Trước khi bước vào sản xuất vụ hè thu năm 2020, căn cứ lượng nước còn tích trữ trong các hồ chứa và diễn biến tình hình nắng hạn, ngành chức năng Bình Định quyết định bỏ trống không sản xuất 5.165ha vì không có nước tưới.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh còn vận động nông dân chuyển đổi hơn 4.350ha đất sản xuất lúa không chủ động nước sang sản xuất cây trồng cạn, đồng thời chuyển 1.459ha diện tích đất sản xuất 3 vụ lúa/năm sang còn sản xuất 2 vụ/năm.
Lãnh đạo tỉnh Bình Định đã chỉ đạo ngành chức năng phải thường xuyên rà soát mực nước trong các hồ chứa trên địa bàn, nắm chắc số diện tích thiếu nước phát sinh, cách 10 ngày phải báo cáo để tỉnh kịp thời có kế hoạch điều tiết.
Trong quá trình sản xuất, ngành chức năng phải hướng dẫn nông dân áp dụng các giải pháp tưới tiết kiệm, như: Tưới ướt không xen kẽ, tưới nông - lộ - phơi và áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật trong điều kiện nắng hạn, trong đó chú trọng thực hiện các giải pháp sử dụng nước tiết kiệm, khoa học theo quy trình thâm canh lúa cải tiến (SRI) để đáp ứng nhu cầu nước tốt nhất cho cây trồng, tiết kiệm nước.
“Trong bối cảnh thiếu nước tưới, tỉnh chỉ đạo các địa phương phải kiện toàn hệ thống thủy nông nội đồng để điều tiết nước.
Về những loại cây trồng cạn mà đầu ra lệ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc, ví như cây ớt thì hướng dẫn nông dân kỹ thuật phơi, dự trữ để làm giảm áp lực về đầu ra trong bối cảnh ách tắc xuất khẩu do ảnh hưởng dịch Covid - 19”, ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN – PTNT Bình Định, cho hay.
Là địa phương phải đối mặt với nạn thiếu nước tưới nghiêm trọng nhất, do đó huyện Phù Mỹ đã linh hoạt điều chỉnh kế hoạch sản xuất vụ hè thu theo hướng giảm diện tích lúa, tăng diện tích cây trồng cạn.
Trong vụ này, huyện Phù Mỹ đã khoanh vùng 4.030ha canh tác cây lúa, giảm trên 1.500ha so với vụ này năm trước. Để tránh thiệt hại, tại những diện tích trồng lúa không chủ động đủ nước tưới, huyện này cũng đã vận động nông dân mở rộng thêm khoảng 1.700ha cây trồng cạn.
Ông Hồ Ngọc Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, cho hay: “Đến nay, nông dân đã cơ bản gieo sạ xong lúa vụ hè thu và xuống giống 3.635ha bắp, đậu phụng, mè. Ngay từ khi chưa thu hoạch vụ đông xuân chúng tôi đã gửi cảnh báo, hướng dẫn nông dân tiết kiệm nước. Ở những vùng cây trồng cạn, chúng tôi hướng dẫn nông dân đóng thêm nhiều giếng để khai thác mạch nước ngầm để phục vụ sản xuất”.
Nông dân Trần Văn Thắng ở thôn Vạn An, xã Mỹ Châu (huyện Phù Mỹ), bộc bạch: “Theo hướng dẫn của ngành chức năng, vụ hè thu năm nay tôi chuyển hết 8 sào đất lúa (500m2/sào) sang trồng các loại cây đậu phộng, khổ qua và bắp; tôi còn chủ động đóng giếng để khai thác mạch nước ngầm để phục vụ sản xuất. Chuyển từ làm lúa sang trồng các loại cây trồng cạn trong vụ hè thu tôi tin tưởng sẽ đạt hiệu quả hơn là làm lúa”.
Còn theo nông dân Trần Thanh Đấu, cũng ở thôn Vạn An, vụ hè thu năm nay ông mạnh dạn chuyển 4 sào đất lúa sang trồng đậu phộng bởi vụ hè thu năm trước 4 sào lúa của ông bị thiếu nhiều đợt nước, cây lúa bị chết khô phải cắt cho bò ăn. Năm nay, ông quyết không lặp lại sai lầm cũ.
Trong vụ hè thu năm nay, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phòng chống hạn được chính quyền các địa phương triển khai xuống đến từng thôn xóm.
Riêng huyện Hoài Nhơn đã quyết không sản xuất gần 3.000ha đất không có nước tưới, chỉ sản xuất 2.758ha lúa và 223ha hoa màu trên những diện tích đảm bảo nước tưới suốt cả vụ.
Ngoài ra, huyện này còn khoanh vùng và vận động nông dân các xã: Hoài Phù, Hoài Sơn, Hoài Hảo, Hoài Châu Bắc chuyển 536ha đất lúa không chủ động được nước tưới sang sản xuất cây trồng cạn.
Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, cho biết: “Huyện đã chỉ đạo ngành chức năng triển khai phương án tưới, lịch tưới cụ thể cho từng công trình thủy lợi và vùng sản xuất; kiểm tra 12 trạm bơm nước phục vụ sản xuất. Tổ thủy nông tại các xã thực hiện nhiệm vụ phân phối nước theo yêu cầu cấp 12 đợt nước/vụ, 8 ngày cấp nước 1 lần”.
“Lượng nước đang tích trữ trong các hồ chứa lớn do công ty quản lý đảm bảo cung cấp nước tưới cho 27.442ha lúa hè thu tại các địa phương trong tỉnh. Trong đó, có trên 7.992ha lấy nước trực tiếp từ các hồ chứa; hệ thống Tân An - Đập Đá (TX An Nhơn) cung cấp cho hơn 13.675ha; kênh Văn Phong cấp gần 5.040ha; đập Lại Giang (huyện Hoài Nhơn) và trạm bơm Chánh Khoan (huyện Phù Mỹ) cung cấp cho 734,49ha. Công ty đã thông báo phương án tưới, lịch tưới từng công trình thủy lợi, vùng sản xuất; đồng thời phối hợp với chính quyền các địa phương hướng dẫn nông dân áp dụng phương pháp tưới tiết kiệm nước ngay tư đầu vụ sản xuất”, ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch Công ty KTCTTL Bình Định.
Nguồn tin: Vũ Đình Thung/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã