Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, sau 30 năm đổi mới và hội nhập, Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về các mặt hàng như gạo, cao su, cà-phê, hạt điều và thủy sản... Cùng với những hoạt động được triển khai trong nước, Việt Nam đang tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng với việc tham gia đàm phán, ký kết thêm nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và liên khu vực. Năm 2015, Việt Nam đã ký FTA với Hàn Quốc và Liên minh kinh tế Á-Âu, kết thúc đàm phán FTA với Liên minh Châu Âu (EU) và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Bối cảnh hội nhập sâu rộng này đã tạo thêm nhiều cơ hội và cả thách thức cho nền kinh tế Việt Nam, trong đó bao gồm cả ngành Nông nghiệp. Hàng nông sản Việt Nam có cơ hội tiếp cận nhiều thị trường mới, được hưởng các ưu đãi về thuế quan, nhưng cũng phải chịu sức ép cạnh tranh ngày càng lớn ở cả thị trường trong và ngoài nước.
Đại biểu tham dự Hội thảo quốc tế “Nâng cao hiệu quả hợp tác nông nghiệp trong giai đoạn mới của hội nhập quốc tế”. |
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định từ 3-4%/năm; xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng từ 4,2 tỷ USD năm 2000 lên gần 31 tỷ USD năm 2014, trong đó có 10 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD/năm. Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực, tạo nhiều việc làm, thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển khoa học cộng nghệ... tạo tiền đề quan trọng cho việc giữ vững ổn định xã hội và nâng cao đời sống cho người nông dân.
Tại hội thảo, PGS-TS Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, hội nhập quốc tế đã mang lại nhiều cơ hội cho ngành nông nghiệp, nhưng Việt Nam cần phải liên tục cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh; tăng cường sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, bộ, ngành trong nghiên cứu ban hành chính sách cũng như tổ chức thực hiện; xây dựng tư duy tổng thể, hệ thống và đồng bộ trong tiếp cận thị trường và chú trọng nâng cao nhân tố con người trong tham gia hội nhập quốc tế... đại biểu Trần Công Thắng đến từ Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn phân tích: TPP sẽ mang lại nhiều cơ hội cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam như: Rau quả, thủy sản, mía đường, chăn nuôi... do phần lớn đều được xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu hoặc sơ chế nên có mức thuế suất thấp. Tuy nhiên, các mặt hàng này cũng sẽ phải đối mặt với sức ép cạnh tranh ngày càng lớn từ những sản phẩm cùng loại có ưu thế về công nghệ chế biến, giá thành và nguồn gốc xuất xứ của các nước khác.
Các đại biểu đã tập trung thảo luận một số chủ đề như: Thương mại nông nghiệp giữa Việt Nam và Nhật Bản, thành tựu, khó khăn và giải pháp; Thúc đẩy thương mại nông nghiệp Việt Nam - Đức; Giải pháp thúc đẩy thương mại nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới của hội nhập quốc tế; Thách thức của nông sản địa phương trong tiếp cận thị trường nước ngoài...
Thu Thủy
http://cadn.com.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã