Theo ông Tuấn, tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn ở Nam Định, nhất là tại nhiều làng nghề từ lâu đã rất bức xúc. Điển hình như ô nhiễm môi trường kéo dài ở làng nghề sản xuất nhôm Bình Yên, xã Nam Thanh (Nam Trực) đang biến 20 ha ruộng nơi đây thành "những cánh đồng chết”. Trong số 8-10 tỷ đồng UBND tỉnh Nam Định đã phê duyệt hỗ trợ cho mỗi xã, thị trấn trong số 96 xã, thị trấn triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn đầu, có 1,2 tỷ đồng dành riêng cho việc xây dựng công trình thu gom, xử lý rác thải. Cũng theo ông Tuấn, tỉnh đã chỉ đạo các xã sử dụng số vốn hỗ trợ trên theo thứ tự ưu tiên: đầu tư làm trạm xá xã, đầu tư làm công trình xử lý rác thải rồi mới đến đầu tư làm trụ sở xã. Tuy nhiên, thực tế cho thấy 2 năm qua có rất ít xã xây dựng NTM của tỉnh đăng ký đầu tư làm công trình xử lý rác thải, phổ biến mới chỉ sử dụng nguồn vốn được hỗ trợ để nâng cấp, xây mới trụ sở xã. "Việc có ít xã ưu tiên sử dụng nguồn vốn hỗ trợ để làm công trình xử lý rác thải thể hiện nhận thức của cán bộ cơ sở về vấn đề bảo vệ môi trường còn hạn chế”-ông Tuấn bình luận. Từ đó, người đứng đầu chính quyền tỉnh Nam Định yêu cầu cán bộ xã phải có nhận thức đúng, đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng, tính cấp bách của nhiệm vụ thu gom, xử lý rác thải nông thôn. Ngay tại chuyến đi kiểm tra, ông Tuấn chỉ đạo Giám đốc sở Tài chính Nguyễn Văn Nhã khẩn trương kiểm tra, rà soát lại việc sử dụng vốn hỗ trợ xây dựng NTM của các xã. Xã nào chưa triển khai đầu tư làm công trình xử lý rác thải ông Tuấn yêu cầu Sở Tài chính giữ lại, chưa cấp số tiền 1,2 tỷ đồng cho mục đích này. Trong chuyến đi, ông Nguyễn Văn Tuấn cùng lãnh đạo một số sở, ngành đã dành thời gian tìm hiểu mô hình xử lý rác thải vừa được xây dựng tại xã Xuân Kiên (Xuân Trường) bằng công nghệ máy nghiền rác, do Công ty Tân Thiên Phú-một doanh nghiệp của địa phương chế tạo. Ngoài công nghệ này, tại một số địa phương ở Nam Định cũng đang áp dụng thử một mô hình xử lý bằng cách đốt rác. Theo đó, ông Tuấn chỉ đạo sở Tài nguyên-Môi trường chủ trì phối hợp với các Sở Khoa học-Công nghệ, Sở NN và PTNT, Sở Tài chính nghiên cứu, đánh giá tính khả thi, hiệu quả của hai mô hình trên, báo cáo UBND tỉnh sau 3 tháng tới để có căn cứ lựa chọn được mô hình phù hợp, chỉ đạo ứng dụng trên diện rộng. Trần Duy Hưng |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;