Để xây dựng NTM thành công phải lấy phát triển sản xuất làm khâu đột phá. Do đó, huyện đã tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân. Cụ thể, huyện tập trung chỉ đạo sản xuất và tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Tăng cường cơ giới hóa và chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Xây dựng và triển khai các chương trình, đề án, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp, nâng cao thu nhập, giảm hộ nghèo trong khu vực nông thôn. Đẩy mạnh việc dồn đổi, tích tụ tập trung đất đai, chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác... Từ sản xuất nông nghiệp truyền thống, manh mún, đến nay toàn huyện hình thành được 6 vùng sản xuất chuyên canh rau, quả an toàn tập trung với diện tích đạt trên 300 ha; trong đó, diện tích gieo trồng áp dụng quy trình VietGAP là trên 60 ha. Bên cạnh đó, nhờ việc sản xuất theo hướng an toàn nên có trên 10% diện tích rau, quả được tiêu thụ thông qua chuỗi cung ứng an toàn. Tổng giá trị sản xuất đạt khoảng 105 tỷ đồng, chiếm 5% tổng giá trị sản xuất ngành trồng trọt, lợi nhuận bình quân khoảng trên 100 triệu đồng/ha/vụ.
Trong lĩnh vực trồng trọt thể hiện rõ nhất là phát triển nông nghiệp hữu cơ, công nghệ tưới nhỏ giọt, áp dụng các tiến bộ của cuộc cách mạng nông nghiệp 4.0 vào sản xuất, nhất là tăng cường liên kết, hỗ trợ trong sản xuất nông nghiệp. Tại xã Hóa Quỳ, Bình Lương, Thị trấn Yên Cát và Bãi Trành là những địa phương có truyền thống sản xuất rau màu, nắm bắt được nhu cầu của thị trường và điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, người dân đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng công nghệ cao để mở rộng, phát triển sản xuất rau an toàn (RAT). Tính đến cuối tháng 11-2020, trên địa bàn huyện phát triển được hơn 10 ha RAT theo tiêu chuẩn VietGAP và hơn 13.000 m2 sản xuất rau trong nhà lưới với những sản phẩm như: cải, su hào, cà chua, dưa chuột... Để đáp ứng nhu cầu của thị trường về thực phẩm an toàn và thích ứng với biến đổi khí hậu, người dân địa phương đã được các cấp chính quyền hướng dẫn, hỗ trợ để phát triển diện tích RAT tập trung theo quy trình VietGAP; từ khâu làm đất, chọn giống, sử dụng phân bón,... đến kỹ thuật sơ chế, đóng gói, dán tem mác sản phẩm. Từ đó, tập quán sản xuất của các hộ dân đã được thay đổi, các bước sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn được áp dụng nghiêm ngặt, hiệu quả, nhờ đó các sản phẩm làm ra bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện tại, rau quả đã trở thành sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp khi thể hiện được tính ưu việt cả trong diện tích sản xuất và giá trị kinh tế.
Cùng với lĩnh vực trồng trọt, thì trong lĩnh vực chăn nuôi của huyện cũng khuyến khích, hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, nhằm giảm tỷ lệ dịch bệnh do có biện pháp xử lý chuồng trại, thú y, thức ăn, vệ sinh môi trường, bảo đảm sức khỏe đàn vật nuôi, an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng thu nhập. Sự vào cuộc quyết liệt của ngành nông nghiệp và các địa phương đã thúc đẩy hình thành và nhân rộng những mô hình chăn nuôi an toàn trong Nhân dân. Tính đến nay, toàn huyện đã hình thành được 6 vùng chăn nuôi an toàn nông hộ theo tiêu chuẩn VietGAHP.
Nhờ đẩy mạnh sản xuất theo hướng an toàn, đến nay toàn huyện đã tổ chức xây dựng và xác nhận 3 chuỗi cung ứng nông sản an toàn; tỷ lệ thực phẩm tiêu dùng được cung ứng qua các chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn có xác nhận ước đạt 26,1%. Một số chuỗi được mở rộng, phát triển cả về quy mô, sản lượng cũng như thị trường tiêu thụ, nhờ đó giá trị sản phẩm trong chuỗi được nâng lên, giá thành sản phẩm cao hơn với giá ngoài thị trường từ 20 - 30% (Chuỗi sản phẩm cây có múi của HTX Thành Công).
Thực tế cho thấy, những chủ trương, chính sách của Trung ương, tỉnh, huyện đã được người sản xuất vận dụng linh hoạt. Đồng thời, huy động nguồn lực, tận dụng lợi thế tự nhiên để phát triển nông nghiệp xanh, sạch, bền vững, an toàn góp phần quan trọng xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện sức khỏe, dinh dưỡng và chất lượng cuộc sống. Theo đánh giá của các chuyên gia nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao chính là một trong những giải pháp hiệu quả để phát triển nông nghiệp an toàn. Trong cả 3 lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, người dân trên địa bàn huyện đang từng bước áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng nông sản và giá trị kinh tế.
Theo đánh giá của các Cơ quan chức năng, sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, bảo đảm môi trường đang từng bước thay đổi nhận thức của người dân về tái cơ cấu sản xuất cây trồng, vật nuôi nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, từ đó tăng thu nhập, góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.
Để đạt hiệu quả cao, ngoài việc hoàn thiện thủ tục hành chính, như: Rà soát các quy định, ban hành bổ sung các tiêu chuẩn kỹ thuật để siết chặt quản lý chất lượng nông sản, cần đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ, máy móc tiên tiến vào chế biến nông sản an toàn; thực hiện các chuỗi sản xuất liên kết tạo ra các nông sản an toàn. Ban hành quy định, hướng dẫn xác nhận sản phẩm chuỗi và tổ chức triển khai, nhằm củng cố niềm tin của người tiêu dùng trong nước và tiếp cận, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Hiệu quả của phát triển sản xuất gắn với xây dựng NTM đã và đang được chứng minh từ thực tế ở địa phương. Do đó, định hướng- mục tiêu của huyện trong lộ trình xây dựng NTM, NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu vẫn là tiếp tục phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, hiệu quả. Khuyến khích người dân tham gia, đồng thời quan tâm, giúp đỡ nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX gắn với thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng NTM trong giai đoạn hiện nay.
Phạm Văn Tuấn, Huyện ủy viên- Trưởng Phòng NN&PTNT huyện
Nguồn tin: nhuxuan.thanhhoa.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;