Học tập đạo đức HCM

Tiếp vốn cho các mô hình kinh tế liên kết

Chủ nhật - 05/04/2015 20:59
Kinh tế hộ gia đình từ lâu đã trở thành hạt nhân phát triển kinh tế tại nhiều địa phương, địa bàn nông nghiệp và nông thôn (NNNT). Nhiều hộ gia đình thay vì tự phát, làm ăn rải rác đã tìm đến với nhau, hợp tác tạo nên các mô hình kinh tế liên kết, tập trung.

Các mô hình liên kết hiệu quả đã góp phần tạo nên sức mạnh trên con đường phát triển kinh tế và trở thành một trong những tâm điểm để các ngân hàng tìm đến, dành một nguồn vốn cho vay đáng kể.

Tìm kiếm các mô hình hiệu quả

Trang trại của gia đình chị Ðỗ Thị Nhàn (xóm 5, thôn Duyên Hà, xã Ðông Kinh, Ðông Hưng, Thái Bình) đang trở thành một trong những mô hình làm ăn có hiệu quả nổi bật, được nhiều bà con trong vùng học hỏi. Với số vốn vay ban đầu từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Ðông Hưng 50 triệu đồng để chăn nuôi từ năm 2004, lần hồi làm ăn, năm 2012 chị mạnh dạn vay thêm 200 triệu đồng để mở rộng sản xuất, đầu tư làm trang trại chăn nuôi lợn, gà và đào ao thả cá. Hiện nay, trang trại nhà chị có diện tích 4.500 m2, hằng năm xuất bán lợn, gà, cá đem lại thu nhập khá cao, như năm vừa qua dù kinh tế khó khăn nhưng chị vẫn thu lãi 70-80 triệu đồng. Chị Nhàn chia sẻ, nhờ nguồn vốn vay ban đầu, cùng sự tin tưởng, hỗ trợ kịp thời của ngân hàng nên những ý tưởng sản xuất, kinh doanh của chị "như được chắp thêm cánh", từ đó kinh tế gia đình cũng được củng cố và ngày càng phát triển.

Do mô hình phát triển chăn nuôi và kinh tế trang trại được chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho nên nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Ðỗ Văn Khải, chủ trang trại ở thôn Duyên Hà (xã Ðông Kinh, huyện Ðông Hưng) cho biết: Trong quá trình phát triển trang trại, gia đình anh được địa phương dành nhiều ưu tiên, hỗ trợ. Hai năm nay, anh được Ngân hàng Agribank tạo điều kiện cho vay 300 triệu đồng làm vốn. Ngoài hai ao cá có diện tích hơn bốn sào, hiện gia đình anh có gần 100 con lợn, 150 con gà. Năm vừa qua, gia đình anh thu nhập khoảng 450 triệu đồng, trừ các loại chi phí thu lãi khoảng 100 triệu đồng.

Bên cạnh các mô hình phát triển chăn nuôi, kinh tế trang trại, mô hình sản xuất rau an toàn,... các khu quy hoạch làng nghề truyền thống, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả cũng được các ngân hàng tìm kiếm và quan tâm đầu tư vốn. Xưởng mộc của gia đình anh Nguyễn Văn Thuyết (xóm 7, xã Hải Vân, huyện Hải Hậu, Nam Ðịnh) là một trong những địa chỉ như vậy. Hiện nay anh đang có dư nợ tại Agribank là 1,5 tỷ đồng với lãi suất 9%/năm. Trong đó, 500 triệu đồng anh dành để đầu tư sản xuất, kinh doanh và một tỷ đồng để đầu tư xây dựng thêm một xưởng sản xuất và chế biến gỗ. Theo anh Thuyết, xã Hải Vân từ lâu nổi tiếng với nghề làm mộc nên cùng với gia đình anh, rất nhiều hộ dân trong vùng cũng phát triển kinh tế gia đình từ nghề này. Hoạt động được hơn bảy năm, hiện xưởng gỗ của anh tạo việc làm thường xuyên cho 10 - 15 lao động, thu nhập bình quân từ 8 đến 9 triệu đồng/người/tháng. Với sản phẩm tiêu thụ trong vùng và vươn ra các địa phương khác như Quảng Ninh, Hải Phòng,... anh Thuyết tin tưởng năm nay việc làm ăn của gia đình sẽ tiếp tục phát triển. Do vậy, anh có ý định vay thêm vốn ngân hàng để mở rộng quy mô sản xuất.

Ðẩy mạnh cho vay vùng sản xuất tập trung, liên kết

Hiệu quả các mô hình kinh tế ở khu vực NNNT đã được khẳng định và được nhiều cấp bộ, ngành, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo, đầu tư để phát triển bền vững. Trong quá trình đầu tư, nhân rộng các mô hình, ngoài tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vay vốn ngân hàng, nhiều địa phương đã quy hoạch vùng sản xuất xa dân cư để vừa bảo đảm vệ sinh môi trường, vừa hình thành các khu kinh tế tập trung. Ðơn cử như tại huyện Ðông Hưng, địa phương đã quy hoạch hai xã Ðông Cường và Ðông Kinh hình thành nên những khu kinh tế trang trại. Xã Ðông Kinh hiện có khoảng hơn 50 trang trại hoạt động khá hiệu quả. Chủ trang trại Ðỗ Văn Khải (thôn Duyên Hà, xã Ðông Kinh) cho biết: Mô hình quy hoạch thành vùng, theo từng vị trí tại xã đã có từ khoảng mười năm nay. Tại đây, các gia đình đã biết liên kết với nhau để cùng sản xuất, từ việc mua cái gì, bán ở đâu, mua nguyên liệu nào,... "Việc hợp tác này rất có lợi. Chỉ tính riêng việc mua thức ăn cho chăn nuôi, nếu trước đây mạnh ai nấy mua thì nay chúng tôi đã tập hợp lại, cùng nhau mua thẳng từ nhà máy về chứ không qua đại lý bán lẻ. Như năm vừa qua, theo tính toán việc mua tận gốc này giúp chúng tôi tiết kiệm được 70 triệu đồng, từ đó cũng giảm chi phí đi rất nhiều", anh Khải cho hay.

Xưởng mộc của anh Nguyễn Văn Thuyết ở xã Hải Vân (Hải Hậu, Nam Định) tạo việc làm cho hơn 10 lao động.

Ðồng quan điểm khi đánh giá cao việc liên kết các mô hình kinh tế, Giám đốc Agribank chi nhánh Ðông Hưng Nguyễn Mạnh Tường cho biết: Với việc quy hoạch riêng từng vùng kinh tế chăn nuôi, các khu trang trại theo từng vị trí phù hợp cho thấy sự quản lý của chính quyền địa phương đối với sự phát triển kinh tế hộ gia đình đã có sự chặt chẽ hơn. Chính quyền địa phương sau khi có quy hoạch riêng tại hai xã, từng khu kinh tế đã có những chỉ đạo hướng dẫn bà con phát triển trang trại, có chính sách ưu đãi tạo điều kiện cho bà con được lựa chọn vị trí đất phù hợp, hỗ trợ di dời giải phóng mặt bằng, hỗ trợ thuế,... Từ đó, ngân hàng cũng yên tâm hơn trong việc thẩm định cho vay bởi "Buôn có bạn, bán có phường". Hằng năm, cán bộ ngân hàng xuống gặp gỡ các hộ trang trại để giao lưu, trao đổi, tìm hiểu kế hoạch, dự định sản xuất, kinh doanh. Và khi kế hoạch, dự định được cả khu trang trại đồng tình thì sự gắn bó phát triển rất bền vững.

Tháo gỡ vướng mắc, khơi dòng tín dụng

Có thể nói, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp đang phải nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh thì việc các ngân hàng hướng tầm nhìn tới khu vực NNNT cũng là điều dễ hiểu. Song như chia sẻ của không ít lãnh đạo ngân hàng, việc cho vay khu vực NNNT không hề dễ dàng như là "cá vào trong ao chỉ chờ tát". Bởi lẽ, cho vay lĩnh vực NNNT phần lớn là các món vay nhỏ lẻ, chi phí hoạt động cao trong khi lợi nhuận ít, chưa kể những rủi ro về thiên tai, dịch bệnh mang lại,... cho nên dù chú ý nhưng thật sự có rất ít ngân hàng mạnh dạn cho vay. Hiện nay, giữ vai trò chủ đạo cho vay khu vực này vẫn thuộc về hai ngân hàng là Agribank và Chính sách xã hội. Chính vì vậy, mặc dù tiềm năng cho vay khu vực NNNT vẫn lớn nhưng việc đáp ứng nguồn vốn cho khu vực này vẫn không như mong đợi.

Theo Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Thái Bình Ðỗ Quang Vinh, hiện nay dư nợ cho vay của chi nhánh đối với khu vực NNNT chiếm tới 93% tổng dư nợ, đạt gần 5.900 tỷ đồng. Tính đến ngày 16-3, tổng nguồn vốn của chi nhánh đạt hơn 9.100 tỷ đồng, tăng 5,1% so với đầu năm; dư nợ đạt hơn 6.100 tỷ đồng, giảm 168 tỷ đồng (tương đương 2,9%) so với đầu năm. "Vốn thừa, vậy đầu tư tập trung cho NNNT như thế nào để vừa phù hợp kinh tế địa phương, vừa hiệu quả, an toàn cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng?" - đó là băn khoăn không riêng của ông Ðỗ Quang Vinh mà còn là nỗi lo lắng của phần lớn các lãnh đạo ngân hàng hiện nay. "Chúng tôi vẫn xác định cho vay NNNT là chủ đạo, trong đó chú trọng cho vay kinh tế hộ. Nhưng chúng tôi cho vay có chọn lọc, thông qua việc tìm kiếm các mô hình kinh tế làm ăn có hiệu quả; qua các hội nông dân và phụ nữ để kết hợp cho vay theo tổ liên kết", ông Ðỗ Quang Vinh chia sẻ một trong những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong tăng trưởng tín dụng.

Ngoài ra, việc chung tay tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách tín dụng cũng góp phần không nhỏ giúp người dân thuận tiện hơn trong tiếp cận nguồn vốn. Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Nam Ðịnh Cao Thị Oanh cho biết: Việc mở rộng tín dụng trên địa bàn nông thôn theo Nghị định 41/2010/NÐ-CP ngày 12-4-2010 của Chính phủ đang gặp không ít khó khăn do Nghị định chưa điều chỉnh đối với các hộ sản xuất nông nghiệp ở khu vực thị trấn, ven đô nên đã hạn chế tăng trưởng tín dụng đối với các đối tượng này. Ðơn cử như tỉnh Nam Ðịnh, nhiều nơi như thị trấn Cồn, thị trấn Yên Ðịnh,... có cả một xã nông nghiệp chiếm tới hơn 70% cơ cấu kinh tế trong địa bàn. Nhưng những người dân nơi đây lại không được thụ hưởng chương trình bởi vì họ ở thị trấn, không thuộc diện được cho vay.

Nhằm tháo gỡ những vướng mắc này, được biết hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng và trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, thay thế Nghị định số 41. Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Tiến Ðông cho biết, đây sẽ là cơ hội để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp thông qua các hình thức cho vay chuỗi liên kết, ứng dụng công nghệ cao... Theo đó, có một số điều chỉnh thay đổi quan trọng như: Ðối tượng tham gia được mở rộng tới các hộ ven đô, thành thị. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đầu vào như cung cấp giống, phân bón, thuốc trừ sâu,... và đầu ra như thu mua sản phẩm (cà-phê, cao-su, lúa gạo,...) đều được tính là doanh nghiệp đầu tư vào NNNT chứ không nhất thiết phải có trụ sở tại khu vực này...

Hiện nay tại nhiều quốc gia trên thế giới, việc liên kết trong sản xuất, kinh doanh luôn được khuyến khích và nhân rộng. Trong bối cảnh hội nhập, kinh tế hộ gia đình với quy mô nhỏ, manh mún, thiếu liên kết đang dần suy yếu, thiếu sức cạnh tranh. Việc xây dựng thành công mô hình liên kết là một trong những giải pháp quan trọng cho sự phát triển đi lên của ngành nông nghiệp. Và việc hướng dòng tín dụng vào các mô hình liên kết này đang trở thành một trong những giải pháp quan trọng được các ngân hàng đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới.

 

BÀI VÀ ẢNH: HỒNG ANH
theo nhandan
 
 
 
 
 Tags: kinh tế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập196
  • Máy chủ tìm kiếm12
  • Khách viếng thăm184
  • Hôm nay34,417
  • Tháng hiện tại228,102
  • Tổng lượt truy cập87,583,172
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây