Ngày 24/3, Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tổ chức Diễn đàn “Thực trạng tiếp cận chính sách và giải pháp nâng cao năng lực thích ứng cho HTX trong bối cảnh mới” tại Hà Nội.
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam tháng 1/2020 đến nay, Việt Nam đã khá thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội. Ngay từ khi đợt dịch đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều chính sách, trong đó mỗi chính sách có những cách thức tác động mang tính khuyến khích đối với các chủ thể thuộc mọi thành phần.
Trên thực tế, có một số chính sách không quy định HTX thuộc phạm vi điều chỉnh hoặc thuộc diện điều chỉnh thì các HTX vẫn gặp nhiều hạn chế trong việc tiếp cận và thụ hưởng.
Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HXT Việt Nam, năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, nền kinh tế Việt Nam và khu vực HTX đối mặt với 2 thách thức rất lớn đó là dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu.
Theo đó, các HTX ở lĩnh vực dịch vụ như du lịch, vận tải… chịu tác động mạnh. Theo khảo sát cũng như các nghiên cứu, doanh thu của các HTX đã giảm tới hơn 70% và lợi nhuận và thu nhập của các thành viên HTX cũng giảm theo.
Bên cạnh đó, các HTX ở lĩnh vực công nghiệp, xây dựng cũng phải chịu tác động. Tuy rằng không lớn so với các HTX dịch vụ nhưng doanh thu và các chỉ tiêu khác đều giảm như tình hình chung như các doanh nghiệp trong nền kinh tế.
Trong bối cảnh đó, Đảng và Nhà nước đã có những quyết sách kịp thời như giãn việc nộp thuế giá trị gia tăng, giảm thuế cho doanh nghiệp, cho vay với lãi suất 0% đối với những người thất nghiệp do dịch Covid-19… Trong đó các HTX và thành viên HTX, người lao động trong HTX cũng là những đối tượng được thụ hưởng.
Liên minh HTX Việt Nam, với tư cách là đại diện bảo vệ và chăm lo cho sự phát triển của các HTX, đã triển khai trong cả hệ thống từ trung ương đến địa phương, đầu tiên là thông tin cho các HTX, tuyên truyền về những thách thức, khó khăn và những chính sách của Nhà nước; hỗ trợ các HTX làm thủ tục để nhận những thụ hưởng, chính sách; đồng thời khuyến khích, đề nghị các thành viên cố gắng tự lực để vươn lên sản xuất trong tình hình khó khăn này.
Thứ hai là tăng cường đào tạo về quản trị cũng như chuyển đổi nghề cho các HTX theo chủ trương và nguồn lực của Nhà nước cũng như các nguồn lực khác.
Thứ ba là hỗ trợ và huy động các nguồn lực từ các tổ chức trong nước, tổ chức quốc tế để đầu tư một số các mô hình có thể chống chịu được với biến đổi khí hậu ví dụ như các cải thiện về giống, về công nghệ.
Thứ tư là tăng cường xúc tiến thương mại, tổ chức hội chợ, kết nối cung cầu giữa các tập đoàn lớn trong nước với các HTX.
Thứ năm là đẩy mạnh xây dựng các mô hình áp dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị để khắc phục những bất cập trong tiêu thụ.
Thứ sáu là sử dụng nguồn lực từ vốn tín dụng từ quỹ trung ương của Liên minh với vốn điều lệ khoảng 1.000 tỷ đồng và các quỹ của địa phương để hỗ trợ vốn cho các HTX thành viên theo chủ trương của cấp ủy chính quyền địa phương cũng như của Chính phủ.
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam chia sẻ: “Tuy rằng nguồn lực chưa lớn nhưng Liên minh luôn sát cánh, gắn bó với thành viên của mình trong lúc khó khăn và thường xuyên khuyến khích, động viên, cung cấp những thông tin để hỗ trợ các thành viên thực hiện các chính sách và cùng với thành viên thực hiện các dịch vụ để giảm bớt những khó khăn, tiếp tục phát triển kinh doanh.”
Có thể nói, so với những lĩnh vực khác, khu vực HTX có khả năng chống chịu tương đối tốt vì những rủi ro đã được phân tán. Đây là một trong những lợi thế lớn của khu vực kinh tế tập thể HTX.
Trên thế giới, hiện nay dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Tại Việt Nam, tình hình đã có thể kiểm soát được và chúng ta đang thực hiện mục tiêu kép theo yêu cầu của Chính phủ là vừa phòng chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế xã hội. Theo dự báo, tăng trưởng kinh tế trong năm nay của Việt Nam sẽ ở mức khá cao.
Biến đổi khí hậu là thách thức lâu dài của toàn cầu, hiện nay cũng tác động trực tiếp lên nền kinh tế nước ta. Khu vực kinh tế HTX không phải ngoại lệ, cùng với các lĩnh vực kinh tế khác cũng phải đối mặt với thách thức, khó khăn đó.
Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Liên minh HTX đã đề ra 5 chương trình hành động để chăm lo, hỗ trợ thành viên trong việc khắc phục hậu quả của khó khăn, thách thức từ đại dịch Covid-19 cho đến biến đổi khí hậu.
Trước hết, Liên minh HTX đã đẩy mạnh tuyên truyền và thông tin kịp thời tới các thành viên về các khó khăn, thách thức. Ví dụ là những rủi ro phi truyền thống, những rủi ro truyền thống như dịch bệnh, thiên tai, kể cả như vấn đề nước biển dâng ở Đồng bằng sông Cửu Long, xâm ngập mặn…
Liên minh HTX đã xây dựng đề án và sẽ thực hiện hỗ trợ việc chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cung ứng dịch vụ cho các HTX. Đề án sẽ được triển khai từ năm 2021 để kết nối các HTX trên toàn quốc, nhất là những HTX quy mô lớn, để tư vấn các HTX về mặt pháp lý, về mặt thông tin, cung ứng các dịch vụ về công nghệ, dịch vụ về xúc tiến thương mại.
Liên minh HTX sẽ đầu tư thành lập sàn giao dịch điện tử chung đối với các HTX. Liên minh cũng sẽ thành lập các câu lạc bộ HTX chuyên ngành chẳng hạn như lĩnh vực rau quả, chăn nuôi, dược liệu, lương thực… Các câu lạc bộ sẽ họp, gặp mặt, trao đổi thông tin với nhau, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình sản xuất kinh doanh cũng như kết nối cung cầu với các doanh nghiệp.
Liên minh HTX đã đề xuất, phối hợp với các bộ ngành để đề nghị với Chính phủ ban hành một Nghị định về hoạt động của các quỹ hỗ trợ HTX. Chính phủ, các bộ ngành cũng như chính quyền các địa phương hiện đang hỗ trợ tích cực trong việc thành lập các quỹ này để vừa mở rộng khối lượng vốn, quy mô hoạt động, cơ chế hoạt động.
“Tôi tin rằng trong thời gian tới, các quỹ được Nhà nước giao cho hệ thống Liên minh HTX quản lý sẽ hoạt động hiệu quả và sẽ là kênh hỗ trợ vốn tích cực, nhất là về cơ sở hạ tầng, vốn tín dụng, vốn lưu động”, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam chia sẻ.
Liên minh HTX sẽ đẩy mạnh xây dựng những mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị giữa 63 tỉnh, thành phố. Phải làm sao để nhân rộng mô hình, tạo lan tỏa. Liên minh đã phối hợp với Ủy ban dân tộc thực hiện dự án trong chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Trong dự án phát triển nông, lâm nghiệp, chúng tôi sẽ đẩy mạnh việc thành lập, xây dựng mô hình các HTX nông nghiệp ở địa bàn miền núi.
“Chúng tôi sẽ củng cố, phát triển các dịch vụ thuộc chức năng, nhiệm vụ của Liên minh HXT ví dụ như dịch vụ công nghệ, dịch vụ xúc tiến thương mại, dịch vụ về kiểm toán, dịch vụ về tín dụng và các dịch vụ khác để hỗ trợ, chăm lo cho thành viên”, ông Nguyễn Ngọc Bảo nói.
"Liên minh HTX sẽ luôn sát cánh cùng với các thành viên đối mặt với những thách thức, khó khăn từ biến đổi khí hậu đến đại dịch Covid-19", ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HXT Việt Nam.
https://nongnghiep.vn/nang-cao-nang-luc-thich-ung-cho-cac-hop-tac-xa-trong-boi-canh-moi-d286886.html
Theo Phạm Hiếu/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã