Ngày 28/5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 703/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Chương trình Phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2030 (gọi tắt là Chương trình giống). Chương trình được chia làm 2 giai đoạn (2021-2025 và 2026 - 2030).
Theo đó, mục tiêu tổng quát nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản theo hướng công nghiệp hiện đại nhằm cung cấp cho sản xuất đủ giống có năng suất, chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu; góp phần thực hiện thành công định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Cụ thể đến năm 2030, mở rộng lưu giữ khoảng 45 - 52 nghìn nguồn gen cây trồng, vật nuôi; đánh giá và khai thác nguồn gen nhằm phục vụ có hiệu quả công tác nghiên cứu chọn tạo, sản xuất giống.
Nghiên cứu đưa vào sản xuất những giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao, chống chịu cao với sâu và bệnh hại, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.
Đồng thời, đẩy mạnh công nghiệp hóa sản xuất giống, tăng cường công tác quản lý giống nhằm tăng nhanh tỷ lệ sử dụng giống đúng tiêu chuẩn cho sản xuất, tạo ra đột phá mới về năng suất, chất lượng sản phẩm; xuất khẩu một số giống cây trồng, vật nuôi sang thị trường các nước.
Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ sẽ dành nguồn vốn đầu tư 103.050 tỷ đồng cho việc phát triển khoa học công nghệ về giống; nuôi giữ giống gốc; nghiên cứu chọn tạo giống; phát triển sản xuất giống; hoàn thiện hệ thống nghiên cứu, sản xuất, thương mại về giống.
Ngân sách nhà nước sẽ ưu tiên cho việc nghiên cứu chọn tạo và sản xuất giống với những đối tượng cây trồng, vật nuôi mà các tổ chức, cá nhân chưa hoặc ít quan tâm đầu tư.
Đồng thời khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu chọn tạo, sản xuất giống, đặc biệt là nhân giống cấp xác nhận (hoặc tương đương), đáp ứng yêu cầu giống đúng tiêu chuẩn cho sản xuất.
Bên cạnh đó, sẽ có các chính sách đồng bộ về tín dụng, đất đai, tăng cường nguồn nhân lực cho công tác nghiên cứu phát triển giống...
So với các lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi hay thủy sản, lâm nghiệp hiện đang là lĩnh vực có đóng góp lớn về giá trị cho toàn ngành nông nghiệp.
Tuy nhiên, đây cũng đang là lĩnh vực vẫn còn nhiều hạn chế, đơn điệu về các tiến bộ về giống, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn cũng như định hướng của ngành...
Ngân sách Nhà nước sẽ ưu tiên đầu tư cho việc nhân giống cây lâm nghiệp bằng phương pháp nuôi cấy mô, nâng cấp, hiện đại hóa các cơ sở nghiên cứu, sản xuất giống cây lâm nghiệp ở cả Trung ương và địa phương.
Hỗ trợ đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng (giao thông, thủy lợi…), các vùng sản xuất giống tập trung ở các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi để công nghiệp hóa sản xuất giống.
Song song đó, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến giống theo hướng công nghiệp hiện đại...
Vì vậy, Chương trình giống giai đoạn 2021 - 2030 (trước mắt là giai đoạn 2021 - 2025) sẽ là động lực có vai trò đặc biệt quan trọng nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, nhất là gắn với trồng rừng gỗ lớn và định hướng vươn lên tầm cao mới của ngành chế biến gỗ.
Bên cạnh đó, đây sẽ là điều kiện nhằm khai thác hơn nữa tiềm năng, lợi thế của ngành lâm nghiệp đối với các nhóm sản phẩm lâm sản đặc hữu, lâm sản ngoài gỗ vốn còn dư địa lớn.
Theo Chương trình giống giai đoạn 2021 - 2030 vừa được Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đến năm 2030, ngành lâm nghiệp phải đạt tỷ lệ cây giống cung cấp cho trồng rừng được kiểm soát nguồn gốc giống đạt 95%.
Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm đã được ra là tập trung vào chọn tạo giống cây lâm nghiệp nhập nội và bản địa chủ lực làm gỗ lớn; cây lâm sản ngoài gỗ có năng suất, chất lượng, lợi thế cạnh tranh cao.
Đồng thời, phát triển sản xuất giống thông qua bình tuyển cây đầu dòng, chọn lọc cây trội; xây dựng và chăm sóc rừng giống, hoàn thiện công nghệ sản xuất giống..
Nhằm triển khai có hiệu quả Chương trình giống 2021 - 2030 dành cho lĩnh vực lâm nghiệp, theo Tổng cục Lâm nghiệp, đến nay, Tổng cục đã nghiên cứu, đề xuất với Bộ NN-PTNT một số đề tài trọng tâm về giống như:
Tăng cường năng lực quản lý và sản xuất giống cây lâm nghiệp (gồm hoạt động quản lí nhà nước cũng như hỗ trợ một số doanh nghiệp sản xuất giống lâm nghiệp bằng phương pháp nuôi cấy mô); đề xuất dự xuất dự án phát triển giống cây lâm nghiệp phục vụ trồng rừng kinh tế; trồng rừng tại các tỉnh phía Tây Bắc, các tỉnh vùng Bắc Trung bộ; phát triển một số loài tre và cây gỗ lớn mọc nhanh phục vụ trồng rừng tại vùng Đông Bắc.
Tổng cục Lâm nghiệp cũng đề xuất triển khai các dự án khác như: Phát triển giống một số loài cây bản địa phục vụ trồng rừng tại các tỉnh Tây Nguyên; phát triển giống phục vụ trồng rừng tại các tỉnh Đông Nam bộ và Nam Trung bộ; phát triển một số cây lâm sản ngoài gỗ...
Trong đó, bên cạnh công tác lưu giữ, nghiên cứu chọn tạo giống, sẽ tập trung cho hoạt động chuyển giao, sản xuất giống nhằm sớm đưa ra sản xuất các giống cây lâm nghiệp có năng suất, chất lượng cao.
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh, giống cây lâm nghiệp là lĩnh vực cần đòi hỏi thời gian dài. Vì vậy rút kinh nghiệm từ những khó khăn trong việc triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu về giống lâm nghiệp trước đây, trong quá trình triển khai Chương trình giống giai đoạn 2021 - 2030, chủ trương sẽ phải có cơ chế cho phép thời gian nghiên cứu kéo dài, thậm chí trong vòng 10 năm.
Đối với các đối tượng giống cây lâm nghiệp sẽ tập trung nghiên cứu chọn tạo, Tổng cục Lâm nghiệp cũng như các đơn vị nghiên cứu của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cũng đề xuất giai đoạn tới, cần tập trung vào ba nhóm chính gồm:
Một là các giống sinh trưởng nhanh (như keo, bạch đàn, đang chiếm đa số diện tích trồng rừng hiện nay).
Hai là các nhóm giống cây lâm nghiệp bản địa đặc trưng phát triển nhanh, chất lượng tốt và ba là nhóm các giống cây lâm sản ngoài gỗ.
Về các nhóm giống cây lâm nghiệp chủ lực trong giai đoạn tới, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị các đơn vị khoa học, viện, trường trong ngành lâm nghiệp cần sớm rà soát để lựa chọn được các đối tượng cây lâm nghiệp quan trọng phù hợp để tập trung dành nguồn lực cho nghiên cứu chọn tạo nhằm đưa ra phục vụ sản xuất.
Đặc biệt, ngành lâm nghiệp có lợi thế với hệ thống các vườn quốc gia, đây sẽ là cơ sở rất thuận lợi để phục vụ cho công tác bảo tồn, lưu trữ, lưu giữ, nghiên cứu và chọn tạo đa dạng các giống cây lâm nghiệp, giống cây lâm sản ngoài gỗ...
Theo đó đối với nhóm cây lâm nghiệp sinh trưởng nhanh như keo, bạch đàn, đến nay đang đóng vai trò chủ đạo trong rừng trồng rừng sản xuất, cần tiếp tục đẩy mạnh việc chọn lọc, lai tạo.
Bên cạnh đó, tập trung cho việc nghiên cứu, bình tuyển, chọn tạo một số cây lâm nghiệp bản địa có khả năng sinh trưởng nhanh, chất lượng gỗ tốt nhằm tạo cơ sở căn bản nhất tiến tới cho ra đời các giống tốt của bản địa cho tương lai, nhất là gắn với chủ trương trồng đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn, giá trị gia tăng cao cho ngành lâm nghiệp.
Đối với nhóm cây lâm sản ngoài gỗ, đây là lĩnh vực còn dư địa phát triển rất tiềm năng, hiện có rất đa dạng các giống loài, nhất là các loài dược liệu.
Vì vậy trong Chương trình giống giai đoạn 2021 - 2025, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh ủng hộ chủ trương sẽ tập trung cho việc đầu tư nghiên cứu, sưu tập, lưu giữ nhằm giữ được đa dạng nguồn gen quý, qua đó từng bước tuyển chọn được bộ giống cây dược liệu quý, với chủ trương phải gắn với hoạt động sản xuất dưới tán rừng nhằm gia tăng giá trị kinh tế rừng và thu nhập cho người làm nghề rừng.
Với các đối tượng cây lâm sản ngoài gỗ (thân mộc lớn) đã khẳng định chỗ đứng như hồi, quế, sẽ tiếp tục ưu tiên cho việc chọn tạo, chọn lọc bộ giống tốt, đồng thời nâng cao năng lực về quy trình, công nghệ sản xuất giống để đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Theo Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, hồi, quế là các cây trồng đang khẳng định chỗ đứng, mỗi năm đang có tốc độ trồng mới hàng chục nghìn ha tại các tỉnh Trung du Miền núi phía Bắc... Hiện các diện tích hồi, quế lâu năm (50 - 60 năm tuổi) đã già cỗi, người dân cũng đang có nhu cầu tái canh rất lớn nên nhu cầu về giống đảm bảo chất lượng đang rất cấp thiết.
Hiện nay, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cũng đã chọn lọc được rừng giống bố mẹ trên 500 cây có chất lượng cao nhằm phục vụ đưa ra sản xuất.
Đối với một số cây gỗ lớn, Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng trước mắt, đề xuất tập trung cho việc tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện bộ giống có chất đối với một số đối tượng quan trọng như thông, sao đen...
Với sao đen, đây là loại cây gỗ lớn, sinh trưởng nhanh, thích nghi rộng, triển vọng lớn cho trồng rừng gỗ lớn và đã được trồng nhiều trong các dự án nhưng tới nay chưa có nghiên cứu bài bản nào về giống.
Theo Lê Bền/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã