Theo ghi nhận, hiện có nhiều doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trong sản xuất, kinh doanh, tư vấn và lắp đặt hệ thống tưới.
Trong đó, có 9 doanh nghiệp và 18 HTX nông nghiệp đã được Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai duyệt xây dựng 32 dự án cánh đồng lớn liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản cho hiệu quả khả quan; đặc biệt là cánh đồng lớn đối với cây ca cao của Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức, hay cây mía của Nhà máy Đường Biên Hòa – Trị An, cây lúa và bắp của HTX Thương mại- Dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Trưởng phòng Thủy lợi và Phòng chống thiên tai tỉnh Đồng Nai cho biết: “Một số dự án cánh đồng lớn đã nghiệm thu xong, như dự án cây điều tại xã An Viễn đã nghiệm thu giống và dự án cánh đồng lớn ca cao trồng xen điều đã nghiệm thu hệ thống tưới nước tiết kiệm”.
Theo ông Ngọc, các mô hình ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm trong sản xuất rau và hoa màu đã góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng năng suất, sản lượng cây trồng, tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Điển hình như Công ty Trang trại Việt ở ấp Gia Hòa, xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc, với diện tích sản xuất 2,5 ha trồng rau, dưa lưới trong nhà màng, nhà kính theo tiêu chuẩn GlobalGAP, ứng dụng công nghệ tưới Israel kết hợp với hệ thống tự động làm mát có thể trồng các loại rau ôn đới, giá trị sản xuất bình quân đạt từ 4-5 tỷ đồng/ha.
Thời gian gần đây, nhiều hộ trồng sầu riêng tại xã Nhân Nghĩa, huyện Cẩm Mỹ cũng đã áp dụng hệ thống tưới “3 trong 1” cho vườn sầu riêng, mang lại hiệu quả rõ rệt. Hệ thống này bao gồm tưới nước, phun thuốc và bón phân, qua đó đã góp phần giảm công lao động, chi phí thuốc BVTV.
Ông Đỗ Lương Ý, chủ vườn 3 ha sầu riêng tại xã Nhân Nghĩa, đã áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm kết hợp phun thuốc, bón phân tự động, do ông học hỏi được ở miền Tây, sau đó về cải tiến từ hệ thống tưới nước tiết kiệm, gắn thêm hệ thống phun thuốc tự động.
Phía trên ông gắn 1 máy bơm hỏa tiễn công suất 5 ngựa, 3 dàn lọc, dây dẫn nước, béc phun và bồn 1.000 lít để pha dung dịch phân bón hoặc thuốc BVTV, tổng đầu tư khoảng 80-100 triệu đồng/ha.
Hệ thống tưới đa năng “3 trong 1” trên cây sầu riêng, ban đầu chỉ vài hộ mạnh dạn đầu tư, nhưng khi thấy hiệu quả rõ rệt nên đã có gần 30 hộ của xã Nhân Nghĩa đầu tư hệ thống tưới này.
Theo các nhà vườn, trước đây họ tốn nhiều chi phí, thời gian tưới nước, phun thuốc trừ sâu và bón phân. Tuy nhiên, từ khi lắp đặt được hệ thống tưới “3 trong 1”, chỉ cần ấn nút và điều chỉnh van khóa là nước, phân bón, thuốc sẽ được tưới đều khắp cây. Sau khoảng 30 phút đã tưới bón xong, tiết kiệm thời gian, chi phí, sức lao động.
Hệ thống tưới, bón phân, phun thuốc tự động không chỉ giúp bà con tiết kiệm chi phí sản xuất, mà còn giúp chăm sóc cây trồng được tốt hơn, hạn chế sâu bệnh kịp thời, góp phần tăng năng suất vườn sầu riêng. Ngoài ra, hệ thống tưới này còn có thể lắp đặt cho nhiều loại cây ăn quả khác nhau.
Sử dụng hệ thống điều khiển không tiếp xúc trực tiếp với thuốc BVTV vào cơ thể, nên không ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Do vậy, nông dân đang tích cực áp dụng cách làm mới vào sản xuất để thay đổi tập quán, hướng tới hiện đại hóa nền nông nghiệp.
Tại buổi làm việc với Tổng cục Thủy lợi, lãnh đạo huyện Định Quán cho biết, địa phương đã triển khai hỗ trợ lắp đặt các mô hình tưới tiết kiệm cho các hộ dân từ năm 2009. Ban đầu thực hiện chủ yếu trên cây cà phê và xoài, sau đó tiếp tục hỗ trợ người dân thực hiện trên một số loại cây trồng khác như tiêu, bưởi da xanh, mít.
Chi phí lắp đặt hệ thống tưới cho 1ha khoảng hơn 27 triệu đồng. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ 30%, vốn đối ứng của hộ dân 70%. Từ hiệu quả của mô hình đã góp phần nhân rộng việc ứng dụng tưới tiết kiệm ra toàn huyện.
Đến nay, tổng diện tích cây trồng được áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm của huyện đạt hơn 9.500 ha, chiếm trên 26% tổng diện tích cây trồng.
Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế thấy rằng, do huyện Định Quán có địa hình đồi núi xen lẫn trảng bằng nên ảnh hưởng nhất định đến việc triển khai hệ thống tưới tiết kiệm.
Có những khu vực, người dân khoan giếng xuống tận 120 mét vẫn không có nước. Chỉ khu vực nào có giếng khoan mới triển khai được hệ thống tưới tiết kiệm. Ngoài ra, do tự lắp đặt, cũng có tình trạng người dân lãng phí nguồn nước ngầm.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, kết quả sau 5 năm thực hiện kế hoạch phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn, đến nay tỉnh có 131 công trình thủy lợi đang hoạt động, gồm 17 hồ chứa, 56 đập dâng, 35 trạm bơm, 23 công trình tạo nguồn, ngăn mặn, tiêu thoát lũ.
Nhờ đó bước đầu đã phục vụ tưới cho hơn 20.645 ha đất sản xuất nông nghiệp; cấp nước phục vụ công nghiệp và sinh hoạt hơn 55.900 m3/ngày, ngăn mặn và lũ gần 9.600 ha. Tuy nhiên, các công trình thủy lợi trên mới đáp ứng được khoảng 11,5% nhu cầu tưới cho tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
Do đó, tỉnh Đồng Nai đã ban hành Nghị quyết hỗ trợ kinh phí làm thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng công trình thủy lợi.
Mức hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình tích trữ nước gồm miễn tiền thuê đất, 100% chi phí thiết kế và chi phí máy thi công. Hỗ trợ 50% chi phí vật liệu, máy thi công và thiết bị để xây dựng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn, mức hỗ trợ không quá 40 triệu đồng/ha. Xây dựng cống, kênh mương nội đồng được hỗ trợ 70-90% tổng giá trị đầu tư công trình.
Trao đổi với Báo NNVN, ông Vũ Quốc Việt, Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt, BVTV và Thủy lợi tỉnh Đồng Nai cho bết: “Hàng năm, việc tuyên truyền hướng dẫn người dân áp dụng, cải tiến các tiến bộ mới trong tưới tiết kiệm vào sản xuất luôn được duy trì, như tưới kết hợp bón phân qua đường ống, tự động tưới theo lịch cài đặt sẵn, ứng dụng tưới thao tác trên điện thoại thông minh, bù áp cân bằng lượng nước tưới”.
Theo ông Việt, hiện tỉnh Đồng Nai đang rà soát lại nhu cầu sử dụng tưới tiên tiến tiết kiệm của các địa phương để có chính sách đầu tư cụ thể.
“Đến nay tổng diện tích áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm cho cây trồng cạn của tỉnh Đồng Nai là 56.890 ha, trong đó nhóm cây hàng năm là 11.187 ha, chiếm 47% diện tích canh tác trên cây hàng năm có nhu cầu tưới (23.794 ha); nhóm cây ăn trái là 22.979 ha, chiếm 48%; nhóm cây lâu năm là 21.294 ha, chiếm 27%; nhóm cây lâm nghiệp diện ứng dụng trên vườn ươm là 800 ha”, ông Việt cho biết.
Nguồn tin: Minh Sáng/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã