Về xã Bảo Lý dịp này, diện mạo NTM hiện ra trước mắt chúng tôi là nhiều tuyến đường bê tông rộng rãi, những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, các công trình văn hóa, giáo dục được xây dựng khang trang… Ông Dương Văn Thế, Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã có 12 xóm với trên 1.700 hộ dân, đời sống của bà con phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp nên còn gặp nhiều khó khăn. Khi triển khai thực hiện Chương trình XDNTM, xã mới đạt 6 tiêu chí. Do không phải là xã điểm nên ngay từ đầu địa phương đã xác định sự ưu tiên hỗ trợ của Nhà nước sẽ không được nhiều như các xã điểm, muốn thực hiện thành công Chương trình này chỉ có cách dựa vào sức dân là chính. Trong số 13 tiêu chí NTM chưa đạt của xã thì đường giao thông và cơ sở vật chất văn hóa là 2 tiêu chí được coi là khó thực hiện nhất đối với Bảo Lý. Bởi trước khi thực hiện Chương trình, hệ thống giao thông trên địa bàn có đến 90% là đường đất, chưa đáp ứng tốt nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân. Về cơ sở vật chất văn hóa thì xã chưa xây dựng được trung tâm văn hóa thể thao; các xóm tuy đã có nhà văn hóa nhưng diện tích còn hẹp, nhiều công trình đã bị xuống cấp. Với một địa phương còn nhiều khó khăn như Bảo Lý, để thực hiện được hai tiêu chí này cần có thời gian dài và phải huy động được sự ủng hộ tích cực của bà con. Vì vậy đây chính là 2 tiêu chí được xã ưu tiên triển khai thực hiện ngay từ đầu...
Để “khơi nguồn” đóng góp từ nhân dân, xã tích cực tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức như: Thông qua các buổi họp, hội nghị của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, qua hệ thống loa truyền thanh các xóm, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, hội diễn, cuộc thi tìm hiểu về XDNTM… qua đó, giúp người dân nhận thức rõ về lợi ích của việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tầm quan trọng của người dân trong thực hiện hai tiêu chí trên nói riêng và thực hiện Chương trình XDNTM nói chung để người dân tự nguyện góp sức, góp của. Kết quả, đến nay 100% đường trục xã, liên xã và gần 70% đường trục thôn, liên thôn ở Bảo Lý đã được cứng hóa; 12/12 xóm có nhà văn hóa được xây mới và nâng cấp cơ bản đạt chuẩn NTM; Trung tâm văn hóa và thể thao xã đã được xây dựng trên diện tích gần 6.000m2. Kinh phí thực hiện hai tiêu chí này là hơn 35 tỷ đồng, trong đó số tiền do nhân dân đóng góp là trên 10 tỷ đồng, ngoài ra còn có hàng chục nghìn mét vuông đất được người dân tự nguyện hiến để mở rộng các công trình xây dựng hạ tầng. Những xóm huy động tốt sự vào cuộc của người dân có thể kể đến là: Đồng Áng, Cầu Gỗ, Vạn Già… Từ khi hạ tầng giao thông được đầu tư xây dựng, việc đi lại, giao thương hàng hóa của người dân thuận tiện hơn rất nhiều. Do đó, ngày càng có nhiều mô hình kinh tế hiệu quả xuất hiện tại địa phương, đời sống của người dân được nâng lên đáng kể. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo ở Bảo Lý đã giảm từ trên 18% (năm 2010) xuống còn 6%, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 24 triệu đồng/năm, tăng 14 triệu đồng so với 5 năm trước…
Khác với Bảo Lý, xã Thanh Ninh lại chọn tiêu chí về thu nhập để bắt đầu cho công cuộc đổi mới diện mạo nông thôn. Giải thích về điều này, ông Nguyễn Văn Đĩnh, Chủ tịch UBND xã Thanh Ninh cho biết: Khi người dân ổn định kinh tế, nâng cao đời sống vật chất thì tâm lý sẽ thoải mái hơn, việc triển khai thực hiện những tiêu chí khác cũng sẽ dễ dàng hơn. Trước năm 2010, thu nhập bình quân đầu người ở xã mới đạt hơn 9 triệu đồng/người/năm, tuy là xã thuần nông nhưng bà con chưa phát huy hết được thế mạnh nông nghiệp. Việc chăn nuôi chủ yếu thực hiện theo hình thức nhỏ lẻ, còn trồng trọt thì hầu như vẫn chỉ có hai cây trồng chủ lực là lúa và ngô nhưng do ít được tập huấn khoa học kỹ thuật nên năng suất chưa cao, bà con chưa biết cách quy hoạch thành những vùng sản xuất hay thực hiện việc gieo trồng theo những cánh đồng mẫu lớn. Để giúp người dân phát triển kinh tế, tuyên truyền, vận động bà con tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để nâng cao hiệu quả kinh tế, mạnh dạn đầu tư cho việc phát triển trang trại, gia trại được xã Thanh Ninh ưu tiên hàng đầu. Cùng với đó, xã đã tăng cường phối hợp với các đơn vị như: Trạm Khuyến nông, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện tổ chức các lớp tập huấn khoa học về chăn nuôi trồng trọt cho người dân, tổ chức các đoàn đi học hỏi kinh nghiệm ở những mô hình sản xuất hiệu quả tại các địa phương trong và ngoài tỉnh cho cán bộ nông nghiệp, các trưởng xóm để về tuyên truyền lại cho bà con.
Đặc biệt, xã Thanh Ninh còn thực hiện tốt việc liên kết “4 nhà” (Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà nông, nhà khoa học) trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dưa chuột xuất khẩu nhằm nâng cao giá trị sản xuất trên một diện tích canh tác và tăng thu nhập cho người nông dân…. Nhờ sự hưởng ứng tích cực của bà con trong xã, cách làm trên đã tạo ra những bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp ở Thanh Ninh. Điều đó thể hiện qua việc những cánh đồng mẫu lớn xuất hiện ngày càng nhiều trong các vụ mùa, các mô hình đem hại hiệu quả kinh tế cao như trồng dưa chuột xuất khẩu, trồng ớt, mô hình trồng lúa, cần kết hợp thả cá… đã được người dân thực hiện nhân rộng, số lượng trang trại, gia trại tăng lên đáng kể, hiện toàn xã có 42 trang trại, gia trại (tăng gấp đôi so với năm 2010), thu nhập bình quân đầu người đạt gần 24 triệu đồng/năm...
Khi đời sống của người dân được nâng lên, bộ mặt nông thôn ở Thanh Ninh đã thay đổi thấy rõ, điều đó chúng tôi cảm nhận được qua hình ảnh những ngôi nhà to đẹp “mọc” lên khắp các xóm, trên các cánh đồng rau, củ, thương lái cho ô tô vào tận ruộng để thu mua, vấn đề bảo vệ môi trường được bà con tích cực hưởng ứng bằng việc không vứt rác bừa bãi và xây dựng bể chứa rác thải ngay tại gia đình… Ông Nguyễn Văn Khương, ở xóm Phú Thanh 2, xã Thanh Ninh chia sẻ: Chương trình XDNTM được triển khai ở xã đã khiến cho diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc và đã tạo được niềm tin cho nhân dân khi đời sống của bà con ngày càng được nâng lên. Vì vậy, mỗi người dân trong xã đều tự ý thức được trách nhiệm của mình để cùng chung tay xây dựng xã nhà thêm giàu đẹp.
Với tinh thần đoàn kết thống nhất cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân 2 xã Bảo Lý và Thanh Ninh đã làm nên những kết quả nổi bật trong Chương trình XDNTM. Tất cả mọi việc đều hướng đến mục đích của sự bền vững và sự hài lòng của người dân, đây cũng chính là biểu hiện sinh động, rõ nét nhất về sức mạnh đoàn kết đúng như lời Bác Hồ đã từng dạy “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã