Hơn chục năm trước, cũng như bao người dân ở vùng núi khó khăn Yên Lập, gia đình bà Triệu Thị Vân (trú tại khu Dân Chủ, xã Thượng Long, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ) chỉ biết trông chờ vào cây lúa, cây ngô hoặc chăn nuôi vài con gà, lợn. Bởi vậy, kinh tế của gia đình bà luôn khó khăn, ăn bữa nay lo bữa mai.
"Mọi chuyện thay đổi khi phong trào trồng quế - loài cây có thể thu hoạch được cả lá, vỏ, thân - được người dân ở Yên Lập phát triển một cách mạnh mẽ. Ngoài việc trồng quế, nhận thấy nhu cầu về cây giống, tôi đã chuyển sang ươm cây giống để bán cho bà con, đồng thời thu mua, chế biến các sản phẩm từ quê. Nhờ đó đã giúp gia đình có thu nhập cao", bà Vân chia sẻ.
Theo bà Vân, một cây quế giống tốt là cây có đủ các yếu tố như chiều cao đạt từ 50cm trở lên, thân mập không cong, tán phải tản đều, lá xanh. Dù là vùng đồi dốc, nhưng không ngờ thời tiết và thổ nhưỡng ở Yên Lập lại giúp cây quế phát triển tốt đến bất ngờ.
"Nói vậy thôi, khi mới bắt tay vào ươm cây quế, gia đình tôi cũng gặp nhiều khó khăn như tỉ lệ mọc của hạt thấp, cây phát triển không đều… Tuy nhiên, sau vài lần ươm giống, cộng với học hỏi kinh nghiệm từ sách báo, cuối cùng tôi cũng thành công, ươm ra những cây giống chất lượng", bà Vân cho biết.
Bà Vân cho biết, hiện nay, gia đình bà đang có 7 vườn ươm quế giống với tổng diện tích trên 1ha. Đặc biệt, tiếng lành đồn xa, cây quế giống trong vườn nhà bà được nhiều người ưa chuộng, có bao nhiêu cũng được người dân thu mua hết.
Với giá bán cây quế giống dao động từ 1.000 – 1.200 đồng/cây, mỗi năm vườn ươm của gia đình bà xuất bán ra thị trường từ 60 - 70 vạn cây quế đạt tiêu chuẩn. Ngoài trồng quế và ươm cây quế giống, bà Vân còn tập trung nhân công vào thu mua và chế biến các sản phẩm từ quế như cành quế, vỏ quế, lá quế.
Là một người có trên 20 năm gắn bó với cây quế, bà Vân hiểu rõ về quá trình sinh trưởng và phát triển của cây quế cũng như thời điểm thu hoạch. Điều này giúp bà có nhiều thuận lợi trong công việc thu mua và chế biến sản phẩm từ quế.
Theo kinh nghiệm của bà Vân, quế trồng được 8 - 10 năm thì bắt đầu cho thu hoạch. Thời điểm để có thể thu hoạch quế là khi các lá non của quế bắt đầu chuyển sang bánh tẻ. Một năm thường có 2 đợt thu hoạch quế là vào tháng 3 và tháng 8. Ngoài cắt lá, còn tỉa cành hay bóc vỏ quế cũng "hái" ra tiền.
Khi vào mùa thu hoạch, gia đình bà chủ yếu tập trung vào chế biến các sản phẩm từ cành, lá và vỏ quế. Chế biến quế đòi hỏi nhiều thao tác thủ công như đẽo vỏ, bóc vỏ ở cây, bào vỏ.
"Từ việc ươm giống, chế biến các sản phẩm từ quế, trừ các chi phí, mỗi năm gia đình tôi thu về 700 – 800 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình còn tạo công ăn việc làm ổn định cho 10 – 15 người với mức thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng", bà Vân chia sẻ.
Theo ông Trần Doanh Xuyên - Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Long, mô hình trồng quế của gia đình bà Triệu Thị Vân có diện tích quế rất lớn. Mô hình trồng quế đã góp phần vào phát triển kinh tế gia đình và đóng góp một phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Hiện nay xã Thượng Long đã có đề án, kế hoạch tạo điều kiện cho những thôn phát triển kinh tế đồi rừng, đặc biệt trọng tâm mũi nhọn là cây quế.
Theo Bình Hùng/danviet.vn
https://danviet.vn/phu-tho-ca-nha-doi-van-nho-trong-cay-thuoc-vua-thom-vua-cay-moi-nam-ban-70-van-cay-giong-20210320225738724.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã