Trước mắt, đã có những dấu hiện khởi sáng từ chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới (NTM) và quy hoạch hướng nghiệp ngành nghề.
Với chương trình NTM ở ĐBSCL, nhiều tỉnh thực hiện khá tốt góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao tiện ích công cộng cho người dân. Cụ thể như tỉnh Bến Tre đã thực hiện được 51 xã NTM.
Ông Đoàn Văn Đảnh, GĐ Sở NN-PTNT Bến Tre cho biết: Kinh tế nông thôn liên tục tăng trưởng khá. Chuyển dịch theo hướng đẩy mạnh phát triển dịch vụ và đa dạng hóa ngành nghề, góp phần đáng kể vào việc thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp được thực hiện theo hướng đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ theo hướng cơ chế thị trường và sản xuất hàng hóa quy mô lớn.
Đến nay, toàn tỉnh Bến Tre có 108 HTX thuộc lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có 48 HTX tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Tỷ trọng lao động nông nghiệp đạt 47%, cao hơn so với chỉ tiêu đề án. Nông dân được đào tạo nghề nông nghiệp đạt 41,33% (chỉ tiêu 41%). Thu nhập của cư dân nông thôn tăng ít nhất 1,56 lần so với năm 2015.
Còn ở tỉnh Bạc Liêu, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Toàn tỉnh đã có 49/49 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, 8 xã nông thôn mới nâng cao, vượt 100% chỉ tiêu nghị quyết giao.
Đặc biệt, huyện Phước Long được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM năm 2017. Hiện Bạc Liêu có những đơn vị cấp huyện cơ bản đạt chuẩn NTM. Trong đó, 2 đơn vị đang từng bước hoàn thành 9 tiêu chí cấp huyện, vượt chỉ tiêu nghị quyết giao.
Ông Thiều cho biết thêm: Toàn tỉnh có trên 150 HTX, vốn điều lệ đăng ký hơn 181 tỷ đồng, có trên 24 ngàn lao động tham gia, trong đó, lao động thường xuyên 4.500 người. Thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trên 60 triệu đồng/người/năm.
Với chương trình OCOP, dù mới được Chính phủ triển khai thực hiện từ năm 2018, đến nay ĐBSCL cũng có những tỉnh đạt được thành quả sản xuất cao với nhiều mặt hàng OCOP đạt chuẩn từ 3 đến 4 sao.
Tỉnh Đồng Tháp, có gần 100 sản phẩm của nhiều chủ thể doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh. Trong đó, có trên 30 sản phẩm đạt 4 sao như hạt sen sấy, mít sấy của Cty TNHH Nam Huy, xoài sấy dẻo của Cty TNHH Việt Đức.
Tỉnh Sóc Trăng cũng có gần 40 sản phẩm của trên 20 doanh nghiệp, HTX và hộ kinh doanh đạt chuẩn từ 3 sao đến 4 sao. 16 sản phẩm đạt hạng 4 sao rất ấn tượng với khách hàng, như gạo thơm ST24, đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa, nấm linh chi thái lát, lạp xưởng Mai Quế, bánh pía nhân đậu xanh, tôm một gió...
Điều quan trọng của các đơn vị sản xuất thành công sản phẩm OCOP 4 sao là nhờ đó cơ sở của họ tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động có được thu nhập ổn định. Với chương trình này, nếu sản phẩm của các địa phương được sản xuất có kế hoạch, thật sự phát huy thế mạnh truyền thống của ngành nghề mình sở đắc. Khi đó cuộc sống của người lao động thật sự ổn định, bền vững.
Về chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp, nhiều tỉnh ĐBSCL cũng có những thành quả đáng kể.
Bà Huỳnh Thị Mỹ Hà, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Vĩnh Long cho biết: Số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, giai đoạn 2010 - 2020 là 8.717 lượt người. Số lao động được tạo việc làm mới, giai đoạn 2010 - 2020 là 299.478 lượt người. Thu nhập của người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long khoảng 6,1 triệu đồng/người/tháng. Bước đầu đã có những thay đổi tích cực trong đời sống xã hội.
Với mục tiêu đào tạo nghề, giai đoạn 2021 - 2030 dự kiến tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp đạt 431.700 người, nâng tỷ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật lên 85%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%. Thực hiện công tác giải quyết việc làm cho người học sau đào tạo nghề đạt trên 80%.
Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động hướng nghiệp trong các trường THCS, THPT và trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; nâng cao nhận thức của các doanh nhân, chủ sử dụng lao động.
Ông Nguyễn Văn Út, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Trà Vinh chia sẻ, đã phối hợp với Sở GD-ĐT phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể và UBND cấp huyện trong việc thực hiện đề án phân luồng góp phần nâng cao chỉ số đào tạo lao động.
Các cơ sở giáo dục ngành nghề đổi mới chương trình và phương pháp đào tạo nghề, lấy nhu cầu sử dụng lao động của DN làm mục tiêu đào tạo nghề. Liên kết với DN xây dựng nội dung đào tạo, tổ chức đào tạo, sát hạch và sử dụng lao động sau khi đào tạo. Thực hiện đào tạo lý thuyết tại trường, đào tạo thực hành tại DN, đảm bảo người lao động sau khi đào tạo đáp ứng được nhu cầu sử dụng của DN.
Tỉnh Trà Vinh khuyến khích, mời gọi các cá nhân, tổ chức kinh tế ngoài tỉnh đến đầu tư phát triển DN dịch vụ việc làm tư nhân để tăng nhu cầu sử dụng lao động tại chỗ. Tỉnh cũng khuyến khích DN tư nhân đăng ký thành lập, hoạt động dịch vụ việc làm.
Ở Cà Mau, trong tương lai gần tỉnh cũng đã có kế hoạch giáo dục phổ thông và đào tạo nghề người học.
Ông Lê Hoàng Dự, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau, cho biết: Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã ký quyết định phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông. Phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trình độ trung cấp, cao đẳng.
Ông Dự còn cho biết: Theo mục tiêu của đề án, đến năm 2025 phấn đấu 100% trường THCS và THPT có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương và có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ. Phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp, trung cấp và ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN trình độ trung cấp, cao đẳng.
Thông qua việc thực hiện đề án tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT vào học các bậc học và nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, hội nhập khu vực và quốc tế.
Tới đây, Vĩnh Long tổ chức đào tạo nghề tại nơi sản xuất, theo các mô hình thí điểm có hiệu quả, gắn đào tạo với các mô hình khuyến nông, khuyến công, liên kết sản xuất, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất tại địa bàn các xã, để tạo việc làm cho lao động nông thôn và xây dựng NTM.
Theo Minh Đảm – Hữu Đức/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/bai-2-loi-giai-cho-bai-toan-nang-cao-doi-song-xa-hoi-d291155.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã