Ảnh: TTXVN |
Đảng bộ, chính quyền tỉnh Đồng Nai luôn đặt nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở vị trí chiến lược trong phát triển. Chính vì vậy, trước khi có Nghị quyết số 26-NQ/TW của Trung ương về “tam nông”, từ năm 2007, Đảng bộ tỉnh Đồng Nai đã có Nghị quyết và đề án xây dựng “nông thôn 4 có”: có đời sống kinh tế được cải thiện; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; có đời sống văn hóa, an ninh, an toàn bảo đảm; có môi trường sinh thái phát triển bền vững. Đây là chủ trương đã được đưa vào Nghị quyết của Tỉnh ủy Đồng Nai, qua đó xác định lấy người nông dân làm trung tâm, vừa là người thực hiện, vừa là người thụ hưởng thành quả.
Ngay từ những ngày đầu xây dựng nông thôn mới, Đồng Nai luôn xác định “tam nông” là cơ sở để phát triển kinh tế bền vững ở một tỉnh còn trên 60% dân số sống chủ yếu ở khu vực nông thôn, làm ăn sinh sống từ nông nghiệp. Chính vì vậy, Đồng Nai đã đi trước một bước với việc thực hiện “nông thôn 4 có” và mô hình này đã đi vào cuộc sống, dần dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, cuộc sống của những người dân nông thôn. Đây cũng là tiền đề để địa phương nhanh chóng đón đầu các chương trình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được triển khai rộng rãi trên cả nước.
Mặc dù là một tỉnh có thế mạnh về công nghiệp, dịch vụ, cơ cấu ngành nông nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng chưa tới 9%, nhưng Đồng Nai đã trở thành 1 trong 3 tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Theo đó, tỉnh đã chọn huyện Xuân Lộc, một huyện thuần nông, thời điểm ấy còn nghèo khó làm điểm xây dựng nông thôn mới cho thấy sự chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo. Việc huyện Xuân Lộc trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của cả nước đã khẳng định sự quyết tâm, quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, sự đoàn kết, đồng thuận trong nhân dân mới là yếu tố quyết định. Điều này còn nhằm tạo động lực, khích lệ tất cả các địa phương trong tỉnh tích cực đẩy nhanh tiến độ thực hiện xây dựng nông thôn mới.
Về đích sớm
Ở Đồng Nai, xây dựng nông thôn mới được xác định là chương trình có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, đồng nghĩa với việc không cho phép tâm lý chủ quan với kết quả đã đạt được, mà lấy đó làm động lực, tiếp tục đẩy mạnh phát triển. Đảng bộ, chính quyền tỉnh xác định xây dựng nông thôn mới phải lấy đời sống người dân nông thôn làm thước đo. Do đó, việc nâng cao thu nhập, đời sống của người dân là mục tiêu quan trọng nhất, phát triển sản xuất theo hướng bền vững, liên kết chuỗi, đầu tư cho công nghiệp chế biến nông sản, nâng cao giá trị nông sản… nhằm tăng thu nhập cho người nông dân.
Nông thôn mới ở Đồng Nai sau hơn 10 năm xây dựng đã để lại những dấu ấn tích cực, thay đổi bộ mặt nông thôn, phát triển sản xuất và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở nông thôn. Và nông thôn mới chỉ có thể bên vững, khi những yếu tố “nâng chất” đời sống người dân luôn được coi trọng, đặt lên hàng đầu.
Theo kế hoạch ban đầu, Đồng Nai sẽ hoàn thành xây dựng nông thôn mới vào năm 2021, nhưng đến đầu năm 2019, mục tiêu này đã hoàn thành, nghĩa là đã “về đích” sớm hơn 2 năm. Đặc biệt, Đồng Nai còn là tỉnh đầu đầu tiên có 11/11 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới, góp phần tạo nên thành tích chung để chương trình xây dựng nông thôn mới đạt mục tiêu đề ra.
Từ những thành tích đạt được, Đồng Nai đã vinh dự được Chủ tịch Nước tặng Huân chương Độc lập hạng Ba về thành tích trong Phong trào "cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2020". Theo ông Lê Văn Gọi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, bộ tiêu chí nông thôn mới của Đồng Nai nhiều hơn về số lượng chỉ tiêu và có một số chỉ tiêu yêu cầu đạt ở mức cao hơn so với bộ tiêu chí của Trung ương. Điều này đã khẳng định tinh thần “chủ động, quyết tâm, quyết liệt” của tỉnh trong xây dựng nông thôn mới.
Từ sự quyết liệt trong chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền địa phương, Đồng Nai là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về đầu tư cơ sở hạ tầng cho nông thôn khi đã huy động được gần 377.000 tỷ đồng đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn 2011 - 2019. Trong đó, ngân sách chiếm trên 11%, còn lại là nguồn vốn tín dụng, vốn doanh nghiệp và người dân. Ngoài ra, thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2019 đạt 55,6 triệu đồng/người. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 43 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu.
Đến nay, hầu hết cơ sở hạ tầng quan trọng trên địa bàn như hệ thống điện, giao thông, trường học, trạm y tế, thiết chế văn hóa, hệ thống bảo vệ môi trường của xã, ấp… đều có bước phát triển đáng kể, tạo diện mạo, sức sống mới khu vực nông thôn. Theo đó, 100% tuyến đường huyện, đường trục xã, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa; hệ thống trường học, y tế, thông tin truyền thông 100% đạt chuẩn; riêng trường học có 65,6% trường đạt chuẩn quốc gia. Hoạt động văn hóa với nhiều mô hình phong phú, thiết thực. Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%, trong đó nước sạch đạt 72,8%.
Theo mattran.org.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã