Huyện ủy, UBND huyện Trực Ninh đã ban hành nghị quyết lãnh đạo, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM. Huyện thành lập Ban chỉ đạo các cấp; triển khai kế hoạch của UBND huyện tới các ban, ngành, đoàn thể, lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND các xã, thị trấn. Phát động phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng NTM”; tập trung đôn đốc, chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng và tổ chức thực hiện đề án, chương trình, kế hoạch xây dựng NTM. Lựa chọn phương pháp, lộ trình phấn đấu thực hiện theo từng nội dung, tiêu chí, gắn với các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Chỉ đạo tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, nhất là về nhận thức, quan điểm, mục tiêu, giải pháp thực hiện. Cùng với việc làm tốt công tác tổ chức bộ máy chỉ đạo xây dựng NTM, huyện cũng xác định công tác tuyên truyền là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Trực Ninh đã chỉ đạo các phòng, ban, MTTQ và các tổ chức đoàn thể từ huyện đến cơ sở tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền qua hệ thống Đài phát thanh huyện, Đài truyền thanh các xã; qua các lớp học tập, quán triệt nghị quyết, chuyên đề, tập huấn; qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của từng cơ quan, đơn vị… Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, nhận thức của nhân dân được nâng lên, tạo nên sức mạnh tổng hợp và sự đồng thuận cao trong quá trình tổ chức thực hiện. Trong những năm qua, tổng vốn huy động xây dựng NTM của toàn huyện đạt 1.718 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 838 tỷ đồng, các doanh nghiệp 67,4 tỷ đồng, con em xa quê hương 6,7 tỷ đồng… Thông qua dồn điền đổi thửa, các hộ nông dân trong huyện còn góp trên 320ha đất nông nghiệp để xây dựng các công trình phúc lợi công cộng; hiến 0,232ha đất thổ cư, 0,978ha đất thổ canh, 3,25ha đất nông nghiệp làm đường giao thông.
Cty TNHH Kiara Garments Việt Nam tại Thị trấn Cát Thành (Trực Ninh) tạo công ăn, việc làm cho trên 600 lao động địa phương. |
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM thực sự đã mang lại hiệu quả tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Đến nay, diện mạo Trực Ninh có nhiều đổi thay rõ rệt, kinh tế tăng trưởng khá, cơ cấu có sự chuyển dịch tích cực; sản xuất phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao, tạo niềm tin vững chắc trong nhân dân. Toàn bộ hệ thống giao thông trên địa bàn huyện gồm: quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ và các trục đường liên xã, liên thôn, xóm đã cơ bản đảm bảo theo chuẩn NTM. 4/5 trường THPT đạt chuẩn quốc gia. Trung tâm Y tế huyện đảm bảo các yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị và cán bộ; 100% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Trung tâm văn hóa - thể dục - thể thao - du lịch hoạt động có hiệu quả, kết nối được hoạt động của các xã, thị trấn. Huyện đã phát động nhân dân trồng gần 100km đường hoa; 100% số xã, thị trấn có bãi xử lý, lò đốt rác tập trung; thành lập các tổ, đội thu gom rác thải thường xuyên hoạt động, đảm bảo vệ sinh môi trường; các cơ sở sản xuất kinh doanh, làng nghề đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng NTM” cùng với các phong trào xây dựng “Làng văn hóa”, “Gia đình văn hóa”… được phát động, triển khai sâu rộng và được các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, khơi dậy trong các tầng lớp nhân dân tinh thần đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo, chung sức xây dựng NTM. 391/391 thôn, xóm trong toàn huyện đã hoàn thành xây dựng và triển khai thực hiện hương ước, quy ước phù hợp với thực tế của từng địa phương. Việc cưới từng bước được tổ chức đơn giản, gọn nhẹ; việc tang được tổ chức văn minh, tiến bộ, một số hủ tục đã dần được loại bỏ…
Song song với việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đời sống, văn hóa, Trực Ninh cũng xác định phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là nội dung cốt lõi trong xây dựng NTM. Huyện đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng NTM. Toàn huyện đã xây dựng 23 cánh đồng lớn sản xuất theo chuỗi giá trị, trồng lúa chất lượng cao BT7, Nếp đặc sản cho hiệu quả kinh tế cao. Đẩy mạnh thu hút đầu tư, liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân tích tụ ruộng đất, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; tạo ra một số mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp hữu cơ; hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản có quy mô lớn và hiệu quả kinh tế cao, ổn định, như: Cty TNHH Cường Tân sản xuất giống lúa lai F1; Cty TNHH Toản Xuân sản xuất gạo sạch BT7; Cty CP Rau quả sạch Ngọc Anh sản xuất rau, củ, quả sạch… có truy xuất nguồn gốc, chất lượng tốt, cung ứng cho thị trường các thành phố lớn và xuất khẩu. Chăn nuôi tiếp tục phát triển theo hướng trang trại, gia trại tập trung quy mô vừa và nhỏ, đảm bảo an toàn dịch bệnh; thành lập các doanh nghiệp chăn nuôi với công nghệ tiên tiến như: Cty TNHH Chăn nuôi Phúc Hải, HTX Chăn nuôi đa dạng sinh học Trực Thái… Huyện đã xây dựng quy hoạch 20 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung tại 16 xã, thị trấn với tổng diện tích 395ha, nhằm thu hút các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đầu tư sản xuất. Phát triển CN-TTCN, dịch vụ được Trực Ninh xác định là khâu đột phá, nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, nâng cao đời sống nhân dân. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 3 CCN; trong đó có nhiều nhà đầu tư nước ngoài như: Cty TNHH Giầy Amara Việt Nam, Cty May Shin Myung First Vina, Cty TNHH Sung Won Vina, Cty TNHH Kiara Garments Việt Nam... Huyện có 9 làng nghề với trên 3.000 hộ sản xuất, kinh doanh, thu hút trên 6.000 lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập và đóng góp quan trọng vào thực hiện chương trình xây dựng NTM. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn của Trực Ninh năm 2017 đạt 40,73 triệu đồng/người, tăng 28,53 triệu đồng/người so với năm 2010…
Đạt được danh hiệu huyện NTM là niềm vinh dự, tự hào, song cũng đặt ra cho Trực Ninh những thách thức mới trong việc giữ vững và nâng cao “chất lượng” của từng tiêu chí. Thực tế cho thấy, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn còn chậm; sản xuất nông nghiệp phát triển chưa bền vững, tỷ trọng nông sản hàng hóa chưa cao; chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất; việc thu hút nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp vào nông thôn còn hạn chế; ở một số xã chất lượng quy hoạch, kết quả thực hiện một số tiêu chí chưa cao, chưa thật sự bền vững… Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Đại Thắng, để hoàn thành các tiêu chí trở thành huyện NTM đã khó, việc giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí, từng bước xây dựng Trực Ninh đạt chuẩn NTM kiểu mẫu lại càng khó hơn. Vì vậy, sau khi đạt chuẩn huyện NTM, Trực Ninh sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM phát triển bền vững. Tiếp tục quản lý tốt các quy hoạch đã được phê duyệt. Từng bước nâng cao chất lượng hạ tầng cơ sở đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư phát triển sản xuất, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và đầu tư vào các làng nghề. Đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng NTM. Chăm lo, tôn tạo, làm đẹp cảnh quan môi trường. Thực hiện tốt quy chế, hương ước, quy ước hoạt động của thôn, làng văn hóa trong việc cưới, việc tang, hình thành nếp sống văn minh trong khu dân cư. Phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tranh thủ nguồn lực đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế để nâng cao năng lực khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Thường xuyên chăm lo xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phục vụ tốt yêu cầu của nhân dân, doanh nghiệp. Giải quyết tốt các khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở, không để khiếu kiện đông người, vượt cấp. Thực hiện tốt các giải pháp đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần để NTM phát triển bền vững, từng bước trở thành NTM kiểu mẫu./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh/baonamdinh.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã