Tuy nhiên, điều quyết định thành công của nền sản xuất nông nghiệp lại đến từ lợi thế cạnh tranh, luôn biến động theo các điều kiện kinh tế-xã hội của toàn cầu và mỗi quốc gia. Lợi thế cạnh tranh bao gồm các yếu tố là rào cản thị trường đầu vào và rào cản thị trường đầu ra, cải cách thể chế, sự chuyển dịch của lao động và sự cọ xát giữa các doanh nghiệp. Các yếu tố này sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh cho mỗi quốc gia, doanh nghiệp, trong các lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp.
Ngày nay, sự chuyển động của thị trường, thị hiếu sử dụng thực phẩm của con người sẽ quyết định tới việc chúng ta phải sản xuất, nuôi trồng những loại cây, con gì để đáp ứng. Con người ngày nay có xu hướng ăn uống ít đi nhưng phải ngon hơn. Ai có đủ sức đáp ứng được thị hiếu này thì sẽ thắng, sẽ có lãi. Muốn vậy phải tạo ra được những lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm mà mình định làm.
Quay lại câu chuyện một quốc gia có thể tạo ra được lợi thế cạnh tranh mới mà từ trước tới nay chưa bao giờ có. Ở Việt Nam, ngành sữa là một ví dụ. Thương hiệu TH True Milk đã làm thay đổi lợi thế so sánh của Việt Nam với các thương hiệu lớn từ nước ngoài.
Việt Nam không có đủ đất cho chăn nuôi quy mô lớn, thiếu đất cho xử lý môi trường, năng suất sản xuất sữa, ngô thấp, thiếu nguồn giống bò sữa trong khi nhu cầu sữa của chúng ta rất lớn. Khi đó, TH True Milk đã nhập bò giống và công nghệ sản xuất sữa, ứng dụng công nghệ quản trị hiện đại của nước ngoài về nên đã “biến không thành có”. Đây là cách làm sáng tạo để thay đổi lợi thế so sánh khi mà chúng ta có nhu cầu thị trường tốt, cộng thêm việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất.
Hay như doanh nghiệp Nafoods ở Nghệ An, hiện đang chiếm giữ 10% thị phần nước chanh leo cô đặc trên toàn thế giới. Doanh nghiệp này đã nhập giống cây chanh leo tím về, lai tạo giống ở trong nước cho hương thơm hơn, vị ngọt hơn, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng thế giới.
Hiện nay, kỹ thuật, công nghệ không còn là điều quá phải lo lắng khi chúng ta có thể mua bán công nghệ thoải mái trên thị trường quốc tế để ứng dụng vào sản xuất trong nước. Về vốn, với những ngành hàng có tiềm năng thì cũng không phải là chuyện khó, bởi nhà đầu tư sẵn sàng bỏ vốn, huy động thêm tiền miễn là nhìn thấy tiềm năng.
Ngược lại, có những mặt hàng từ trước tới nay chúng ta nghĩ có lợi thế, nhưng khi xuất hiện những nhà cung cấp mới, trong khi chi phí nhân công của ta lại cao hơn trước thì không còn lợi thế nữa. Ví dụ lúa gạo, đúng là Việt Nam có lợi thế về tự nhiên, lao động nên xuất khẩu thật nhiều, hàng đưa ra nhiều quá nên không bán được. Trong khi đó, khi giá phân bón, thuốc trừ sâu tăng lên thì giá gạo Việt Nam còn cao hơn giá gạo của Thái Lan, nhưng chất lượng không cao hơn.
Trang trại bò sữa của TH True Milk. Ảnh: thmilk.vn |
Khi thị hiếu thay đổi thì chúng ta nhận biết được sự thay đổi đó như thế nào để điều chỉnh sản xuất ở trong nước?
TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn: Thị hiếu của thị trường là dài hạn. Các tổ chức kinh tế đã đưa ra dự báo cho sản xuất nông nghiệp của thế giới trong dài hạn là nhu cầu lúa gạo sẽ giảm xuống từ từ và sẽ tăng dần nhu cầu về thịt, rau, quả, thủy sản, sữa, cà phê...
Điều quan trọng là từ các mặt hàng cần tập trung sản xuất ấy, phải thấy được từng phân khúc của mỗi sản phẩm để tập trung đầu tư, thu lợi nhuận cao nhất. Ví dụ như mặt hàng cá tra, ngoài phi lê thì da, mỡ, xương... có thể sử dụng làm dầu, thức ăn chăn nuôi, phụ gia thực phẩm... Từ các phân khúc đó, phải tính toán tiềm năng nhu cầu của thị trường trong tương lai, giá cả biến động như thế nào. Sau đó phải đánh giá lại thực trạng sản xuất ở Việt Nam và so sánh với quốc gia sản xuất các phân khúc đó tốt nhất thế giới. Nếu bây giờ ta áp dụng công nghệ sản xuất mới vào tốt hơn họ thì mới làm, nếu không tốt hơn thì dừng lại.
Chúng tôi đã có một đề án nghiên cứu phát triển ngành mây tre đan của Việt Nam cách đây 4 năm, khi so sánh với nước có năng lực sản xuất tốt nhất là Trung Quốc. Đây là thị trường toàn cầu có nhiều tiềm năng, khi doanh thu tăng từ 7 tỉ USD năm 2005 tới hơn 11 tỉ USD vào 2010.
Giá nguyên liệu đầu vào và giá nhân công của Trung Quốc cao hơn Việt Nam tương ứng là 100 USD/tấn, 150 USD/tháng còn Việt Nam là 40 USD/tấn và 100 USD/tháng. Tuy nhiên, giá thành phẩm của Việt Nam lại cao hơn Trung Quốc nên không cạnh tranh được.
Nguyên nhân là ta dùng cả một cây tre để sản xuất ra tăm, ván sàn, mành rèm, chiếu mà không phân loại ra như Trung Quốc. Còn với Trung Quốc, họ phân loại cành ngọn thì làm tăm, đũa, thân giữa thì làm tấm ép, đồ mộc, gốc thì làm đồ mộc... Do đó, chất lượng thành phẩm tốt hơn, giá trị cao hơn và đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Để cạnh tranh được, chúng ta cần sự đầu tư trong dài hạn, bài bản bởi để đạt được như ngày nay, người Trung Quốc phải mất 30 năm chuẩn bị.
Vậy điều quan trọng là chúng ta phải nhìn ra phân khúc thị trường đối với từng sản phẩm?
TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn: Đúng vậy. Biết được phân khúc thị trường và có công nghệ thì chúng ta sẽ thành công. Nhìn ra xu hướng và tiếp cận thị trường là công việc của đội ngũ chuyên gia phân tích thị trường, của doanh nghiệp, doanh nhân. Họ mới có đủ điều kiện và đủ sức về quản trị, khả năng thích ứng để tổ chức sản xuất.
Còn vai trò của Nhà nước ở đâu trong mối liên kết sản xuất này?
TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn: Nhà nước phải tạo ra môi trường kinh doanh ổn định để doanh nhân, doanh nghiệp khởi sự, cho phép nhập khẩu công nghệ thông thoáng hơn, tạo điều kiện về mặt bằng, hạ tầng để doanh nghiệp có cơ sở sản xuất. Nhà nước cần hỗ trợ ban đầu về ứng dụng, chuyển giao công nghệ của doanh nghiệp, đào tạo lao động. Khi kêu gọi đầu tư vào các dự án phát triển nông nghiệp, Nhà nước phải đấu thầu công khai, lựa chọn được những doanh nghiệp có năng lực nhất. Nhà nước chỉ cần làm như vậy thôi.
Ở Việt Nam, có tỉnh Đồng Tháp, An Giang làm tốt việc hỗ trợ sản xuất, thúc đẩy tìm kiếm thị trường cho doanh nghiệp thì chẳng bao giờ sợ ứ hàng. Hai tỉnh này làm việc với các hiệp hội để kết nối với thị trường Trung Quốc. Khi đưa doanh nghiệp đi xúc tiến thì đã cầm sẵn hợp đồng rồi, chỉ sang đấy để ký thôi. Từ đó, doanh nghiệp cập nhật được thị trường này cần loại gạo gì, loại trái cây nào, nhập số lượng bao nhiêu, trong thời gian nào. Khi đó, hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp sẽ “xui” nông dân nuôi trồng vào từng thời điểm thích hợp thì mới “thoát” hàng được.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Thành Chung (thực hiện)
theo chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;