Tại cuộc họp báo cuối năm diễn ra ngày hôm qua, 27/12, Tổng cục Thống kê đã công bố bản báo cáo tràn đầy những con số lạc quan. Đạt mức tăng trưởng 2,9% trong năm nay, đóng góp 0,44 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng GDP 6,81%, theo ông Dương Mạnh Hùng, Quyền Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê), nông nghiệp một lần nữa cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ.
Ảnh minh họa |
Tuy vậy, nhìn lại trong nhiều năm vừa qua, tốc độ tăng trưởng của ngành này luôn không ổn định, liên tục trồi sụt một cách “khó đoán”. Từ đỉnh cao tăng 4,23% vào năm 2011, tốc độ tăng trưởng lĩnh vực nông lâm thủy sản giảm dần xuống mức 2,63% vào năm 2013, để rồi lại vọt lên mức 3,44% trong năm 2014, rồi thấp dần xuống mức 1,36% vào năm 2016, còn năm nay là 2,9%.
Khá nhiều chuyên gia từng tỏ ra băn khoăn về sự trồi sụt này. Với khoảng 70% dân số sống ở nông thôn, sản xuất nông nghiệp kém ổn định không chỉ tác động đến sự ổn định của tăng trưởng kinh tế nói chung, mà còn ảnh hưởng đến đời sống người dân, có khả năng phá vỡ các quy hoạch ngành mà đặc biệt là các quy hoạch về phát triển vùng nguyên liệu, vốn dĩ là cơ sở để tăng cường chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản Việt.
Tuy nhiên, có những điểm nhấn trong ngành nông nghiệp ở thời điểm hiện tại được cho là đang hình thành nên những chuyển dịch tích cực. Theo ông Hùng, điểm đáng chú ý nhất là về sản xuất. nông nghiệp đang có xu hướng dịch chuyển từ sản phẩm thông thường, dạng nguyên liệu thô sang sản phẩm chất lượng cao.
“Rau quả xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính hơn, hay tại Đồng bằng sông Cửu Long người nông dân chuyển từ trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản cho giá trị gấp nhiều lần… thì đó là hướng đi đúng”, ông Hùng nói với phóng viên Thời báo Ngân hàng.
Trong nhìn nhận của chuyên gia từ Tổng cục Thống kê nói trên, gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng cho vay nông nghiệp công nghệ cao được đưa ra rất kịp thời trong giai đoạn này. Đây có thể là một nhân tố kích thích phát triển nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị nội địa và thúc đẩy ngành này tăng trưởng bền vững hơn.
Và với ngành nông nghiệp chuyển dịch tích cực như vậy, bên cạnh đóng góp tích cực của khu vực sản xuất công nghiệp, với những Samsung, Formosa, Lọc dầu Nghi Sơn, Bình Sơn... “Việt Nam có thể đang bước vào một giai đoạn tăng trưởng mới”, Dương Mạnh Hùng hào hứng nói.
Tuy vậy, nông nghiệp không hẳn đã qua hết các thách thức trong phát triển. Hai vấn đề lớn nhất mà ngành này đang phải đối mặt hiện nay là giá nông sản nguyên liệu thấp, và rào cản kỹ thuật từ các thị trường nhập khẩu.
Chẳng hạn với mặt hàng cà phê, theo Bản tin thị trường nông lâm thủy sản số 6 mới được Bộ Công Thương phát hành, phiên giao dịch ngày 14/12/2017, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên chỉ dao động từ 35.500 - 36.300 đồng/kg, giảm khoảng 2,2% so với cuối tháng trước. Với giá cà phê như vậy, theo tính toán thì các nông hộ chỉ “lấy công nhà làm lãi”.
Trong khi đó từ tuần trước, giá hồ tiêu giảm sâu tại hầu hết các tỉnh thành.Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá hạt tiêu trong nước biến động giảm tới gần 50% so với thời điểm cuối năm 2016, do diện tích hồ tiêu trên cả nước vượt quy hoạch dẫn đến cung vượt cầu, trong khi nhu cầu thị trường hạn hẹp. Giá hạt điều cũng đang đứng trước cảnh báo có thể mất tính ổn định hiện nay, do cầu giảm…
Thị trường xuất khẩu cũng không còn toàn thuận lợi với nông sản Việt. Thông tin mới nhất từ Thương vụ Việt Nam tại Úc, trong tháng 11/2017, Bộ Nông nghiệp Úc kiểm soát và xác định 5 lô hàng từ Việt Nam có nguy cơ cao hoặc trung bình cho sức khỏe cộng đồng, gồm 2 lô hàng tôm, 2 lô hàng thịt cua và 1 lô hàng cá basa chế biến.
Những lô hàng nói trên sẽ không được phép bán tại Úc, đồng thời nhà nhập khẩu phải hủy hoặc tái xuất về nước xuất xứ dưới sự giám sát của các cơ quan chức năng Úc. Đồng thời các lô hàng tiếp theo sẽ bị kiểm tra 100% cho đến khi đạt tiêu chuẩn quy định. Còn trước đó, EU đã “phạt thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam.
Ngay cả với các mặt hàng có tăng trưởng khá về kim ngạch xuất khẩu, việc giữ thị phần cũng đang đặt ra những thách thức mới. Như với mặt hàng rau hoa quả, dù kim ngạch xuất khẩu tăng cao nhưng với thị trường chính là Trung Quốc, thị phần nhập khẩu rau hoa quả của Trung Quốc từ Việt Nam trong 10 tháng năm 2017 đã giảm 1,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2016.
Bức tranh trên cho thấy ngành nông nghiệp đang có những chuyển biến tích cực ban đầu, nhưng vẫn cần tiếp tục điều chỉnh để thích ứng với nhu cầu thị trường, tăng năng lực cạnh tranh và gia tăng giá trị nội địa.
Anh Quân
http://thoibaonganhang.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;