Diện mạo mới thôn Đồng Doong, xã Minh Cầm - thôn NTM của huyện Ba Chẽ.
Phát huy sức mạnh của toàn dân
Với đặc thù là huyện miền núi, Ba Chẽ có đến hơn 90% diện tích rừng và đất lâm nghiệp, đất sản xuất nông nghiệp ít, manh mún, nhỏ, lẻ. Địa hình đồi núi, chia cắt. Toàn huyện có 8 đơn vị hành chính gồm 7 xã, 1 thị trấn, trong đó 6/7 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, 1 xã khu vực II (xã Lương Mông). Tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm trên 80%, dân số khu vực nông thôn chiếm 79%.
Chính vì thế, trong quá trình thực hiện xây dựng NTM, huyện Ba Chẽ luôn được đánh giá sẽ gặp nhiều khó khăn. Thời điểm năm 2015, huyện có 34,7% hộ nghèo, 16,4% hộ cận nghèo, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn thấp (17,5 triệu đồng). Một bộ phận cán bộ, nhân dân còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự trợ giúp của Nhà nước và xã hội.
Nhận thức rõ những khó khăn, thách thức đó, huyện Ba Chẽ đã không ngừng nỗ lực, phát huy sức mạnh tổng lực của toàn dân, biến nguy thành cơ. Nhờ đó, chương trình xây dựng NTM của huyện đã được thực hiện chủ động, tích cực, với sự tham gia của các tổ chức, đoàn thể, các tầng lớp trong xã hội.
Ông Nguyễn Minh Sơn, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ cho biết: 5 năm vừa qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng NTM của huyện luôn được đổi mới theo hướng rõ việc, rõ trách nhiệm. Huyện cũng thực hiện phân cấp quản lý về hạ tầng, phát triển sản xuất, tạo sự chủ động cho cơ sở. Đi cùng với đó, công tác tuyên truyền về xây dựng NTM cũng được huyện quan tâm chỉ đạo đổi mới cả nội dung, phương thức nên huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, làm thay đổi cơ bản nhận thức, cách nghĩ, cách làm của cán bộ, nhân dân, tạo không khí xây dựng NTM phấn khởi, đồng bộ tại các xã.
Đáng chú ý, huyện Ba Chẽ đã chú trọng đến việc quy hoạch vùng sản xuất tập trung, định hướng rõ cây, con chủ lực trong phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương, phát triển sản phẩm tham gia chương trình OCOP.
Đồng thời, huyện từng bước sản xuất các sản phẩm chủ lực theo quy mô lớn và thu hút một số doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn. Từ đó, nhân dân trên địa bàn huyện đã tích cực thực hiện các dự án phát triển sản xuất, qua đó có hàng nghìn hộ dân thoát nghèo và bền vững.
Mô hình nuôi ếch thương phẩm của thanh niên xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ.
Hết năm 2020 có 7/7 xã đạt chuẩn NTM
Theo số liệu của UBND huyện, giai đoạn 2015-2020, tổng các nguồn vốn mà huyện đã huy động lên tới trên 1.120 tỷ đồng. Trong đó, nguồn xã hội hóa là 150,4 tỷ đồng (chiếm 13,4%). Năm 2019, thu nhập của người dân khu vực nông thôn đạt 37,5 triệu đồng/người/năm, tăng 20 triệu đồng so với năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2019 còn 2,13% (giảm 32,56% so với năm 2015).
Hệ thống giao thông nông thôn được quan tâm đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo sự thuận lợi cho người dân. Đến nay, đường trục xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện được cứng hóa 71 km (tăng 16 km so với năm 2015). Đường trục thôn, xóm được cứng hóa 55,5 km (tăng 39,5 km so với năm 2015).
Hệ thống thủy lợi cũng được đầu tư xây dựng đáp ứng được yêu cầu sản xuất và dân sinh. 85% diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới chủ động (tăng 118ha so với đầu nhiệm kỳ). Cùng với đó, hệ thống trường học các cấp trên địa bàn các xã được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, phục vụ sự nghiệp phát triển giáo dục đào tạo của huyện. Đến nay đã có 17/21 trường đạt chuẩn về cơ sở vật chất (tăng 8 trường so với năm 2015).
Đàn bò của gia đình ông Chu Vĩnh Hợp, thôn Hồng Tiến, xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ.
Đến hết năm 2019, toàn huyện có 6/6 xã, 49/49 thôn đặc biệt khó khăn đã hoàn thành mục tiêu chương trình 135, về đích trước 1 năm so với lộ trình. Dự kiến, hết năm 2020, huyện sẽ có 7/7 xã đạt chuẩn NTM (trong đó 6 xã hoàn thành chương trình 135, đồng thời đạt chuẩn NTM).
Có thể thấy, diện mạo nông thôn ở Ba Chẽ đã ngày càng thay đổi rõ nét. Đời sống nhân dân được cải thiện. Ông Nguyễn Minh Sơn, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện khẳng định: Giai đoạn 2020-2025, huyện Ba Chẽ vẫn tiếp tục xác định xây dựng NTM là quá trình lâu dài, thường xuyên, liên tục, gắn với phát triển KH-XH vùng đồng bào DTTS theo hướng bền vững. Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế nông thôn, hướng tới sản xuất nông nghiệp sạch và an toàn sinh học cùng với phát triển công nghiệp, dịch vụ nông thôn.
Anh Chìu Quý Nguyên, dân tộc Dao, thôn Đồng Dằm, xã Đạp Thanh, thoát nghèo từ mô hình nuôi gà. Ảnh: Cao Quỳnh
Phấn đấu đến năm 2025, huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 50% số xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 80% số thôn đạt chuẩn NTM.
Theo Lan Anh/quangninh.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã