụ thể, bức xúc để triển khai thực hiện. "Chúng tôi tập trung vào 3 việc cụ thể: Đó là tệ nạn xã hội, vấn đề môi trường trong nông thôn, hủ tục lạc hậu. Ba việc này được làm bền bỉ, lâu dài. Hiện, MTTQ Hưng Yên xây dựng 19 mô hình thí điểm, có đề án, nguồn lực để rút kinh nghiệm”, ông Hùng cho biết. Hội thảo cũng ghi nhận nhiều kiến nghị từ cơ sở của MTTQ tỉnh Thái Bình, Vĩnh Phúc...về việc phân bổ nguồn vốn, điều chỉnh một số tiêu chí phù hợp vùng miền, ưu tiên nguồn lực cho công tác tuyên truyền... Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký UBTƯMTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim nhấn mạnh, để xây dựng thành công NTM, Mặt trận phải xác định rõ làm gì và làm như thế nào, hướng vào mục tiêu gì? Cách làm của Mặt trận gắn với CVĐ "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” phải chọn ra hai loại việc. Việc chưa cần tiền, cần sự vận động trong nhân dân, tổ chức sắp xếp lại trong vấn đề văn hóa, tuyên truyền trong ý thức, vận động tuyên truyền. Việc cần tiền thì phải tham gia vào các chương trình dự án, quy hoạch công khai dân biết, dân bàn, dân giám sát. "Hiện nông thôn phát triển không đồng đều nên có những việc phải giải quyết trước mắt và giải quyết lâu dài. Xác định được việc đó, chúng ta phải chọn việc, có sự phân công mỗi tổ chức đoàn thể và có sản phẩm, cùng với đó là bố trí cán bộ, phương tiện. Có mô hình và lựa chọn mô hình xem Mặt trận đã làm được gì để phản ánh kinh nghiệm này cho các địa phương. Qua đó biết được Mặt trận đã góp được gì trong việc thực hiện những tiêu chí đó”, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Vũ Trọng Kim nhấn mạnh.
|
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;