Người mà chúng tôi nhắc đến là anh Phan Thanh Quang, ở khu 6 (thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu). Năm 2014, anh Quang mua 7 con bò lai Sind về nuôi sinh sản, trong đó có 6 con cái và 1 con đực.
Không nuôi bò sinh sản theo kiểu thả rông hay chăn thả như nhiều hộ nuôi bò khác, anh Quang làm chuồng trại nuôi nhốt bò tập trung.
Nói về kỹ thuật nuôi bò sinh sản nhốt chuồng, anh Quang lý giải, nuôi bò nhốt chuồng vừa có thể theo dõi, kiểm soát được tình hình sức khỏe của đàn bò, vừa tránh được tình trạng lây nhiễm bệnh từ bên ngoài.
Với suy nghĩ như vậy, anh Quang làm chuồng trại nuôi bò vừa thoáng mát vào mùa hè lại ấm áp vào mùa đông.
Được chăm sóc cẩn thận, đàn bò lai Sind của gia đình anh Quang, con nào, con nấy phát triển tốt, mỗi năm đều đẻ cho nhà anh 1 bê con mập mạp.
Vừa nuôi bò lai Sind vừa chọn lọc, con bê cái nào đẹp anh giữ lại để nhân đàn. Đối với bê đực hay bê cái xấu mã, không thích hợp giữ lại làm giống thì sau một thời gian nuôi, anh bán ra dưới dạng bò thịt.
Năm tháng trôi qua, đàn bò sinh sản nhà anh Quang cứ đông dần lên, đến thời điểm này là 20 con bò cái, con nào cũng khỏe mạnh, trơn lông đỏ da...
Chia sẻ với bạn đọc Báo điện tử DANVIET.VN về kinh nghiệm nuôi bò và kỹ thuật nuôi bò sinh sản, anh Quang cho hay: "Nuôi bò sinh sản nhốt chuồng khá nhàn. Chỉ cần chú ý đến khâu phòng chống dịch bệnh cho đàn bò và cho bò ăn đầy đủ chất xơ, ăn thêm tinh bột là ổn. Việc cho bò sinh sản ăn uống cũng đơn giản...".
"Mỗi ngày tôi chỉ cho đàn bò ăn 1 bữa vào buổi chiều. Tôi chủ yếu cho chúng ăn cỏ cắt ở trong vườn cây ăn quả cộng thêm ít cám gạo. Đối với cám gạo, tôi cho bò ăn thẳng chứ không cần phải nấu chín. Nước cho bò uống thì lúc nào cũng có sẵn trong chuồng..."
Theo anh Quang, trong thời gian bò chửa hoặc đẻ con thì anh tăng thêm lượng cỏ xanh và cám gạo cho chúng. Bên cạnh đó, anh đặc biệt chú ý đến việc tiêm vắc-xin định kỳ phòng các loại bệnh: Lở mồm long móng, tụ huyết trùng, dịch tả... cho đàn bò.
Chỉ tay ra vườn cây ăn quả rộng rãi phía sau nhà, anh Quang phấn khởi nói: "Nguồn thức ăn xanh chủ yếu cho đàn bò nhà tôi là ở khu vườn đó. Khu vườn này rộng hơn 1ha, trồng các loại cây ăn quả như: Ổi, bưởi. Toàn bộ cỏ tươi mọc trong vườn được tôi cắt, phát thủ công để làm thức ăn cho bò. Tôi còn cắt tỉa cả cành ổi để cho bò ăn. Chỉ có cám gạo là phải đi mua thôi, chứ cỏ thì lúc nào cũng có sẵn trong vườn".
Theo anh Quang, nuôi bò sinh sản nhốt chuồng có cái hay là toàn bộ chất thải của đàn bò mỗi ngày đều được lưu giữ trong chuồng. Không vệ sinh chuồng trại mỗi ngày như nhiều hộ chăn nuôi khác vẫn làm, cứ cách chừng 1 tháng, anh Quang mới dọn chuồng bò 1 lần.
Đều đặn mỗi ngày, anh Quang rải lớp trấu vào chuồng bò rồi rắc men vi sinh lên đó. Đàn bò đi lại trong chuồng khiến cho men vi sinh được trộn đều với trấu với phân bò, làm cho phân bò hoai mục nhanh hơn.
Vì rải trấu và men vi sinh thường xuyên nên nền chuồng bò nhà anh Quang lúc nào cũng khô và không có mùi hôi.
Toàn bộ phân bò hoai mục được anh Quang tận dụng để chăm bón cho vườn cây ăn quả. Nhờ đó, vườn cây ăn quả nhà anh luôn phát triển tươi tốt, cho quả đều đặn, mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho gia đình.
Theo tính toán của anh Quang, nuôi bò sinh sản cho thu nhập khá ổn định. Bê con từ lúc đẻ đến khi xuất bán ra thị trường chỉ nuôi chừng 1 năm. Mỗi năm bán ra thị trường 10 con bê, với giá dao động từ 10 – 15 triệu đồng mỗi con, anh Quang thu hơn trăm triệu đồng.
Nguồn tin: Thanh Ngân/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã