Học tập đạo đức HCM

Vốn tín dụng thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp

Thứ tư - 31/08/2016 08:40
Nhờ có nguồn vốn từ các NHTM tham gia vào chuỗi liên kết, các mô hình sản xuất chuỗi đã có hiệu quả rõ rệt.

Tính đến thời điểm hiện nay, tại một số địa phương như Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Đồng Tháp, nhờ có sự kết hợp của nhiều chính sách và sự vào cuộc mạnh mẽ của các sở ngành (trong đó có ngành NH) nên quá trình tái cơ cấu nông nghiệp đã đạt được kết quả khá tích cực.

Mô hình sản xuất nông nghiệp bước đầu đã có sự chuyển dịch từ nền sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang hình thức sản xuất hàng hóa lớn, hình thành được các chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp – NH với chính quyền và người nông dân; nâng cao được giá trị sản xuất và lợi nhuận từ sản xuất nông nghiệp.

Ngân hàng bước sâu vào liên kết chuỗi

Ghi nhận tại Đồng Tháp có thể thấy rõ sự chuyển biến của hoạt động sản xuất kinh doanh nông sản tại địa phương này.

Cụ thể, với việc tập trung vào 5 mặt hàng chủ lực là: lúa gạo, xoài, hoa kiểng, cá tra và vịt, Đồng Tháp đã lần lượt xây dựng nhiều mô hình sản xuất khép kín, quy mô lớn có sự liên kết giữa DN với các hợp tác xã và các hộ nông dân. Chỉ trong vòng 3 năm, diện tích xoài của Đồng Tháp tăng lên gần 800 ha, diện tích hoa kiểng tăng 138%. Trong khi đó sản lượng cá tra tính đến cuối năm 2015 cũng nhảy vọt lên mức trên 400.200 tấn/năm, dẫn đầu khu vực ĐBSCL.

Các địa phương vay vốn theo chuỗi giá trị nhiều nhất là các tỉnh dẫn đầu về tái cơ cấu nông nghiệp

Khi Đồng Tháp hình thành được các liên kết chuỗi giá trị sản xuất nông sản khép kín thì cơ hội tiếp cận vốn tín dụng từ các NHTM cũng trở nên khá thuận lợi.

Nhớ thời điểm tháng 5/2014 khi NHNN triển khai Quyết định 1050 của Thủ tướng Chính phủ về cho vay thí điểm đối với các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, ngay lập tức các dự án chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ cá tra của nhóm Công ty Hùng Cá  đã được VietinBank Đồng Tháp phê duyệt cho vay gần 1.200 tỷ đồng; dự án cánh đồng lúa gạo liên kết của Công ty TNHH Lộc Anh cũng đã được NCB duyệt cho vay 980 tỷ đồng.

Nhờ có nguồn vốn từ các NHTM tham gia vào chuỗi liên kết, các mô hình sản xuất chuỗi đã có hiệu quả rõ rệt. Thu nhập tăng thêm trên 1 ha đất trồng trọt tại địa phương đã đạt khoảng 10 triệu đồng/năm và thu nhập từ 1 ha nuôi trồng thủy sản đã tăng khoảng 3,2% so với thời điểm trước khi thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp.

Tương tự, tại Lâm Đồng, các NHTM cũng tham gia rất mạnh vào chuyển dịch cách thức tổ chức sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

Vào tháng 7/2014, trong đợt ký kết lần thứ 2 của chương trình cho vay theo chuỗi, Agribank huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng đã cam kết cho Công ty Trường Hoàng vay 80 tỷ đồng để đầu tư dây chuyền sản xuất nước chanh dây và đầu tư nhà kính trồng hoa lan.

Tiếp đó, một loạt các DN, hợp tác xã rau an toàn như Công ty Phong Thúy, Đà Lạt GAP, Cao Nguyên, HTX Xuân Hương, Anh Đào, Tân Tiến,… đã được các NHTM trên địa bàn Lâm Đồng rót vốn hình thành các mô hình sản xuất khép kín có liên kết với các địa phương khác tại khu vực Đông Nam bộ.

Thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cho thấy, tính đến hiện nay sau gần 2 năm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, các NHTM đã cho vay vào khu vực nông nghiệp – nông thôn đạt trên 21.000 tỷ đồng, tăng gần 3.700 tỷ đồng so với thời điểm cuối tháng 7/2015. Trong vòng từ nay đến năm 2020, Lâm Đồng sẽ cần khoảng 7 tỷ đồng để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó nguồn vốn tín dụng từ các NHTM sẽ chiếm khoảng 3 tỷ đồng (42,2%). Điều này cho thấy vốn tín dụng có vai trò rất lớn trong hoạt động chuyển dịch nền kinh tế nông nghiệp tại địa phương.

Nhiều vốn cho các mô hình hiệu quả

Giữa tháng 6/2016, trong chuyến thăm và làm việc với chính quyền tỉnh Đồng Tháp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các địa phương học tập, nhân rộng cách thức tái cơ cấu nông nghiệp theo cách làm của Đồng Tháp.

Chỉ đạo này của Thủ tướng gần như tái khẳng định chủ trương tiếp tục đầu tư mạnh vào Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của Chính phủ. Trong đó cốt lõi là đổi mới tổ chức sản xuất, đẩy mạnh hợp tác – liên kết – thị trường, đặc biệt là liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Điều này cũng chứng tỏ rằng, Chính phủ sẽ tiếp tục tạo điều kiện và khuyến khích phát triển các dự án chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp.

Từ khuyến khích này, trong thời gian 2016-2020, hàng loạt các địa phương sẽ đẩy mạnh hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn. Các mô hình tương tự như 40 dự án đã được các NHTM trên địa bàn cả nước tham gia cho vay vốn theo Nghị quyết 14/2013 của Chính phủ chắc chắn sẽ được các tỉnh, thành nhân lên gấp bội.

Trong bối cảnh đó, vào thời điểm đầu năm 2016, NHNN đã cam kết sẽ cụ thể hóa các quy định của chương trình cho vay thí điểm phục vụ sản xuất nông nghiệp để bổ sung vào Nghị định 55, sau đó nhân rộng thực hiện cho vay trên phạm vi toàn quốc. Do vậy, trong vòng 1-2 năm tới, rất có thể phần lớn dư nợ tín dụng dành cho lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn sẽ tập trung vào các mô hình nông nghiệp liên kết sản xuất lớn.

Khi đó, hàng loạt các NHTM sẽ tham gia trực tiếp vào các dự án sản xuất nông nghiệp để cho vay và quản lý dòng tiền theo quy trình chuỗi gối đầu khép kín. Hoạt động tái cơ cấu nông nghiệp dựa trên cơ chế tích tụ ruộng đất và phát triển các mô hình sản xuất lớn hiệu quả, theo đó sẽ có điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng tốt hơn, thường xuyên và ít rủi ro hơn.

Tính đến tháng 6/2016, 8 NHTM đã giải ngân trên 6.930 tỷ đồng đối với các dự án tham gia chương trình cho vay thí điểm theo chuỗi giá trị nông nghiệp (theo Nghị quyết 14/2013 của Chính phủ); vượt khoảng 1,3 tỷ đồng so với số tiền các NH đã cam kết cho vay ban đầu (khoảng trên 5.600 tỷ đồng).

Các địa phương như Nghệ An, Đồng Tháp, An Giang là những địa phương có nhiều dự án tham gia chương trình cho vay thí điểm theo chuỗi giá trị nông nghiệp được vay vốn với hạn mức cao nhất. Đây cũng là những địa phương có quá trình tái cơ cấu nông nghiệp diễn ra mạnh mẽ hơn cả trên phạm vi cả nước.

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập280
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại778,963
  • Tổng lượt truy cập93,156,627
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây