Nuôi tôm thích ứng mặn
Chỉ chưa đầy 5 năm, các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long đã chứng kiến hai đợt thiên tai (hạn hán và xâm nhập mặn) vô cùng khốc liệt, khiến gần 500.000 ha bị thiệt hại. Gần 400.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt.
Các chuyên gia khẳng định, đồng bằng sông Cửu Long là một trong 5 vùng chịu tác động mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu, do nước biển dâng, xâm nhập mặn, hạn hán. Trước đây, hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp của “vùng đất chín rồng” thường chú trọng vào cây lúa.
Tuy nhiên, GS.TS Nguyễn Quốc Dũng – Phó Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam cho rằng, chúng ta phải chấp nhận 3 vùng sinh thái tồn tại khách quan tại đồng bằng sông Cửu Long đó là vùng nước mặn, vùng nước lợ và vùng nước ngọt.
Chính phủ, Bộ NN-PTNT và các địa phương đã nhận thức rõ, thứ tự ưu tiên trong sản xuất nông nghiệp của các tỉnh miền Tây Nam bộ giáp biển là thủy sản – trái cây rồi mới đến lúa.
Chúng ta đặt mục tiêu xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD vào năm 2025. Đây là bài toán khó, bởi hoạt động nuôi trồng thủy sản, nhất là tôm cần khối lượng nước ngọt khổng lồ. Trong khi đó, các quốc gia thượng nguồn sông Mê Kông như Lào và Trung Quốc đã và đang xây dựng 19 bậc thủy điện.
Campuchia cũng đang xây dựng hồ chứa thủy lợi khổng lồ với dung tích 80 tỷ m3 nước, lấy nguồn từ sông Mê Kông. Trong tương lai, nguồn nước ngọt tại đồng bằng sông Cửu Long sẽ ngày càng khan hiếm.
Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất, đồng bằng sông Cửu Long đang manh nha những điểm sáng để hình thành ngành công nghiệp nuôi tôm, thay thế cho các ao nuôi truyền thống sử dụng nước lợ và nước ngọt.
Nuôi tôm năng suất 100 tấn/ha không khó
Trước đây, đạt được năng suất 15 tấn /ha ao chìm là thành công mỹ mãn với người nuôi tôm. Nhưng hiện nay nhiều hộ đã xây dựng ao tròn nổi để nuôi tôm, đem lại năng suất lên tới 100 tấn/ha. Đây là những tiến bộ kỹ thuật phát triển vượt bậc, có thể tiết kiệm được công vệ sinh đáy ao.
Bên cạnh đó, nhiều vùng nuôi tôm bị nhiễm bệnh là do khan hiếm nguồn nước sạch, chủ ao buộc phải tận dụng nguồn nước sẵn có tại kênh, rạch trong hệ thống thủy lợi không đảm bảo vệ sinh môi trường.
Để giải quyết vấn đề này, trong tương lai, chúng ta cần lấy trực tiếp nước biển để nuôi tôm chứ không lấy nước trong kênh rạch. Ví dụ như ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang xây dựng trạm bơm lấy nước biển ở vùng Lộc An, sau đó dẫn nước mặn sâu vào đất liền 10km.
Và ở huyện Kiên Lương (tỉnh Kiên Giang), Chính phủ đang cho quy hoạch 10.000 ha công viên thủy sản, có hệ thống lấy nước biển và dẫn vào sâu đất liền 7km, để hình thành ngành công nghiệp cấp nước nuôi trồng thủy sản (giống như cấp nước sinh hoạt) bán cho các hộ nuôi tôm.
Toàn bộ hệ thống kênh tiêu thủy lợi hiện nay sẽ là kênh thải. Như vậy chúng ta sẽ tạo ra vùng sinh thái nuôi tôm rất thuận lợi. Đó là mô hình nuôi tôm bền vững, có thể nhân rộng trong tương lai để đem lại giá trị gia tăng cao cho người nông dân.
Nguồn tin: Minh Phúc/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã