Cách đây 4 năm, vào ngày 2/3/2017, tại tỉnh Quảng Ninh, địa phương phát kiến đầu tiên triển khai Chương trình OCOP, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã cùng Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chủ trì Hội nghị Phát triển OCOP trong xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp. Tại hội nghị đó, đã nhận diện Chương trình OCOP là một nội dung, nhiệm vụ quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới và quyết định báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép chính thức triển khai, nhân rộng Chương trình OCOP ra toàn quốc.
Sau Hội nghị đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 490 ngày 07/5/2018 phê duyệt Chương trình với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để triển khai trên toàn quốc.
Phải xác định đây là chương trình mang tính dài hạn
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng đánh giá, đến nay, sau gần 10 năm triển khai thực hiện đồng loạt trên cả nước, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên phạm vi cả nước đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đặc biệt, sức lan tỏa sâu rộng của Chương trình Mục tiêu quốc gia còn được thể hiện qua Chương trình OCOP, chương trình phát triển kinh tế ở nông thôn dựa trên thế mạnh, lợi thế, đặc biệt là những sản vật, làng nghề truyền thống của các địa phương, vùng miền trên cả nước.
Mặc dù tiến độ triển khai trong cả nước còn chậm so với kế hoạch đề ra, đến hết 2018 chưa được 30% số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai Chương trình nhưng đến nay, đã có 63/63 tỉnh thành triển khai, 59/63 tỉnh thành tổ chức đánh giá xếp hạng sản phẩm cho thấy việc nhận thức và ý thức chỉ đạo triển khai Chương trình ngày càng tích cực hơn.
Ngoài những địa phương có chiều sâu như tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hà Nội thì những địa phương tích cực triển khai nhanh chóng và hiệu quả đều nằm ở khu vực "3 Tây" (Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ), cho thấy sự phù hợp của Chương trình trong phát triển sản xuất, góp phần thúc đẩy xây dựng nông thôn mới ở khu vực còn khó khăn này.
Phó Thủ tướng cùng các đại biểu tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP của địa phương - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Đến nay, đã có 2.439 tổ chức kinh tế tham gia sản xuất sản phẩm OCOP được xếp hạng, trong đó khu vực kinh tế tư nhân chiếm 59% (27,5% là doanh nghiệp), còn lại là kinh tế tập thể, hợp tác xã chiếm 41%, cho thấy mục tiêu là rất đúng hướng, là cơ sở, thành tố kinh tế quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn.
Theo báo cáo của 59 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đã đánh giá, công nhận 4.469 sản phẩm, vượt 1,86 lần so với mục tiêu, cho thấy sức sáng tạo và tích cực của nhân dân trong phát triển, đa dạng hóa sản phẩm OCOP.
Số sản phẩm đạt 3-4 sao cấp tỉnh chiếm 98,3%, cho thấy việc nhận diện và phát triển trục sản phẩm địa phương của Chương trình OCOP của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là hết sức đúng đắn và thực tiễn.
Về chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật, bao bì của sản phẩm OCOP ngày càng phát triển, thể hiện trình độ sản xuất của nông dân ngày càng tiến bộ.
Sản phẩm OCOP được phát triển đa dạng theo 6 nhóm (thực phẩm; đồ uống; thảo dược; vải-may mặc; lưu niệm-nội thất-trang trí; du lịch) không chỉ là sinh kế của người dân mà còn là con đường phát triển kinh tế đa dạng, phát huy lợi thế, tính đặc sắc và văn hóa của mỗi một địa phương từ xã, đến huyện, đến tỉnh.
Trong thời gian qua, nhất là trong thời điểm dịch bệnh COVID-19, sản phẩm OCOP đã được cung ứng rất tốt cho thị trường, có sự tăng trưởng về doanh thu và giá bán là minh chứng về tiềm năng, hiệu quả của Chương trình OCOP.
Về nguồn lực triển khai, Chương trình huy động 22.845 tỷ đồng (kế hoạch dự kiến 45.000 tỷ đồng), trong đó các tổ chức OCOP huy động nguồn lực và vay tín dụng chiếm trên 93% (tăng 6,6% so với kế hoạch đề ra là 86,6%); ngân sách các cấp (cả nguồn lồng ghép) chiếm 7% (giảm 6,4% so với kế hoạch đề ra là 13,4%).
Một thành công quan trọng nữa của Chương trình OCOP là công tác xúc tiến thương mại được các bộ, ngành, địa phương triển khai rất tích cực và hiệu quả. Bộ Công Thương đã nhanh chóng ban hành quyết định quy chuẩn trung tâm/điểm bán hàng OCOP, giúp cho cả nước có trên 142 trung tâm/điểm bán hàng OCOP. Hội chợ, triển lãm OCOP cấp tỉnh, khu vực với hơn 10.000 gian hàng dần trở thành thương hiệu địa phương và điểm đến của du lịch. Hệ thống bán lẻ hiện đại trong toàn quốc (các trung tâm thương mại lớn như hệ thống Central Retail, Saigon Coop, Mega Market...) cũng đã tích cực tham gia tiêu thụ các sản phẩm OCOP.
Đáng chú ý là trong bối cảnh mới triển khai thời gian rất ngắn so với quốc tế, Việt Nam đã có đề xuất và thúc đẩy Sáng kiến mạng lưới kết nối quốc tế về phong trào OCOP/OVOP/OTOP trong phát triển ngành nghề nông thôn khối ASEAN và một số nước triển khai Phong trào Mỗi làng một sản phẩm OVOP được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Một gian hàng địa phương tham dự chương trình - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Phát huy vai trò đầu tàu trong các chuỗi giá trị sản phẩm OCOP
Bên cạnh những kết quả nổi bật, Phó Thủ tướng cũng nêu rõ, Chương trình OCOP bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.
Sự chủ động vào cuộc ở một số địa phương còn hạn chế, bên cạnh đó, một số địa phương lại có biểu hiện chạy theo thành tích, chưa đi vào thực chất, đặc biệt là chưa dựa vào lợi thế, thế mạnh của các sản phẩm đặc trưng. Chưa thực sự quan tâm đến các giải pháp hỗ trợ thực chất đối với chủ thể OCOP, đặc biệt là nâng cao năng lực về tổ chức, quản trị, chế biến và thương mại sản phẩm, nhiều sản phẩm chỉ quan tâm đến mẫu mã, bao bì, chưa trú trọng vào yếu tố chất lượng, đặc biệt là gắn với thị hiếu người tiêu dùng.
Công tác xúc tiến thương mại còn manh mún, thiếu đồng bộ, chưa tạo được điểm nhấn nổi trội và đặc sắc để tạo hình ảnh, thay đổi nhận thức của người tiêu dùng đối với sản phẩm OCOP, thương hiệu OCOP Việt Nam. Năng lực của các tổ chức kinh tế OCOP còn khiêm tốn nên việc quản trị, phát triển chuỗi giá trị gắn với vùng nguyên liệu địa phương của các sản phẩm OCOP còn gặp khó khăn.
Theo Phó Thủ tướng, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ thực hiện các đột phá chiến lược để tạo môi trường huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, cho sản xuất kinh doanh. Đây là điều kiện thuận lợi về thể chế, môi trường, hạ tầng cho người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển. Bên cạnh đó là yêu cầu tiếp tục tái cấu trúc nền kinh tế nhằm nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế, trong đó phải giải quyết được các mối quan hệ giữa tăng trưởng và phát triển, giữa phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
"Với mục tiêu đó, việc tiếp tục phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, phát triển nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng. Do đó, việc đẩy mạnh chương trình OCOP có vai trò quan trọng, là hạt nhân để đẩy mạnh các sản phẩm có chất lượng cao, khối lượng lớn, có giá trị gia tăng cao. Từ đó, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế nông thôn, đời sống người dân ở nông thôn sẽ cải thiện. Đây cũng là thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" - Phó Thủ tướng nêu rõ.
Tuyệt đối không làm theo phong trào
Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện hồ sơ của Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt Chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, muộn nhất vào tháng 6/2021.
"Trong đó, phải tiếp tục xác định Chương trình OCOP là một chương trình phát triển kinh tế nông thôn trọng tâm, cần được ưu tiên trong chính sách phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững. Phải xác định đây là chương trình mang tính dài hạn", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng đề nghị tập trung đầu tư phát triển 6 nhóm sản phẩm đã được xác định, trong đó lưu ý những sản phẩm có lợi thế, đặc trưng của địa phương, gắn với yếu tố văn hóa, con người ở mỗi khu vực, vùng miền, dân tộc để phục vụ phát triển kinh tế du lịch. Từng bước định hướng, nâng cao chất lượng, tăng cường đổi mới, sáng tạo, đặc biệt là đối với sản phẩm OCOP đạt cấp độ quốc gia nhằm mở rộng và thúc đẩy thị trường.
Trong quá trình triển khai, Phó Thủ tướng lưu ý, tuyệt đối không được làm theo phong trào, thậm chí xảy ra tình trạng “xuê xoa” trong quá trình thẩm định, đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực đến thương hiệu của các sản phẩm OCOP khác.
"Không được làm theo phong trào, phải làm theo quy luật cung cầu; trong đó gắn với nhu cầu cả trong nước, khu vực và quốc tế, gắn với phát huy lợi thế, tiềm năng, văn hóa của từng địa phương" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, chú trọng phát triển các loại hình tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP. Trong đó, cần ưu tiên hỗ trợ một cách thực chất hơn đặc biệt là các hợp tác xã, doanh nghiệp, phát huy vài trò đầu tàu trong các chuỗi giá trị sản phẩm OCOP.
Đồng thời, có chính sách để ưu tiên vốn, đất đai, hỗ trợ thúc đẩy việc ứng dụng KHCN để phát triển sản xuất ở các tổ chức kinh tế OCOP. Tập trung các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chế biến, chế biến sâu, liên kết và gắn với vùng nguyên liệu địa phương để hình thành các chuỗi giá trị hoàn chỉnh, sản phẩm OCOP đặc sắc, có giá trị cao. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá một cách bài bản, đồng bộ và thường xuyên, tăng cường quản lý giám sát sản phẩm OCOP, xây dựng thương hiệu OCOP quốc gia làm cơ sở để đẩy mạnh thị trường và tiếp cận thị trường quốc tế.
Đối với các đề xuất, kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, tiếp thu, tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành Trung ương có liên quan, để xây dựng Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025.
Các bộ, ngành chủ động trong việc xây dựng chính sách, cơ chế phù hợp, tạo điều kiện hỗ trợ các tổ chức kinh tế tham gia Chương trình; đồng ý về việc tiếp tục triển khai Chương trình tín dụng chính sách xã hội hỗ trợ phát triển sản xuất và mở rộng đối tượng cho vay để phát triển ngành nghề nông thôn, đặc biệt là phát triển Chương trình OCOP trên địa bàn đặc biệt khó khăn.
Nhật Bắc/Chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã