Phó chánh VP điều phối nông thôn mới Thanh Hóa Trần Đức Năng |
- Thưa ông, là địa phương có diện tích rộng, địa hình phức tạp và có tới 573 xã xây dựng NTM, ông cho biết một số kết quả đạt được trong thực hiện Chương trình tại Thanh Hóa?
- Đến hết năm 2016, toàn tỉnh Thanh Hóa có 180 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 31,5% số xã xây dựng NTM, đạt bình quân 14,2 tiêu chí/xã, cao hơn bình quân chung của cả nước. Theo kế hoạch năm 2017, phấn đấu có thêm 37 xã đạt chuẩn NTM, tuy nhiên, đã có 73 xã đăng ký phấn đấu đạt chuẩn NTM trong năm 2017. 9 tháng năm 2017, có thêm 48 thôn, bản được Chủ tịch UBND các huyện công nhận đạt chuẩn NTM, nâng tổng số thôn, bản đạt chuẩn NTM đến nay lên 390 thôn, bản (trong đó có 258 thôn, bản miền núi).
Ngoài huyện Yên Định được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2015, năm 2017, huyện Quảng Xương phấn đấu đạt chuẩn NTM. Hiện nay, huyện Tĩnh Gia đã được phê duyệt quy hoạch vùng huyện, 2 huyện Quảng Xương, Thọ Xuân đang triển khai, các huyện còn lại sẽ triển khai thực hiện lập quy hoạch vùng huyện theo lộ trình, kế hoạch của tỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu tiêu chí huyện NTM theo Quyết định số 558/QĐ - TTg ngày 5.4.2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong giai đoạn 2011 - 2015, Thanh Hóa huy động nguồn lực thực hiện chương trình xây dựng NTM là 32.655 tỷ đồng. Từ nguồn vốn Chương trình NTM, các xã trong tỉnh đã xây dựng được 316 trụ sở, 397 trường mầm non, 425 trường tiểu học, 370 trường trung học cơ sở, 427 trạm y tế xã, 255 nhà văn hóa xã, 2.222 nhà văn hóa thôn, 260 chợ nông thôn, 5.991,8km đường giao thông nông thôn các loại, 1.910,5km kênh mương nội đồng, 48.549 công trình nước sinh hoạt, 76.450 nhà ở dân cư...
9 tháng năm 2017, các xã đã đầu tư làm mới và nâng cấp, cải tạo 620km đường giao thông nông thôn; 136km kênh mương, 75 cống tưới tiêu các loại, 790 phòng học các cấp, 85 trạm biến áp và 315 đường dây hạ thế; 51 nhà văn hóa, khu thể thao xã, 284 nhà văn hóa thông; 16 chợ nông thôn; 45 trạm y tế; 39 trụ sở xã; 1.982 công trình cấp nước sinh hoạt; chỉnh trang, xây dựng mới 6.988 nhà ở dân cư.
Tổng nguồn lực cho Chương trình xây dựng NTM 9 tháng năm 2017 là 3.882,9 tỷ đồng. Trong đó, vốn huy động từ cộng đồng dân cư: 485,9 tỷ đồng chiếm 11,9%, gồm tiền mặt: 268,8 tỷ đồng; tham gia ngày công lao động; hiến đất, vật liệu để xây dựng công trình phúc lợi quy ra tiền: 217,1 tỷ đồng.
- Thưa ông, trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM có rất nhiều nội dung cần phải triển khai. Thanh Hóa đã chọn cách làm như thế nào để phù hợp với tình hình của địa phương?
- Trong huy động nguồn lực từ nhân dân để xây dựng NTM, quan điểm chỉ đạo được thống nhất đối với cấp ủy, chính quyền các cấp là phải triệt để bảo đảm nguyên tắc: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ. Đồng thời, phải lấy công khai, minh bạch làm đầu, phát huy tính dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện cho người dân có quyền quyết định việc sử dụng nguồn vốn do mình đóng góp, giám sát việc sử dụng nguồn vốn đó.
5 năm qua, Thanh Hóa đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp như: Chính sách thu hút doanh ngiệp đầu tư vào nông nghiệp; hỗ trợ cơ giới đồng bộ; xây dựng vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; phát triển sản xuất vùng rau an toàn tập trung, xây dựng hàng ngàn mô hình phát triển sản xuất và ngành nghề nông thôn...
Nhờ tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phát huy thế mạnh của từng địa phương nên thu nhập bình quân của người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh tăng từ 11,02 triệu đồng năm 2011 lên 20,5 triệu đồng năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 29,69% năm 2011 xuống còn 6,9% năm 2015.
- Với những kết quả đạt được thời gian qua, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, Thanh Hóa đặt những mục tiêu gì trong xây dựng NTM, thưa ông?
-Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có trên 50% số xã đạt chuẩn NTM; 5 huyện đạt chuẩn NTM; 20% số thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM; bình quân hàng năm tăng từ 1 - 1,5 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 5 tiêu chí.
UBND tỉnh cũng đã ban hành Bộ tiêu chí xã NTM tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2017 - 2020; Quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục hồ sơ xét công nhận, công bố “thôn, bản đạt chuẩn NTM” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2017 - 2020; Kế hoạch thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020.
Trong 5 năm tới, để thực hiện đạt mục tiêu xây dựng NTM, Thanh Hóa chỉ đạo các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao và phát triển bền vững. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, huy động tối đa mọi nguồn lực trong dân, kết hợp lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tại các xã, thôn, bản, đáp ứng yêu cầu tiêu chí NTM và tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.
- Xin cảm ơn ông!
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;