Từ xóa cầu khỉ
Cách đây khoảng mười năm, trước thực trạng khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) có hàng chục nghìn "cầu khỉ" cần xóa bỏ. Với vai trò tiên phong, xung kích, T.Ư Ðoàn đã đề xuất Ðảng, Chính phủ triển khai Chương trình thanh niên xóa "cầu khỉ" xây dựng cầu nông thôn mới ở khu vực này.
Ðể bảo đảm hiệu quả chương trình, những cán bộ Ðoàn ngày ấy đã xin thực hiện thí điểm xóa khoảng 400 "cầu khỉ" trên địa bàn sáu tỉnh: Cà Mau, Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre và Kiên Giang. Kết quả thật hơn mong đợi, ngay trong ba năm đầu thực hiện, với số vốn đầu tư chỉ vẻn vẹn 72 tỷ đồng (thời điểm năm 2000 - 2002), trong đó vốn Trung ương hỗ trợ 36 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng địa phương, đã có hơn 500 cầu mới được hoàn thành đưa vào sử dụng, vượt kế hoạch dự kiến hơn 110 cầu. Sở dĩ có kết quả ngoài mong đợi là do trong quá trình thực hiện chương trình còn huy động thêm được hàng chục tỷ đồng đóng góp của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội. Nhất là thông qua phong trào "Mùa hè xanh tình nguyện", nhiều đoàn viên, thanh niên tại các Trường đại học Giao thông vận tải, Bách khoa từ TP Hồ Chí Minh đã về các tỉnh ÐBSCL để trực tiếp tham gia khảo sát, thiết kế các mẫu cầu phù hợp từng vùng, miền mà không nhận một đồng tiền công nào.
Từ kết quả này, năm 2003, Chính phủ đã cho phép triển khai mở rộng chương trình ra toàn khu vực ÐBSCL với tổng mức đầu tư gần 200 tỷ đồng để xây mới 1.000 cầu trên địa bàn 516 xã của 122 huyện, thị xã trực thuộc 15 tỉnh, thành phố. Với tổng chiều dài hơn 27,5 km, trong đó có 325 cầu tải trọng một tấn, 435 cầu tải trọng 1,3 tấn, 234 cầu tải trọng 2,8 tấn và sáu cầu tải trọng năm tấn. Ðược tận mắt chứng kiến hiệu quả từ những cây cầu do thanh niên đảm nhận, nhiều địa phương như Cà Mau, Bạc Liêu, Long An, Cần Thơ, Bến Tre... còn tin tưởng bổ sung vốn cho Tỉnh Ðoàn làm chủ đầu tư thực hiện thêm các dự án giao thông nông thôn khác. Thậm chí nhiều cấp bộ Ðoàn còn vượt qua khuôn khổ của chương trình, huy động hàng chục tỷ đồng trong nhân dân, hàng chục nghìn ngày công lao động của thanh niên và kết hợp sử dụng vật liệu tại chỗ của địa phương để tự xóa "cầu khỉ". Nhờ vậy, đã có hàng chục nghìn "cầu khỉ" được thay thế, cùng với hàng trăm ki-lô-mét đường giao thông nông thôn được nâng cấp, mở rộng, góp phần tạo nên diện mạo mới cho nông thôn khu vực ÐBSCL.
Ðến xây cầu "thanh niên"
Những cây cầu, con đường mang dấu ấn Thanh niên trên vùng sông nước Cửu Long tuy quy mô không lớn, giá trị đầu tư không cao, nhưng mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rõ rệt. Ðó là tạo điều kiện cho người dân trong vùng đi lại thuận tiện, an toàn, góp phần mở rộng lưu thông hàng hóa, xóa bỏ ngăn cách giữa các vùng, miền. Ðây cũng là điều kiện để Chính phủ cho phép Ðoàn thanh niên được tiếp tục thực hiện nhiều Chương trình xóa "cầu khỉ" tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long và nhiều dự án trọng điểm khác, nhất là những công trình ở vùng sâu, vùng xa, nơi biên giới, hải đảo. Như các công trình trên các đảo thanh niên Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Cồn Cỏ (Quảng Trị), hay tham gia xây dựng dự án đường Hồ Chí Minh... Mới đây nhất là Ðề án xây dựng 450 cầu nông thôn tại các tỉnh miền núi phía bắc, miền trung, Tây Nguyên, với tổng vốn đầu tư gần 325 tỷ đồng.
Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, để triển khai Ðề án cầu nông thôn một cách hiệu quả, các cấp bộ Ðoàn cần phối hợp các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư bảo đảm đúng mục đích, đúng địa chỉ, tránh lãng phí thất thoát. Trước hết, việc xây dựng cầu tại các vùng quê phải phù hợp quy hoạch giao thông nông thôn tại địa phương được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp chưa nằm trong quy hoạch, nhưng do yêu cầu cấp bách phải được bổ sung vào quy hoạch trước khi quyết định đầu tư. Trong đó tập trung ưu tiên xây dựng cầu tại các điểm sông, suối, kênh, mương giao cắt đường giao thông nối giữa các thôn, bản, hoặc từ thôn, bản đến trung tâm xã, thị trấn, trường học, trạm y tế, khu sản xuất tập trung có nguy cơ mất an toàn, cản trở giao thông trong mùa mưa lũ.
Bên cạnh việc bố trí nguồn vốn của Nhà nước dành cho các địa phương, cần huy động sức mạnh tổng hợp từ các tổ chức xã hội, người dân, nhất là động viên nhân dân đóng góp ngày công lao động, hiến đất đai, hoa màu phục vụ giải phóng mặt bằng thi công xây dựng cầu, làm đường dẫn bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình. Ðồng thời, xây dựng cơ chế quản lý, sử dụng, duy tu bảo dưỡng công trình sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng, nhằm phát huy tác dụng thiết thực của các cây cầu "thanh niên" tại những vùng quê nghèo.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;