Từ nhiều năm nay, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh được biết đến là “thủ phủ” trồng rau sạch của thành phố Hà Nội. Nhìn từ trên cao, cánh đồng rau như một bức tranh rực rỡ sắc màu. Những thửa ruộng rau, củ, quả đan xen tạo nên bức tranh quê thanh bình.
Xã Tráng Việt, huyện Mê Linh hiện có 3 thôn, dân số 11.519 người với 2.654 hộ. Nhờ sự ưu đãi của vùng đất bãi phù sa sông Hồng, nhiều năm nay, trồng rau đã trở thành một nghề thực thụ đối với nông dân xã Tráng Việt, đặc biệt là rau vụ đông ở thôn Đông Cao. Xã hiện có khoảng 304 ha đất sản xuất rau, tập trung chủ yếu tại vùng đất bãi sông Hồng của thôn Đông Cao khoảng 205 ha.
Sản lượng rau các loại năm 2020 trên toàn xã đạt trung bình khoảng 40.000 tấn với các loại chủ yếu như củ cải, cà chua, cà rốt và các loại rau ăn lá khác. Nếu như trước đây, người trồng rau ở Tráng Việt vẫn phải xách từng thùng nước để tưới thì từ năm 2014-2015, hệ thống tưới phun tự động đã được nông dân đầu tư đến từng chân ruộng.
Việc phát triển rau, củ, quả ở xã Tráng Việt phát triển tới mức, nông dân thậm chí còn tỏa đi thuê đất để trồng rau tại nhiều xã lân cận như Liên Hồng, Liên Hà (huyện Đan Phượng), Văn Khê (huyện Mê Linh)... thêm khoảng hơn 100ha.
Mặc dù bình quân diện tích trồng rau/hộ hiện nay ở Tráng Việt chưa thật lớn (chỉ khoảng từ 4 đến 5 sào/hộ tới 2 ha/hộ), tuy nhiên, cây rau đã trở thành nguồn thu nhập giúp người dân làm giàu. Với cơ cấu chính là rau ăn lá (cải dưa), cà chua và củ cải, mỗi năm, nông dân ở đây có thể sản xuất luân canh trung bình từ 5-8 lứa (tùy loại rau). Lợi nhuận trung bình 20 triệu đồng/sào/năm (khoảng 550-600 triệu/ha).
Với lượng rau vụ đông các loại thường xuyên xuất ra thị trường lên tới 150 đến 170 tấn/ngày, hiện nay, chỉ riêng thôn Đông Cao (xã Tráng Việt) đã thường xuyên thu hút từ 200 đến 300 lao động phục vụ cho hàng chục cơ sở sơ chế, thu mua buôn bán rau các loại. Rau Tráng Việt hiện đã tỏa đi nhiều chợ đầu mối trên khắp thành phố Hà Nội, ngoài ra còn có các tỉnh lân cận như Thanh Hóa, Hải Phòng, Thái Nguyên, Bắc Giang.
Những giàn cà chua trĩu quả. Những luống rau cải xanh mơn mởn. Người nông dân Tráng Việt giờ đây không còn quá vất vả với công việc đồng áng. Việc trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap cũng giúp đầu ra của nhiều hộ và HTX ổn định, giá trị cao. Các chuyên gia đánh giá, xã Tráng Việt có đủ điều kiện để phát triển thành một vùng nguyên liệu rau, củ, quả uy tín của Hà Nội.
Hiện nay, để có thị trường đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp nói chung, sản phẩm rau, củ, quả của nông dân xã Tráng Việt nói riêng, huyện Mê Linh đã vận động các hệ thống bán lẻ, doanh nghiệp đẩy mạnh phân phối, chế biến đa dạng sản phẩm, xây dựng kế hoạch đào tạo cho người nông dân kiến thức thị trường, xây dựng thương hiệu và đưa thành chương trình hỗ trợ nông dân, các hộ kinh doanh cá thể…
Dưới sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo huyện Mê Linh, chính quyền và nhân dân xã Tráng Việt đang nỗ lực phát huy truyền thống quê hương anh hùng, đoàn kết toàn dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế, phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi tập trung theo hướng hàng hóa, đặc biệt là khai thác tiềm năng vùng đất bãi. Từ đó, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, đưa Tráng Việt trở thành hạt nhân trong phát triển nông nghiệp, du lịch sinh thái của huyện Mê Linh.
Theo Minh Phúc/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/buc-tranh-thanh-binh-o-thu-phu-rau-cu-qua-i291053.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;