Chuẩn bị tốt nhất cho trà vải sớm
Hiện, trà vải sớm ở huyện Tân Yên đang chuẩn bị thu hoạch. Vụ vải thiều năm nay, Tân Yên có khoảng 1,3 nghìn ha, sản lượng vải ước đạt khoảng 14 nghìn tấn. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm, công tác tiêu thụ gắn với phòng, chống dịch Covid-19 được huyện quan tâm. Hiện, có 6 doanh nghiệp đăng ký vào huyện tiêu thụ, trong đó 5 doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, 1 doanh nghiệp tiêu thụ vào chuỗi siêu thị trong nước.
Cùng với đó, thông qua HTX sản xuất, tiêu thụ vải Phúc Hòa có 18 thương nhân đăng ký thu mua xuất bán vải sang thị trường Trung Quốc. Tân Yên đã xây dựng kịch bản cho chuyến xuất hành vải thiều đầu tiên sang thị trường Nhật Bản diễn ra vào ngày 26/5 tới.
Việc sản lượng vải ở Tân Yên không quá lớn nhưng có vai trò quan trọng mở màn chuyến tiêu thụ vải đầu tiên của tỉnh, từ đó tạo đà cho các vùng vải khác. Qua đây giúp người dân quan tâm chăm sóc, tuân thủ sử dụng thảo dược xua đuổi côn trùng cho cây trồng giúp sản phẩm bảo đảm chất lượng.
Về công tác khử trùng, xông hơi đủ điều kiện cho vải Tân Yên xuất đi Nhật Bản. Thời gian qua huyện đã tuyên truyền về vùng vải an toàn dịch bệnh Covid-19; người dân vùng vải hạn chế ra ngoài, tránh bị lây nhiễm dịch bệnh, tập trung chăm sóc, tiêu thụ vải.
Ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh, năm nay, vải thiều được thu hoạch đúng thời điểm tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên sẽ gặp những trở ngại nhất định. Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy, huyện Tân Yên đã sớm có kế hoạch, phương án cho sản xuất, đồng thời chủ động phòng, chống dịch cho vùng sản xuất vải thiều. Thời gian tới, huyện cần tiếp tục tập trung tối đa cho công tác phòng, chống dịch.
Theo ông Tuấn, vùng vải phải đạt mục tiêu an toàn dịch bệnh Covid-19; phối hợp dán các mã Code vào các thùng, lô hàng sản phẩm để truy xuất được nguồn gốc, chứng minh các lô vải thiều an toàn. Cần phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và PTNT và đơn vị liên quan chuẩn bị các điều kiện xuất vải thiều sang Nhật Bản. Sở Nông nghiệp và PTNT cần liên hệ, bám sát Cục Bảo vệ thực vật cử chuyên gia về giám sát công tác xông hơi khử trùng và thực hiện việc kiểm dịch thực vật đối với quả vải tại Bắc Giang; tổ chức thành công Lễ xuất hành vải sớm Tân Yên đi thị trường Nhật Bản.
Ông Tuấn chỉ đạo cần đẩy mạnh xúc tiến, kết nối, mời gọi các các chợ đầu mối trong toàn quốc, với các đối tác tiêu thụ lớn như: Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, các doanh nghiệp chế biến nông sản thực phẩm; tập trung cao cho hình thức tiêu thụ, chào bán sản phẩm vải thiều trên các sàn thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng online; phấn đấu đến 15/6/2021 cơ bản tiêu thụ hết vải sớm Tân Yên.
Ba phương án tiêu thụ vải thiều
Tại hội nghị trực tuyến với các địa phương về thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19 do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức mới đây, ông Phan Thế Tuấn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, hiện các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã chủ động, sẵn sàng chuẩn bị các điều kiện cần thiết để giúp người dân thu hoạch, chế biến, tiêu thụ thuận lợi.
Mặc dù khó khăn nhưng Bắc Giang quyết tâm đẩy lùi dịch Covid-19; UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch, lên phương án hỗ trợ nhân dân các địa phương tiêu thụ vải thiều bảo đảm an toàn dịch bệnh.
Trước mắt quyết liệt thực hiện đồng bộ các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, quan tâm truy vết, xử lý ổ bệnh tại khu công nghiệp bởi đây là ổ dịch nguy hiểm, kiểm soát rất khó khăn do có mật độ công nhân tập trung lớn, di chuyển rộng.
Thứ hai, xây dựng kế hoạch sản xuất vải thiều bảo đảm an toàn dịch bệnh để toàn bộ sản lượng vải thiều năm 2021 của tỉnh không bị ảnh hưởng do tác động của dịch Covid-19. Tiến hành thành lập các tổ chốt, trạm tại các tuyến đường, cửa ngõ ra vào vùng vải thiều để kiểm soát công tác phòng, chống dịch. Tuyên truyền, vận động người trồng vải không ra khỏi địa bàn, tập trung cho công tác sản xuất, chế biến, tiêu thụ vải thiều. Chỉ đạo ngành nông nghiệp hướng dẫn các huyện lập hồ sơ xác nhận sản xuất an toàn dịch Covid-19.
Thứ ba, tỉnh đã chủ động ban hành kế hoạch về tổ chức xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2021. Trong đó, hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều được tổ chức vào ngày 8/6/2021, bao gồm 21 điểm cầu (điểm cầu chính tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bắc Giang), 4 điểm cầu tại Trung Quốc, 2 điểm cầu tại Nhật Bản; 1 điểm cầu tại Singapore; 1 điểm cầu tại Úc.
Đây là hoạt động xúc tiến thương mại có quy mô quốc tế, là cơ hội để giới thiệu, quảng bá, kết nối, hợp tác tiêu thụ giữa các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu nông sản, vải thiều của tỉnh Bắc Giang, Việt Nam với các thị trường xuất khẩu. Đồng thời, xây dựng kế hoạch tiêu thụ vải thiều trong tình hình dịch bệnh Covid-19.
Ông Phan Thế Tuấn đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật cử chuyên gia về giám sát công tác xông hơi, khử trùng, thực hiện việc kiểm dịch thực vật đối với quả vải tại Bắc Giang để phục vụ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Tạo điều kiện giúp tỉnh sản xuất, xuất khẩu các nông sản hàng hoá chủ lực như vải thiều, rau chế biến, thịt lợn, thịt gà… vào các thị trường mới như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu… Đồng thời, tăng cường đàm phán thương mại với các nước để mở rộng thị trường xuất khẩu cho nông sản chủ lực có thế mạnh của tỉnh. Giới thiệu các DN đến tỉnh Bắc Giang đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu rau, quả... và đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT nhất trí với kiến nghị của tỉnh Bắc Giang về các nội dung tiêu thụ vải thiều. Theo đó, Bộ đã có kế hoạch và chỉ đạo cụ thể đối với bộ phận trực thuộc. Bộ có kế hoạch cụ thể trong việc bố trí cán bộ, nhất là khâu kiểm dịch thực vật 24/24 giờ, giải quyết hồ sơ, tham mưu tháo gỡ kịp thời vướng mắc gặp phải; tiếp tục tham mưu cho Bộ để đàm phán, nhất là đàm phán trực tuyến với các nước để mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch.
Các địa phương có vùng nguyên liệu lớn, đặc biệt vùng chuẩn bị được thu hoạch sản phẩm chủ động lên phương án xây dựng cụ thể tiêu thụ cho từng loại nông sản trong điều kiện dịch bệnh, không để ứ đọng cục bộ.
Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ đồng hành, tháo gỡ ở tầm vĩ mô. Các hiệp hội, ngành hàng phát huy vai trò phối hợp với ngành chức năng thông tin nhanh, giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quá trình triển khai ở các địa phương, ông Nam cho biết.
Hiện, Bắc Giang đang là điểm nóng của dịch Covid-19, tuy nhiên, với sự chủ động trong việc sản xuất, xây dựng phương án tiêu thụ vải thiều đây là điều đáng biểu dương. Đặc biệt, đúng với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là “chuyển trạng thái phòng chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công” Bắc Giang đã “chuyển từ bị động sang chủ động tấn công, xây dựng phương án tiêu thụ”. Do vây, dịch Covid-19 còn diễn biến phức tập nhưng tin tưởng rằng vụ vải thiều năm 2021 vẫn là vụ vài thắng lợi.
(Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQCP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã