Ven theo tuyến lộ giao thông nông thôn trước nhà, chú Sơn trồng 2 hàng rào cây xanh.
Năm 1986, chú Lê Văn Sơn đi bộ đội, tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Đến năm 1990, chú xuất ngũ trở về địa phương sống bên gia đình ở huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Lúc mới trở về gia đình kinh tế rất khó khăn, cuộc sống chỉ trông chờ vào 2 công đất trồng lúa của cha mẹ vợ cho. Ngoài trồng lúa, vợ chồng chú không ai có nghề nghiệp ổn định. Trước hoàn cảnh khó khăn đó, đầu năm 1991 vợ chồng chú Sơn quyết định chuyển sang huyện U Minh nơi cha mẹ ruột sinh sống để lập nghiệp.
Ngày mới về đây, cha mẹ ruột cho vợ chồng chú 10 công đất rừng để khai phá, lập nghiệp. Để có đất sản xuất, vợ chồng chú phải đổ nhiều mồ hôi, công sức để cải tạo, dọn từng gốc tràm, phát từng bụi sậy. Tuy nhiên, do đất nhiễm phèn nặng nên sản xuất đạt hiệu quả không cao. Những năm đầu, vợ chồng chú chỉ trồng được 1 vụ lúa mùa, mỗi công chỉ thu hoạch được từ 5 đến 6 giạ lúa. Những năm thời tiết không thuận lợi, sâu gầy gây hại, ruộng lúa của gia đình gần như bị thất trắng. Nhiều năm liền, vợ chồng chú phải đi làm thuê, làm mướn, vào rừng giăng lưới, cắm câu để kiếm sống. Đến khoảng năm 2010, mảnh đất của vợ chồng chú mới được cải tạo thành khoảnh, giảm được phèn và cấy lúa cho năng suất từ 25 đến 30 giạ/công. Nhờ đó, kinh tế gia đình chú đã bớt đi phần khó khăn, chật vật. Gần 20 năm làm lụng vất giả, vợ chồng chú Sơn đã dành dụm mua thêm được 1 miếng đất gần 3ha. Đến khi nhà nước cho chuyển dịch cơ cấu sản xuất, trên diện tích đất sản xuất của gia đình, chú Sơn thực hiện mô hình sản xuất đa canh kết hợp. Mỗi năm, chú trồng 1 vụ lúa mùa, thả nuôi 3 vụ tôm sú xen canh 4 đến 5 vụ tôm thẻ chân trắng, nuôi 2 vụ cua. Từ mô hình này, khoảng 5 năm trở lại đây năm nào gia đình chú cũng có thu nhập từ 350 triệu đồng trở lên. Nhờ đó, kinh tế gia đình chú đã vượt qua cảnh nghèo khó và vươn lên khá giàu. Chú Sơn cho biết: “ Để thực hiện thành công mô hình sản xuất đa canh trồng lúa, nuôi tôm, nuôi cua kết hợp, bản thân tôi không ngại khó khăn gian khổ. Những lúc vào mùa vụ, tôi phải làm cả ngày lẫn đêm, làm không tính thời gian và làm chừng nào trời tối hết thấy đường thì mới nghỉ. Trong quá trình sản xuất, tôi không ngừng tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, tham quan các mô hình sản xuất có hiệu quả để học tập, làm theo. Nhờ vậy, những năm qua gia đình tôi đạt hiệu quả cao trong thực hiện mô hình sản xuất đa canh kế hợp. Cuộc sống gia đình tôi không còn sống cảnh mượn ăn trước, làm trả sau và kinh tế gia đình ngày một khấm khá hơn”.
Nhiều năm liền, mô hình sản xuất đa canh của gia đình chú Sơn đạt hiệu quả kinh tế cao.
Không những làm kinh tế giỏi, chú Sơn còn gương mẫu trong phong trào trồng hàng rào cây xanh, trồng hoa, cây cảnh trước nhà để góp sức cùng địa phương xây dựng nông thôn mới. Trên phần đất mặt tiền trước nhà, chú có trồng 2 hàng rào cây xanh bằng cây bông trang đỏ và bông trang vàng, có chiều dài 52 mét chạy song song nhau. Nhờ thường xuyên chăm sóc, cắt tỉa nên 2 hàng rào cây xanh của gia đình chú Sơn luôn phát triển xanh tốt, bằng phằng, thẳng hàng và trở thành một trong những hàng rào cây xanh đẹp của xã Nguyễn Phích. Ông Phạm Quốc Triệu, Phó Bí thư Chi bộ - Trưởng ban công tác Mặt trận ấp 19, xã Nguyễn Phích nhận xét: “Ông Lê Văn Sơn là một trong những cựu chiến binh năng động, nhiệt tình, có trách nhiệm trong công việc, làm kinh tế giỏi, gương mẫu trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Những năm qua, gia đình cựu chiến binh Sơn có mức thu nhập khá ổn định từ trồng lúa, nuôi tôm, nuôi cua. Không những làm giàu cho gia đình, cựu chiến binh Sơn còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất đạt hiệu quả cao cho các hội viên Hội cựu chiến binh và nhiều bà con nông dân trong xóm ấp học tập, làm theo để phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. Đồng chí Lê Văn Sơn xứng đáng là tấm gương sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới và trong học tập và làm theo gương Bác ở địa phương.
Theo Hùng Phước/camau.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã