Học tập đạo đức HCM

Cần Thơ phát triển sản xuất trái cây an toàn, bảo đảm truy xuất nguồn gốc

Thứ ba - 17/08/2021 18:56
Hiện nay, để trái cây có thể xuất khẩu và vào được siêu thị, kênh bán hàng cao cấp, đòi hỏi phải đạt chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc.

Do vậy, ngành Nông nghiệp TP. Cần Thơ đang tích cực hỗ trợ nông dân xây dựng các vùng trồng tập trung, được cấp mã số vùng trồng và sản xuất trái cây theo các tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu thị trường, nhất là sản xuất theo quy trình VietGAP.

1.jpg
Các sản phẩm trái cây ngon, đặc sản của Cần Thơ được trưng bày, giới thiệu tại một sự kiện triển lãm được tổ chức hồi tháng 4/2021.

Yêu cầu cấp thiết

Ông Lý Văn Tịnh, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Trường Trung A (xã Tân Thới, huyện Phong Điền), cho biết: “HTX có 19 thành viên, với 12,7ha trồng sầu riêng đạt chứng nhận VietGAP. Nhờ sản xuất đạt theo VietGAP và quan tâm xây dựng mã số cho vùng trồng mà HTX có thể liên kết với doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm, từng bước ổn định đầu ra. Hiện nay, người tiêu dùng ở thị trường quốc tế và trong nước đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm, đặc biệt là yêu cầu sản phẩm phải an toàn và có xuất xứ rõ ràng...”.

Theo ông Trần Văn Chiến, Giám đốc HTX vườn cây ăn trái Trường Khương A (xã Trường Long, huyện Phong Điền), thời gian qua, được sự hỗ trợ của ngành Nông nghiệp thành phố, xã viên đã xây dựng mã số vùng trồng và áp dụng sản xuất trái cây đạt theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt như VietGAP, GlobalGAP. Nhờ vậy, trái vú sữa trồng tại HTX có thể xuất khẩu với giá cao sang thị trường khó tính là Mỹ. HTX hiện có 45 xã viên, với 45,5ha vú sữa trồng  theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó có hơn 16ha đạt tiêu chuẩn GlobalGAP.

Mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng. Việc cấp mã số vùng trồng không những giúp truy xuất nguồn gốc mà còn gắn chặt sản xuất theo quy trình nhất định để đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu, giúp nông dân ý thức được vấn đề sản xuất liên quan chặt chẽ đến chất lượng và giá thành sản phẩm.

Hiện, nhiều quốc gia trên thế giới như: Mỹ, Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã có quy định bắt buộc trái cây tươi từ các nước khác muốn xuất khẩu vào nước họ phải được cấp mã vùng trồng và cơ sở đóng gói. Đặc biệt, một số thị trường xuất khẩu trái cây vốn trước đây được xem là “dễ tính” như Trung Quốc, hiện cũng đặt ra các yêu cầu khắt khe về truy xuất nguồn gốc. Theo quy định của Trung Quốc, trái cây tươi nhập khẩu vào nước này bắt buộc phải có thông tin truy xuất nguồn gốc và yêu cầu cơ quan thẩm quyền của nước xuất khẩu phải cung cấp thông tin mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cho cơ quan thẩm quyền của phía Trung Quốc.

Thực tế cho thấy, trái cây của nông dân muốn đưa vào bán tại kênh bán hàng hiện đại như: siêu thị, cửa hàng tiện tích, sàn thương mại điện tử… cũng đòi hỏi cần có mã số vùng trồng để truy xuất nguồn gốc và đạt các tiêu chuẩn an toàn như: VietGAP, GlobalGAP…

Hỗ trợ người dân xây dựng mã số vùng trồng

Cần Thơ có hơn 22.830ha cây ăn trái các loại, tăng hơn 1.200ha so với cuối năm 2020. Hầu hết các loại cây ăn trái ngon, đặc sản và cây ăn trái chủ lực của vùng Nam Bộ đều đã được phát triển trồng tại Cần Thơ. Trong đó, các loại cây ăn trái có diện tích trồng lớn gồm: xoài 3.083ha, nhãn 2.664ha, vú sữa 1.465ha, cam 1.356ha, sầu riêng 1.342ha, chuối 1.321ha, mận(miền Bắc gọi là gioi) 1.102ha, bưởi 830ha, chôm chôm 408ha, măng cụt 325ha...

Đến nay, tại các quận, huyện đã hình thành được nhiều vùng trồng cây ăn trái tập trung, chất lượng cao, sản xuất theo hướng an toàn gắn với nhu cầu thị trường, với sản lượng nhiều loại trái cây ngon, đặc sản cung ứng ra thị trường hằng năm khá lớn. Đồng thời, thành phố cũng xây dựng và phát triển nhiều mô hình vườn cây ăn trái kết hợp với phát triển du lịch.

Thành phố hiện đã có 16 HTX và tổ hợp tác trồng cây ăn trái đạt chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP và GlobalGAP, với diện tích hơn 268ha. Theo bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT TP. Cần Thơ), cùng với việc tăng cường tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn nông dân trồng cây ăn trái đạt theo các chuẩn thực hành nông nghiệp tốt như VietGAP và GlobalGAP, Chi cục còn tích cực hỗ trợ nông dân thực hiện các hồ sơ, thủ tục để được cấp mã số vùng trồng và hỗ trợ kết nối giữa nông dân với các doanh nghiệp xuất khẩu và nhà tiêu thụ. Đến nay, đã có 59 mã số vùng trồng được Cục Bảo vệ thực vật cấp cho nông dân tại các HTX, tổ hợp tác và vùng nguyên liệu trái cây của các đơn vị, doanh nghiệp xuất khẩu. Các mã số vùng trồng này được cấp cho nhiều lại cây ăn trái như: vú sữa, xoài, nhãn, chanh… để phục vụ xuất sang thị trường EU và các nước: Mỹ, Australia,  New Zealand, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn TP. Cần Thơ cũng đã được ngành chức năng cấp 4 mã số cơ sở đóng gói các loại trái cây như: chuối, xoài, mít, thanh long, nhãn, chôm chôm, dưa hấu… để phục vụ xuất khẩu.

Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT TP. Cần Thơ, việc cấp mã số vùng trồng và quản lý mã số vùng trồng để truy xuất nguồn gốc là nhu cầu cần thiết. Ngành Nông nghiệp rất quan tâm đến việc hỗ trợ nông dân xây dựng mã số vùng trồng gắn với những vùng sản xuất tập trung.

Đến nay, Cục Bảo vệ thực vật đã cấp được 59 mã số vùng trồng cho các loại cây ăn trái tại thành phố và Sở đang xây dựng cơ sở dữ liệu để thống nhất quản lý. Đồng thời, tiếp tục rà soát, hỗ trợ người dân phát triển thêm và hướng dẫn nông dân tại các vùng được cấp mã số vùng trồng thực hiện tốt việc sản xuất theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng và xây dựng nhãn hiệu hàng hóa…

Theo  Khánh Trung/kinhtenongthon.vn
https://kinhtenongthon.vn/can-tho-phat-trien-san-xuat-trai-cay-an-toan-bao-dam-truy-xuat-nguon-goc-post44658.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập189
  • Hôm nay23,992
  • Tháng hiện tại495,730
  • Tổng lượt truy cập92,873,394
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây