Thị trường xuất khẩu và kim ngạch sụt giảm ở nhiều ngành hàng do nông sản vẫn xuất thô, không thương hiệu, giá trị gia tăng thấp, chưa xứng tầm với quốc gia có nhiều sản phẩm nông sản xuất khẩu đứng trong top 5 thế giới.
Nâng cao mức độ đảm bảo an toàn đối với các loại nông sản thực phẩm tiêu dùng trong nước |
Từ năm 2016, Cộng đồng ASEAN và nhiều Hiệp định tự do hóa thương mại, hợp tác song phương, đa phương có hiệu lực, sẽ đem lại cho ngành nông nghiệp Việt Nam nhiều cơ hội tiếp cận các thị trường rộng lớn, nguồn vốn và khoa học kỹ thuật hiện đại.
Điều này, đòi hỏi DN trong ngành nông nghiệp nói chung và chế biến nông sản nói riêng phải ứng phó kịp thời trước mắt, có chiến lược và giải pháp lâu dài để hạn chế khó khăn, thách thức mà hội nhập mang lại.
Về mặt quản lý, Cục Chế biến Nông, lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) sẽ tăng cường chỉnh lý 4 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm tại các cơ sở chế biến chè, điều, rau quả, cà phê nhân; Hoàn thiện hồ sơ công bố 12 tiêu chuẩn quốc gia về rau quả; Hướng đến nâng giá trị gia tăng cho nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam ở thị trường nội địa và xuất khẩu.
Những mặt hàng nông sản xuất khẩu nổi bật của Việt Nam như cà phê, điều, chè, cây ăn quả... hiện đang phát triển tốt về diện tích và năng suất. Cụ thể, cà phê có diện tích khoảng 640.000 ha, sản lượng niên vụ 2014 - 2015 ước 1,42 triệu tấn. Cây điều có diện tích 300.000 ha, sản lượng ước đạt 400.000 tấn/năm 2015. Cây chè có diện tích khoảng 132.000 ha, sản lượng đạt khoảng 1 triệu tấn/năm 2015. Cây hồ tiêu đang phát triển nóng với diện tích khoảng 100.000 ha, sản lượng khoảng 165.000 tấn/năm 2015. Cây ăn quả diện tích khoảng 780.000 ha, sản lượng quả các loại hơn 7,8 triệu tấn/năm 2015.
Từ năm 2016, ngành nông nghiệp tập trung sản xuất, quản lý chất lượng giống cây trồng (đặc biệt là cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm), thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, là tăng cường cơ giới hóa, nhất là khâu gieo trồng, thu hoạch, bảo quản, chế biến… nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thất thoát sau thu hoạch.
Tuy năng lực chế biến của ngành tăng hàng năm và cả nước có trên 2.000 cơ sở chế biến nông sản quy mô công nghiệp đang hoạt động, nhưng trong một số lĩnh vực còn thiếu tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật về cơ sở hạ tầng, công nghệ để đảm bảo an toàn thực phẩm.
Như vậy, mặc dù đã chú trọng quy hoạch và phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến tiếp tục phát triển, nhưng về thực chất vẫn chưa đủ tầm để nông sản xuất khẩu có giá trị gia tăng cao. Về thị trường tiêu thụ, nông sản cả trong nước và xuất khẩu đều đang phát triển, mở rộng. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông sản năm 2015 đạt 13,9 tỷ USD (giảm 2,8% so với năm trước).
Tuy nhiên, khả năng cạnh tranh và hiệu quả sản xuất của một số nông sản xuất khẩu được coi là thế mạnh của Việt Nam (gạo, cà phê, cao su) chưa cao, do vẫn chịu giá bán thấp hơn so với giá sản phẩm cùng loại của các nước xuất khẩu khác. Một số sản phẩm khác bị cạnh tranh mạnh bởi hàng hóa nhập khẩu (ngô, đỗ tương, bông, thuốc lá, sản phẩm chăn nuôi…).
Về sản xuất, việc làm theo kinh tế hộ nhỏ lẻ, ruộng đất manh mún đang ngày càng bộc lộ những hạn chế, yếu kém. Bên cạnh đó, số DN hoạt động trong nông nghiệp còn ít, quy mô nhỏ, năng lực tài chính thấp, việc đổi mới các nông lâm trường quốc doanh thực hiện chậm.
Tình trạng lưu thông, sử dụng các loại vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y giả, kém chất lượng và sử dụng chất cấm trong sản xuất ngày càng tinh vi, phức tạp. Số lượng lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và hàng nông sản chưa đạt yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, song lại chậm được cải thiện.
Từ năm 2016, bên cạnh việc tập trung phát triển các loại cây trồng có thị trường tốt như điều, hồ tiêu, chè, sắn, cây ăn quả, rau, hoa… Ngành nông nghiệp sẽ đặc biệt chú trọng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là đối với rau, quả, chè… Đối với thị trường trong nước, tiếp tục hướng dẫn nông dân áp dụng các quy trình sản xuất an toàn, phối hợp xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
Cùng với đó, tập trung xử lý cơ bản vấn đề sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, nâng cao mức độ đảm bảo an toàn đối với các loại nông sản thực phẩm tiêu dùng trong nước. Ở thị trường xuất khẩu, ngành nông nghiệp tiếp tục giải quyết vướng mắc về rào cản an toàn thực phẩm của các thị trường xuất khẩu, giúp đỡ DN đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu. Song song với đó, là thúc đẩy công tác đàm phán, thỏa thuận với các nước nhập khẩu công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa.
Thanh Trà
http://thoibaonganhang.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã