Ông Lê Văn Trinh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa cho biết, vấn đề quan trọng nhất trong xây dựng NTM là tạo ra những giá trị mới của nông thôn. Trước hết, để có một nông thôn hiện đại phải có giá trị mới về kinh tế, tổ chức cộng đồng tiên tiến và người nông dân phải có tính năng động, tự chủ. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó, đòi hỏi sự cố gắng rất lớn, sự vào cuộc quyết liệt hơn của Đảng bộ và nhân dân toàn xã. Nắm bắt lợi thế là huyện có đất đai, thổ nhưỡng khá màu mỡ, nông, lâm, ngư nghiệp, thủy sản phát triển tương đối ổn định, trong đó đồi rừng được coi là thế mạnh tiềm năng của huyện, năm 2012, huyện đã phát triển, xây dựng mới 318 trang trại theo tiêu chí của huyện, nâng tổng số trang trại vừa và nhỏ lên 782 trang trại. Từ kinh tế trang trại, nguồn thu nhập của các hộ dân trong huyện đã được nâng lên rõ rệt.
Sở dĩ, kinh tế hộ trên địa bàn huyện phát triển ổn định và có chiều hướng cải thiện, trước hết phải kể đến sự đồng tỉnh, ủng hộ, nhất trí của toàn thể người dân. Đây chính là lực lượng nòng cốt trong phong trào thi đua, xây dựng NTM với phương châm “công khai, dân chủ, dân biết, dân bàn, dân thụ hưởng”.
Các tuyến đường nông thôn ở Thạch Thành đã được bê tông hóa
Nhờ những chiến lược phát triển và đổi mới của chính quyền địa phương nên đời sống nhân dân huyện Thạch Thành đã đổi thay rõ nét. Trong huyện, nhiều gia đình đã có xe ôtô để đi, hầu hết các hộ gia đình có nhà ngói khang trang và sắm đầy đủ các đồ dùng trong gia đình như xe máy, ti vi, con cái được học hành đàng hoàng. Chính vì thế, phong trào thi đua “chung sức xây dựng NTM” trên địa bàn huyện Thạch Thành diễn ra sôi động, nhân dân đã tự nguyện góp của, góp công, không ngần ngại khi hiến hàng nghìn mét vuông đất để xây dựng các công trình phục vụ NTM, tiêu biểu như các xã: Thành Minh, Thạch Tân, Thành Trực, Thành Tâm… với tổng diện tích đất lên đến 23.000m2 để làm đường giao thông nông thôn.
Ngoài ra, tại xã miền núi thuộc vùng bán sơn địa xã Thành Trực, ở đây chủ yếu là người dân tộc Mường sinh sống. Với quỹ đất nông nghiệp ít ỏi, đời sống người dân tộc gặp nhiều khó khăn nhưng được sự vận động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, đã có 76 hộ hiến hơn 4.000m2 đất để mở đường giao thông, giải tỏa cây lưu niên có giá trị kinh tế cao như mít, nhãn lồng… mà không đòi hỏi phải đền bù.
Sau 2 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, Thạch Thành được công nhận là 5 huyện, thị, thành phố dẫn đầu về phong trào thi đua “lấy dân làm gốc, do dân và vì dân”. So với 19 tiêu chí NTM theo Bộ tiêu chí Quốc gia thì hiện nay huyện Thạch Thành đã đạt 12/19 tiêu chí và có 17 xã đạt 10/19 tiêu chí. Toàn huyện đã huy động từ sức dân 66 tỷ đồng, trong đó xây dựng giao thông nông thôn 41,6 tỷ đồng, xây dựng trường học 5,2 tỷ đồng, xây dựng nhà văn hóa 0,7 tỷ đồng và nước sạch vệ sinh môi trường 4 tỷ đồng.
Với những kết quả đạt được cộng với sự đồng lòng, dốc sức cho một Thạch Thành phát triển, thời gian tới, huyện Thạch Thành tiếp tục chỉ đạo các xã hoàn thành dồn điền, đổi thửa; đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhằm chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp; ưu tiên phát triển kinh tế, khu thương mại trung tâm, đường giao thông, thủy lợi. Đây sẽ là tiêu chí trong xây dựng NTM của huyện để đưa Thạch Thành ngày một phát triển, là huyện NTM văn minh, hiện đại.
La Giang
thiduakhenthuongvn.org.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;