Con đường độc đạo từ trung tâm xã Mường Sang (huyện Mộc Châu) lên bản Nà Bó dài hơn 2km, toàn những dốc cua dựng đứng.
Bây giờ, con đường ấy đã được rải bê tông rộng 3m, xe máy, và cả ô tô tải cỡ nhỏ đã có thể chở vật tư phân bón, vật tư leo lên tận vườn. Toàn bộ chi phí vật tư, xi măng, vật liệu để bê tông hóa con đường ấy khoảng gần 1,5 tỉ đồng, do chính bà con trong HTX tự góp tiền, góp công làm.
Con đường ấy vẫn còn mãi ám ảnh trong tâm trí của bà con đồng bào dân tộc Thái nơi đây mỗi vụ thu hoạch ngô.
Hơn chục năm về trước, cũng như khắp nơi nơi ở mảnh đất vùng cao Sơn La, những quả đồi ở Nà Bó chỉ bạt ngàn ngô. Vụ thu hoạch ngô từ tháng 9, tháng 10 hàng năm, nhằm đúng mùa mưa. Con đường lên bản Nà Bó nhão nhoét, những bao tải ngô chỉ có thể theo chân ngựa, trâu, thậm chí vác bộ xuống núi…
Ngày ấy, mỗi năm người dân ở Nà Bó chỉ trồng một vụ ngô. Giá ngô chỉ bình quân có 3.000 đ/kg, mỗi hecta ngô năm được mùa năng suất 6 tấn/ha, tổng thu 15-17 triệu đồng/ha/năm, trừ chi phí đầu tư may ra chỉ lãi 5-7 triệu đồng/ha.
Trải qua hàng chục năm, bây giờ, giá ngô cũng chỉ nhích lên 4.500-5.000 đ/kg, nhưng giá vật tư thì đã tăng chóng mặt, nên trừ chi phí thì xem như hòa vốn.
Nà Bó bây giờ đã khác, những quả đồi ngô ngày nào giờ đã được phủ kín bạt ngàn những cánh rừng mận. Cả bản có trên 700ha cây ăn quả, trong đó cây mận chiếm trên 70% diện tích, còn lại là mơ, đào... Sự giàu có từ cây mận ở Nà Bó đã nhanh chóng lan tỏa ra những bản lân cận ở xã Chiềng Hắc.
Gia đình anh Hà Văn Đình (bản Hin Phá, xã Chiềng Hắc) có hơn 2ha trồng ngô, 3 năm qua cũng đã chuyển hẳn sang trồng mận, mặc dù năm nay mới cho quả bói, nhưng đã cho thu hoạch hàng trăm triệu đồng.
Nhắc tới cây ngô, anh Hà Văn Đình vẫn còn nhớ tới loạt bài “Những hạt ngô máu” mà Báo Nông nghiệp Việt Nam đã từng phản ánh năm 2017.
Đình bảo nếu không có sự vào cuộc của cơ quan chức năng sau loạt bài báo ấy, bây giờ, có thể nhiều bà con đồng bào dân tộc thiểu số còn bị mất đất, mất nhà cho cánh đại lí đầu tư. Bản thân gia đình Đình cũng có người thân đã từng suýt phải gán đất, gán nhà với giá bọt bèo cho cánh đại lí đầu tư.
Cây mận tam hoa được những công nhân Nông trường Mộc Châu đưa lên từ đầu những năm 1980. Thế nhưng suốt những năm thập niên 90, không mấy ai để ý phát triển nó, mà chỉ được trồng theo kiểu mỗi nhà dăm ba cây để ăn vặt.
Ở bản Nà Bó (xã Mường Sang), ban đầu chỉ có một vài cây mận được người dân chiết thử, đưa lên trồng trên đồi ngô.
Cao nguyên Mộc Châu, nổi tiếng mát mẻ, nhưng không phải nơi nào cũng bén duyên được với cây mận.
Mận ngày nay trồng nhiều nơi ở Sơn La, nhưng tập trung nhiều nhất vẫn chỉ có một số vùng ở Mộc Châu như các xã Mường Sang (tập trung nhất ở bản Nà Bó), khu vực Thung lũng mận Nà Ka (Thị trấn Nông trường Mộc Châu), khu vực xã Vân Hồ (thuộc huyện Vân Hồ, giáp với huyện Mộc Châu).
Mận là cây ôn đới, chỉ hợp với khí hậu mát mẻ. Những vạt đồi ở Nà Bó (xã Mường Sang) cao chót vót, quanh năm mây mù bao phủ, giữa hè vẫn mát rười rượi, nên những cây mận cho quả sai trĩu trịt.
Khác với mận ở vùng thấp như thung lũng mận Nà Ka hay Vân Hồ có thiên về vị ngọt, mận ở Mường Sang giòn hơn, xen vị chua nhẹ, thanh mát đặc trưng, khi chín vẫn cứng quả, ngả màu tím sậm. Những gốc mận được đưa lên trồng xen trên đồi ngô, có năm cho thu hoạch trên 1 tạ quả.
Cây mận về với Nà Bó, không chỉ làm thay da đổi thịt cho đời sống bà con nơi đây, mà còn làm thay đổi hẳn cả về tư duy sản xuất bền vững, sản xuất hàng hóa cho bà con. Ngày còn trồng ngô, dân phun thuốc trừ cỏ nên đồi chỉ trơ đất, mưa nhẹ nước lũ đã cuồn cuộn đổ xuống.
Bây giờ trồng mận, tán cây đã che kín, cán bộ còn hướng dẫn kỹ thuật về trồng cây trên đất dốc, nên không còn nhà nào phun thuốc cỏ, mà chỉ quản lí cỏ dại, cắt cỏ khi quá tốt. Vườn mận cũng không cần phải quá sạch cỏ, bởi cỏ cũng có ích, giữ nước, giữ ẩm, làm môi trường cho giun dế sinh sôi...
Từ năm 2017, HTX Cây ăn quả Mường Sang đã được ra đời với 15 thành viên, tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ trên diện tích mận tập trung gần 100ha.
Đến nay, HTX đã liên kết được với một số hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ cũng như thương lái lớn tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, hàng năm nhận tiêu thụ bước đầu cho khoảng 50% tổng sản lượng mận của các thành viên trong HTX.
Đồng thời, HTX cũng ký hợp đồng cung ứng cho phân bón, vật tư khác với giá tận gốc nhằm tiết kiệm tối đa chi phí đầu tư cho các thành viên.
Hiện HTX đã được cấp chứng nhận sản xuất VietGAP, được cấp 1 mã số vùng trồng (14ha) đáp ứng đầy đủ các yêu cầu để xuất khẩu. Năm 2019, HTX thử nghiệm xuất khẩu mận sang thị trường Campuchia và đang triển khai kế hoạch xuất khẩu mận chính ngạch sang thị trường Trung Quốc...
Nếu như trước đây, người dân ở bản Nà Bó chỉ trồng mận như trồng cây rừng, theo kiểu được chăng hay chớ thì đến nay, đồng bào người Thái ở đây đã căn bản thuần thục các quy trình sản xuất mận bền vững, thâm canh cao, nhất là kỹ thuật chăm bón, tỉa cành, phòng trừ sâu bệnh...
Anh Lường Văn Quỳnh, Giám đốc HTX phân tích về kỹ thuật thâm canh vườn mận như một chuyên gia thực thụ: Vườn mận phải bón phân cân đối giữa phân NPK và phân hữu cơ, cây trưởng thành bình quân 10kg phân hữu cơ kèm 2-3 kg NPK/lần. Mỗi năm bón tập trung 2 lần (sau vụ thu hoạch quả để thúc lộc và chuẩn bị ra hoa để kích hoa - thúc quả), ngoài ra kết hợp bón tỉa phân NPK rải rác, từ 3-4 lần/năm...
Sau vụ thu hoạch, cây mận phải được cắt tỉa tạo tán, tỉa cành vô hiệu, khống chế độ cao (không quá 20cm/năm) để tập trung chăm quả và thuận lợi cho thu hoạch. Cây mận tán dày, quả núp vào trong tán, nên phải tỉa cành cân đối để cây thoáng tán, đảm bảo ánh sáng được xuyên đều vào bên trong, quả phát triển tốt, đẹp mẫu mã, không bị cớm nắng.
Về sử dụng thuốc BVTV phòng trừ sâu bệnh cho vườn mận, HTX thuê hẳn Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mộc Châu với chi phí 17 triệu đồng/năm để kiểm tra, xử lí phòng trừ sâu bệnh cho các diện tích mận của HTX.
Những sâu bệnh phổ biến trên cây mận như rệp phấn trắng, nấm,... các hộ dân không được tự ý phun thuốc BVTV, mà phải có cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Dịch vụ theo định kỳ xuống kiểm tra, kê đơn thuốc và phun theo đơn hướng dẫn.
Nhờ áp dụng nghiêm ngặt quy trình thâm canh, phòng trừ sâu bệnh, đến nay, cây mận ở Nà Bó, đặc biệt là của HTX... đã cho năng suất, chất lượng cao vượt trội so với mặt bằng chung.
Giám đốc HTX Lường Văn Quỳnh phấn khởi đánh giá: Hiện nay, mận là cây ăn quả đứng đầu về giá trị kinh tế và thu nhập cho bà con. Tổng chi phí phân bón, thuốc BVTV, công chăm sóc tỉa cành... mỗi năm cho cây mận cũng khá thấp, chỉ khoảng 150-200 nghìn đồng/gốc/năm.
Mỗi gốc mận (giai đoạn sung sức cho quả từ 4-5 năm tuổi trở đi) cho năng suất bình quân từ 80-100 kg/gốc/năm, nhiều diện tích thâm canh tốt có thể đạt tới 150-170 kg/gốc.
Với giá bán mận bình quân các năm gần đây khoảng 15 nghìn đồng/kg, mỗi gốc mận trừ chi phí đầu tư hàng năm, có thể cho thu nhập từ 1 – 1,2 triệu đồng, tương đương từ 350 – 400 triệu đồng/ha/năm. Diện tích mận bình quân của các thành viên trong HTX từ 5-6 ha/hộ, mỗi hộ dân cho thu nhập bình quân từ 1,5 đến 2 tỉ đồng/năm, hộ ít nhất cũng đạt từ 700 – 800 triệu đồng/năm.
Đặc biệt với các năm mận được giá như năm 2019, giá bán mận bình quân cả vụ lên tới 25-30 nghìn đồng/kg, nhiều hộ có diện tích lớn (6-10 ha/hộ) cho thu nhập hàng chục tỉ đồng. Riêng gia đình anh Quỳnh, Giám đốc HTX Cây ăn quả Mường Sang hiện nay có diện tích mận khoảng 7ha, mỗi năm "ẵm" trung bình khoảng 2 tỉ đồng từ cây mận dễ như trở bàn tay.
“Hồi còn trồng ngô, dân bản ở đây quanh năm nợ đại lí đầu tư, từ hạt muối tới cân gạo, cân thịt đều phải ghi nợ. Bây giờ thì khác, việc kiếm tiền tỉ đã rất bình thường rồi” – anh Quỳnh bồi hồi nhớ lại.
Theo Lê Bền - Kiên Cường/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã