Học tập đạo đức HCM

Mở rộng hạn điền giúp nông nghiệp 'cất cánh'

Thứ bảy - 15/04/2017 12:29
Nhiều ý kiến cho rằng, bỏ quy định về hạn điền sẽ giúp nền nông nghiệp “cất cánh”. Tuy nhiên, cần có cách làm phù hợp để nông dân không bị mất đất, bị bần cùng hóa, đất không rơi vào tay các “địa chủ” kiểu mới.
Đất đai manh mún, khó mở rộng diện tích
 
Ở Hưng Yên, không ai không biết tới Công ty TNHH Thuận Tâm Thành ở xã Đại Tập (Khoái Châu) chuyên trồng chuối xuất khẩu. Công ty này đang có 60 ha trồng chuối tại các tỉnh phía Bắc (30 ha tại Hưng Yên, số còn lại nằm rải rác ở Bắc Giang, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Thanh Hoá), sản lượng bình quân khoảng 3.000 tấn quả/năm, để cung cấp cho các đối tác Vinmart, Fivimart và xuất khẩu tới Hàn Quốc, Nga, Trung Đông.

Công ty Thuận Tâm Thành ở xã Đại Tập, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên mong muốn mở rộng diện tích trồng chuối.
 

Ông Phạm Năng Thành, Giám đốc Thuận Tâm Thành cho biết: “Một hécta chuối cho doanh thu khoảng 400 triệu đồng. Tuy nhiên, việc mở rộng quy mô sản xuất chuối gặp rất nhiều khó khăn. Bởi đất trồng trọt ở khu vực đồng bằng sông Hồng manh mún, việc thỏa hiệp thuê đất với các chủ ruộng vô cùng nan giải”.
 
Do vậy, Thuận Tâm Thành đã liên kết bao tiêu sản phẩm cho hàng trăm hộ trồng chuối lân cận (khoảng 10.000 tấn/năm) với giá trung bình 8.000 đồng/kg.
 
Còn trong lĩnh vực trồng và xuất khẩu chanh leo, khó có công ty nào vượt qua được Nafood với 80% thị phần xuất khẩu chanh leo. Tuy nhiên, Nafood cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm quỹ đất để mở rộng sản xuất.
 
Chanh leo được quy hoạch trồng khoảng 15.000 ha, “Chúng tôi mong có được 10 - 20% diện tích đó, tương đương 1.500 - 2.000 ha để sản xuất chanh leo. Nhưng hiện tại, chúng tôi mới chỉ có 100 ha tại Nghệ An, 400 ha ở Tây Nguyên để trồng” ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch của Nafood cho biết.
 
Theo ông Hùng, muốn xuất khẩu nông sản phải có diện tích đủ lớn, chứng chỉ, nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, công nghệ chế biến nhưng việc tích tụ đất đai ở trong nước rất khó khăn. Do vậy, Nafood đã kết hợp với các đối tác ở Lào để trồng chanh leo.
 
“Các mảnh đất lớn đang nằm “trong tay” các công ty, tập đoàn trồng cao su, cây công nghiệp. Đất của nông dân thì nhỏ lẻ. Do vậy, DN không dễ để có được mảnh đất lớn mở rộng sản xuất. Hoặc DN phải bỏ ra rất nhiều tiền, tốn nhiều thời gian và vô cùng rủi ro để có đất. Vì thế, phải có cơ chế mở rộng hạn điền, thông thoáng trong việc cấp giấy phép, thủ tục chủ sở hữu đất cho doanh nghiệp”, ông Hùng cho biết thêm.
 
Cùng quan điểm này, ông Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện cây lương thực và cây thực phẩm cho biết: “DN muốn thuê đất thì phải hỏi từng nhà, chi phí giao dịch rất cao, không hiệu quả. Nguyên nhân là do chưa có sàn giao dịch đất nông nghiệp. Do vậy, muốn thu hút DN đầu tư nông nghiệp thì phải thúc đẩy, khuyến khích cho thuê đất, đồng thời đảm bảo thời gian cho thuê để đảm bảo DN thu hồi vốn”.
 
Bảo vệ lợi ích của nông dân
 
Theo các chuyên gia nông nghiệp, nông thôn và sản xuất nhỏ sẽ tồn tại ở Việt Nam hàng thế kỷ nữa. Do vậy, quá trình dồn điền đổi thửa, lập các trang trại lớn phải luôn nhớ rằng, nền tảng của nông thôn Việt Nam vẫn là các hộ gia đình, sản xuất nhỏ, các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.
 
Theo Điều 129 của Luật Đất đai 2013 về hạn mức giao đất nông nghiệp, ở khu vực Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, mỗi hộ gia đình, cá nhân được giao không quá 3 ha đất nông nghiệp để trực tiếp sản xuất. Các khu vực khác được giao không quá 2 ha. Đối với đất trồng cây lâu năm, hạn mức này là 10 ha đối với khu vực đồng bằng; không quá 30 ha đối với khu vực trung du, miền núi. Tại Điều 130, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không quá 10 lần hạn mức giao đất.
 
Ông Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Hiện nay, một số địa phương ‘xé rào’, đứng ra đàm phán với nông dân để thu hồi đất, cho doanh nghiệp thuê lại. Nếu chính quyền làm không tốt, người chịu thiệt chính là nông dân”.
 
Do đó, “cần phải có cơ chế bảo vệ quyền lợi cho nông dân, nhất là khi thực hiện chủ trương tích tụ ruộng đất. Nên quan niệm đất là tài sản của người dân, đối xử về quyền đó như là một tài sản bình thường, được chuyển nhượng theo cơ chế thị trường, để thị trường quyết định”, ông Thịnh nói.
 
Theo các chuyên gia, cùng với mở rộng hạn điền, cần tạo ra cơ chế để nông dân không bị mất đất, bị bần cùng hóa, đất đai không bị rơi vào tay các “địa chủ”.
 
"Một trong những mấu chốt để đảm bảo sự công bằng trong tích tụ đất đai là Nhà nước cần quan tâm đến quyền tài sản đất đai của người nông dân. Giá thị trường phải được đảm bảo. Nông dân nếu muốn rút ra khỏi nông nghiệp, có thể bán đất cho người có nhu cầu. Nếu vẫn giữ đất, họ có thể góp vốn bằng quyền tài sản đất nông nghiệp, nhưng là với giá thị trường", Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR -ĐH Kinh tế, ĐHQGHN) đề xuất.

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản:
Hạn điền có cản trở nông nghiệp phát triển?
 
Có quy định về hạn điền nhưng nhiều nơi vẫn tích tụ được ruộng đất. Ví dụ tại Bình Phước có doanh nghiệp tích tụ được tới 250 ha đất trồng điều. Ở Bình Thuận, mỗi hộ sản xuất có vài chục ha trồng thanh long là bình thường. Thậm chí Tập đoàn Minh Phú còn thuê 1.000 ha đất để nuôi tôm và cá rô phi. Do vậy, “Có phải hạn điền là mấu chốt để tích tụ ruộng đất không?”.
 
Ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương):
Nút thắt không phải là hạn điền
 
Vấn đề hạn điền hiện nay không mắc ở mức đất được giao quy định trong Luật Đất đai (tối đa 20 - 30 ha đất nông nghiệp), mà là làm sao chuyển nhượng để nâng cao mức tích tụ này. Đối với DN không có hạn chế, họ có dự án thì hoàn toàn có thể bỏ tiền ra mua đất. Vì vậy, nói rằng hạn điền cản trở cho phát triển nông nghiệp là chưa chuẩn. Ví dụ ở An Giang chỉ có 42 hộ có trên 30 ha đất, chủ yếu trồng cây lâu năm. Như vậy, số hộ vượt hạn điền không lớn, hạn điền không ngáng trở cho phát triển nông nghiệp hiện nay.





 
Hữu Vinh/Báo Tin Tức
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập350
  • Hôm nay37,008
  • Tháng hiện tại218,896
  • Tổng lượt truy cập90,282,289
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây