Lâu lắm tôi mới có dịp về lại Phước Long. Trước hôm đi, tôi điện thoại cho người bạn trước đây là Chánh văn phòng UBND xã Phong Thạnh Tây. Anh phấn khởi: “Ông cứ chạy thẳng xuống, không phải qua đò nữa. Bây giờ hổng còn xã Phong Thạnh Tây. Tui hiện là Phó Bí thư Đảng ủy xã Phong Thạnh Tây B rồi”. Hóa ra, Phong Thạnh Tây đã tách thành 2 xã. Dạo đó - cách đây gần 5 năm - vùng phía Bắc QL1A còn khó khăn. Huyện Hồng Dân vừa tái lập mỗi năm thu ngân sách chưa đến 10 tỉ đồng, trong khi Phong Thạnh Tây đã thu đến 12 tỉ đồng. Ấy nhưng, đường về Phong Thạnh Tây còn gồ ghề khó đi, chủ yếu đi bằng tàu, ghe.
Bây giờ trở lại, tìm đỏ mắt chẳng thấy đâu cánh đồng năn, rẫy khóm với những chú cá chốt nhỏ xíu, trắng tươi. Ông Lê Văn Tần - cán bộ Ban Tổ chức Huyện ủy, nay là Bí thư Đảng ủy xã Phong Thạnh Tây A - cười vui: “Bây giờ nông dân có cho đất nghỉ ngơi đâu. Hết con tôm sú mùa nước mặn, hễ rớt hột mưa là sạ lúa. Bà con còn thả tôm càng xanh trong ruộng. Năm rồi, tôm càng, tôm sú, tôm thẻ đều trúng mùa, được giá. Cây lúa cũng vươn cao oằn bông. Xã bé bé như Phong Thạnh Tây A này, năm 2013 thu ngân sách trên 60 tỉ đồng chớ chẳng chơi”.
Tại một quán nhậu ở ấp 8A - nơi mà cách nay 10 năm từ Bạc Liêu tôi tìm xuống mất đến 1 ngày đường - chị chủ quán đon đả: “Bây giờ mà hổng trồng lúa trên đất tôm chỉ có thất bại. Em bán quán này nên rành lắm, ông nào... cương lên coi thường cây lúa, nuôi tôm hoài hổng trúng được đâu!”. Nông thôn Phước Long đã thay đổi đến lạ. Lạ với từng hàng rào, cây xanh quanh sân nhà; từng con đường, thửa ruộng... Những cách đồng hoang, rẫy khóm; những chiếc cầu lắc lẻo đã là dĩ vãng. Người nông dân đã bắt đầu tính đến chuyện thương mại, dịch vụ, tiêu thụ hàng hóa và tự vươn lên trên chính mảnh đất từ bàn tay, khối óc của mình.
Tự hào chen lẫn nỗi lo
Là huyện chỉ đạo điểm của Trung ương về xây dựng NTM, Phước Long vừa tự hào, vừa lo lắng. Đây là mô hình khá mới mẻ, 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí NTM có những tiêu chí lại chưa thật phù hợp với vùng sông nước Cửu Long. Ông Phan Thành Đông - Chủ tịch UBND huyện - nhớ lại: “Khi triển khai thực hiện NTM, chúng tôi xác định phải làm thật tốt, hiệu quả”. Qua 3 năm xây dựng NTM, Phước Long đã đầu tư trên 870 tỉ đồng từ nhiều nguồn; trong đó người dân đóng góp trên 114 tỉ đồng. Hiện huyện đã hoàn thành 127km đường giao thông ấp liền ấp; 213km đường bê tông ngõ xóm, 14km bờ kè, 110/216 cầu bê tông... Ông Trần Hoàng Duyên - Bí thư Huyện ủy, Trưởng ban Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện - cho biết, huyện có 1 xã đã hoàn thành xã NTM, 4 xã đạt 15/19 tiêu chí. Năm 2014 sẽ có 5/7 xã đạt 19/19 tiêu chí, 2/7 xã đạt 18/19 tiêu chí.
Dù người dân đồng tình, hưởng ứng nhưng xây dựng NTM tại Phước Long vẫn còn nhiều khó khăn. Chẳng hạn như, 106 cây cầu bê tông cốt thép còn phải xây dựng với nguồn kinh phí lớn, trong khi ngân sách có hạn. Giao thông nông thôn đã thực hiện, song việc trùng tu, bảo dưỡng đòi hỏi phải thường xuyên. Ông Lê Văn Tần lo lắng: “Hiện xã thu ngân sách hàng năm trên 63 tỉ đồng, thu nhập bình quân đầu người gần 30 triệu, nhưng vẫn phải lo an sinh xã hội. Trường, trạm cần phải nâng cấp đúng chuẩn. Điều này vượt khả năng vận động của xã”.
Phước Long đã gần hoàn thành hệ thống trung tâm văn hóa xã và có đến 59 trụ sở nhà văn hóa ấp (cần thêm 8 trụ sở), nhưng phần lớn đất xây dựng do người dân hiến nên hầu hết không nằm trên trục giao thông thuận tiện. Cơ sở vật chất của hệ thống nhà văn hóa ấp còn lèo tèo, chưa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân. Có trụ sở chỉ sinh hoạt vài lần dù đưa vào sử dụng đã hơn 1 năm. Thấy được những hạn chế trong xây dựng NTM, Phước Long mạnh dạn tập trung xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả cao, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp có hàm lượng công nghiệp, thay đổi mạnh cơ cấu lao động trong nông nghiệp... nhằm gúp người dân có cuộc sống khá hơn trước khi tập trung đầu tư thiết chế văn hóa ấp...
Nhật Hồ
Nguồn laodong.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;