Hà Nội chú trọng công tác phát triển giống cho chăn nuôi - Ảnh: Đỗ Hương |
Từ câu chuyện gà đặc sản
Nhiều người ở xã Đông Yên, Quốc Oai biết đến nhà ông Lê Đình Bình với cơ ngơi gây dựng từ chăn nuôi gà Mông (gà đen). Các đây khoảng 10 năm, ông Bình là người đầu tiên đưa giống gà này về nuôi tại thôn Đồi Rậm, xã Đông Yên, Quốc Oai. Gà Mông với ưu điểm sức đề kháng tốt, thịt săn chắc, đặc biệt hiệu quả kinh tế cao nên nhiều hộ gia đình ở xã Đông Yên đã khá giả từ khi chuyển sang nuôi giống gà quý này.
Khởi nghiệp với 300 con gà năm 2006, ông Bình đã chứng minh được cho những người xung quanh thấy giá trị kinh tế lớn từ loại gà có nhiều ưu điểm hợp với nhu cầu tiêu dùng hiện nay. Tới nay gia đình ông đã phát triển lên đàn gà với hơn 3000 con và thu nhập bình quân 15 triệu đồng/tháng. Không chỉ vậy ông cùng người bạn đã thành lập Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi Yên Hòa Phú với 67 thành viên.
HTX chia thành hai chuỗi bao gồm: chuỗi nuôi gà thương phẩm và chuỗi nuôi gà đẻ trứng với quy mô hơn 30.000 con gà Mông, 20.000 con gà Mía lai Ri, 50.000 con gà đẻ trứng. Năm 2019, HTX Chăn nuôi Yên Hòa Phú được TP. Hà Nội lựa chọn là tham gia Dự án Chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn TP. Hà Nội. Hiện, chuỗi sản xuất và cung cấp gà thương phẩm và trứng gà đồi Đông Yên đều được gắn tem truy xuất nguồn gốc.
Với lợi ích kinh tế mang lại cho người dân địa phương, chính quyền xã Đông Yên cũng đã đăng ký với huyện xây dựng sản phẩm gà đồi Đông Yên trở thành sản phẩm OCOP, trong đó có giống gà H'Mông. Đến nay, mỗi năm các hộ chăn nuôi gà Mông ở xã Đông Yên xuất ra thị trường khoảng 6 vạn gà thương phẩm, thu nhập bình quân của mỗi hộ chăn nuôi khoảng 100 triệu đồng/năm.
Không chỉ mô hình của ông Bình từ hướng sản xuất mới trong chăn nuôi đã đem lại giá trị kinh tế cho người dân mà rất nhiều hướng phát triển chăn nuôi khác đã xuất hiện trên địa bàn Hà Nội thời gian qua mang lại hiệu quả cao.
Chăn nuôi theo vùng trọng điểm
Một trong những tiền đề đề người dân mạnh dạn phát triển chăn nuôi đó là TP Hà Nội đã có một chính sách đồng bộ riêng cho ngành này.
Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, với những chính sách hỗ trợ cho chăn nuôi như hỗ trợ con giống, cơ sở hạ tầng, xây dựng hầm bioga, vay vốn tín dụng… đã tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi yên tâm đầu tư, phát triển quy mô sản xuất. Đến nay, Hà Nội đã dẫn đầu cả nước về số lượng đàn gia súc, gia cầm.
Dù phát triển chăn nuôi đã mang lại giá trị kinh tế cao cho nhiều hộ nông dân nhưng Hà Nội vẫn định hướng chương trình phát triển chăn nuôi theo vùng trọng điểm, chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư.
Theo ông Tạ Văn Tường cho biết, chính sách này đã góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả và thu hút được các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào chăn nuôi. Đồng thời cải thiện môi trường, giảm thiểu dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi. Ước tính tổng sản lượng thịt hơi các loại xuất chuồng 380.000 tấn/năm-390.000 tấn/năm, đáp ứng 60%-65% nhu cầu thị trường Hà Nội, sản lượng trứng đạt 870 triệu quả, sữa bò 17.000 tấn. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt trên 51% GDP trong cơ cấu nông nghiệp.
Cùng với đó, 4 dự án chuỗi nông sản Hà Nội thiết lập được hệ thống các cửa hàng phân phối, cửa hàng tiện tích, sản lượng tại các chuỗi đã tăng trên 10% so với trước khi tham gia dự án. Nhờ các chuỗi hoạt động hiệu quả, Hà Nội trở thành nơi cung cấp con giống, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ và tiêu thụ sản phẩm nông sản cho nhiều địa phương trong cả nước.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đã đề nghị Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa chuyên canh tập trung; chế biến, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao việc chủ động nguồn cung nông sản, thực phẩm của Hà Nội. Thành phố đã bảo đảm tốt an toàn thực phẩm, rà soát chuỗi từ sản xuất đến sơ chế, chế biến tiêu thụ sản phẩm rất chặt chẽ. Thứ trưởng cũng đề nghị Hà Nội cần rà soát an toàn thực phẩm từ gốc, đặc biệt là các chuỗi; mở rộng liên kết với các tỉnh, thành phố để cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm tại các cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản; kiểm soát chặt chẽ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; tăng cường phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.
Theo Đỗ Hương/thanglong.chinhphu.vn
https://thanglong.chinhphu.vn/chan-nuoi-ha-noi-di-sau-ve-%E2%80%9Cchat%E2%80%9D
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã